18/10/2018 11:11 GMT+7

Phòng sốt xuất huyết: Bộ trưởng Y tế chê tuyên truyền không đúng trọng tâm

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Theo hệ thống giám sát dịch tễ trong tháng qua, số ca bệnh sốt xuất huyết có hiện tượng gia tăng theo mùa ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có TP.HCM.

Phòng sốt xuất huyết: Bộ trưởng Y tế chê tuyên truyền không đúng trọng tâm - Ảnh 1.

Nhân viên y tế kiểm tra mật độ lăng quăng ở P. Trảng Dài, TP Biên Hòa - Ảnh: BÌNH AN

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn đốt và truyền bệnh. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không kịp thời, vì thế phương án hữu hiệu nhất là chủ động phòng chống.

Cần truyền thông đúng trọng tâm

Trong buổi phát động "Chiến dịch phòng chống tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết" mới đây tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn cho biết công tác truyền thông sốt xuất huyết ở nhiều quận, huyện còn chưa đúng trọng tâm. 

"Tôi rất sốt ruột về công tác truyền thông trong phòng chống và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Có truyền thông tốt, phòng chống dịch bệnh mới tốt. Những hình ảnh, video rất chân thật, thu hút người nhìn nhưng chưa đạt về nội dung thông điệp" - bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Tiến, sốt xuất huyết gây bệnh do muỗi đốt, vì thế cần phải diệt muỗi bằng cách phun thuốc diệt muỗi kết hợp với lật úp các dụng cụ chứa nước như chai, lọ, lốp xe... để không cho lăng quăng sinh sôi. Nhiều video, băngrôn, hình ảnh tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết nhưng lại chú tâm đến hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường như cầm chổi quét rác, phát quang bụi rậm... Bà Tiến nhận định đây là hành động cần làm nhưng chưa đúng trọng tâm.

Ngoài ra, bà Tiến cũng đặt vấn đề tại sao tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết nhưng chỉ chú trọng hình ảnh xe phun thuốc diệt muỗi. 

"Phun thuốc chỉ diệt được muỗi trưởng thành, không diệt được lăng quăng. Vài ngày sau khi phun, lăng quăng lại phát triển thành muỗi, đây là lý do vì sao dịch bệnh cứ mãi hoành hành. Vì thế cần kết hợp diệt muỗi và diệt cả lăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết" - bà Tiến nhấn mạnh.

Diệt muỗi, diệt cả lăng quăng

Các chuyên gia y tế cho biết muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây..., các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh. Đặc biệt, muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20 độ C.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, diệt muỗi và diệt lăng quăng là biện pháp chủ động phòng bệnh tốt nhất, đơn giản nhất. Do đó, mọi người dân, mọi gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; đậy kín các vật dụng chứa nước để không có lăng quăng, thay nước bình hoa; loại bỏ các vật liệu phế thải đọng nước ở trong nhà và xung quanh nhà không cho muỗi đẻ trứng; ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tránh truyền dịch tại nhà

Một bác sĩ chuyên khoa nhi Bệnh viện Nhi đồng TP cho rằng bệnh sốt xuất huyết có những dấu hiệu đặc trưng như: người lừ đừ, sốt cao đột ngột, đau đầu, đau nhức vùng hốc mắt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết trên da. Ở giai đoạn nặng có biểu hiện đau cơ, co giật, giảm tiểu cầu, sốc...

Khi nghi ngờ người bệnh có những dấu hiệu trên, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà, không dùng aspirin để hạ sốt (có thể gây xuất huyết sớm và nặng hơn), không áp dụng các phương pháp dân gian không có cơ sở khoa học như cạo gió, cắt lể...

Theo các bác sĩ, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh nên uống nhiều nước. Tốt nhất là uống oresol pha loãng để bù được cả lượng nước và điện giải đã mất đi. Ngoài ra, có thể uống nước đun sôi để nguội, nước hoa quả (cam, chanh), ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu, không màu nhưng vẫn đảm bảo giàu dinh dưỡng như cháo, xúp.

Sốt xuất huyết gia tăng nhanh ở Đồng Nai

sxh bv

Bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại hành lang khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP - Ảnh: X.MAI

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, trong tháng 9 Đồng Nai ghi nhận 971 ca sốt xuất huyết, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2017 (698 ca). Tính từ ngày 1 đến ngày 17-10, toàn tỉnh ghi nhận 672 ca, tăng 118% so với cùng kỳ 2017 (308 ca), riêng số nội trú tăng 83%.

Ông Bạch Thái Bình - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai - cho biết địa bàn đang lưu hành cả 4 type virút gây bệnh sốt xuất huyết nên nguy cơ tái nhiễm bệnh (chủng khác) có thể xảy ra. Các địa bàn ghi nhận bệnh nhiều là TP Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Đây là khu vực tập trung đông phòng trọ, công nhân lao động sinh sống.

A LỘC

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên