23/12/2017 15:18 GMT+7

Phòng chống các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Gọi là vi chất dinh dưỡng bởi vì chúng rất cần thiết cho cơ thể dù chỉ với số lượng rất nhỏ.

Phòng chống các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng - Ảnh 1.

Đa số các vi chất dinh dưỡng cơ thể không thể tự tổng hợp được mà do thức ăn cung cấp. Ảnh: thisdaylive.com

Vi chất dinh dưỡng là gì ?

Trong quá trình phát triển cơ thể luôn cần một lượng nhỏ các vitamin và chất khoáng để phát triển bình thường. Đa số các chất này cơ thể không thể tự tổng hợp được mà do thức ăn cung cấp, đó là các vi chất dinh dưỡng (micronutrient malnutrition). Gọi là vi chất dinh dưỡng bởi vì chúng rất cần thiết cho cơ thể dù chỉ với số lượng rất nhỏ, các chất này là cho phép cơ thể sản xuất ra các enzyme, hormon và các chất khác cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Trong số các vi chất cần thiết thì vitamin A, sắt, i-ốt, kẽm là những vitamin và khoáng chất rất dễ thiếu và là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe mọi người nói chung, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai, người cao tuổi hiện nay ở nước ta.

Những tác hại của thiếu vi chất dinh dưỡng:

Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, tới phát triển thể chất và trí tuệ.

Thiếu vitamin A sẽ gây ra bệnh khô mắt với các mức độ tổn thương ở mắt như: Quáng gà; khô kết mạc; vệt Bitot; khô giác mạc; khô, loét nhuyễn giác mạc và sẹo giác mạc do khô mắt. Đặc biệt trẻ em bị suy dinh dưỡng bị khô mắt do thiếu vitamin A có thể dẫn tới mù lòa. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong và giảm tăng trưởng ở trẻ em.

Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, có thể kết hợp với thiếu axit folic, nhất là trong thời kỳ có thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Những hậu quả về sức khỏe do thiếu máu thiếu sắt là làm suy dinh dưỡng bào thai, tăng nguy cơ đẻ non, đẻ con nhẹ cân và dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản, suy giảm phát triển thể chất và trí tuệ, tăng nguy cơ bệnh tật ở trẻ em và giảm năng suất làm việc ở người lớn.

Thiếu i-ốt dẫn đến thiếu hoóc-môn tuyến giáp và ảnh hưởng tới nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, gây ra nhiều rối loạn khác nhau gọi chung là "Các rối loạn do thiếu i-ốt", bao gồm: Bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chiều cao, chậm phát triển sinh dục, đần độn, điếc, lác mắt, liệt cứng chi, sẩy thai tự nhiên, đẻ non, thai chết lưu... Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu i-ốt là ảnh hưởng tới phát triển của bào thai. Người mẹ bị thiếu i-ốt sẽ đẻ ra con kém trí tuệ. Trẻ thiếu i-ốt có thể bị bệnh thiểu trí, giảm khả năng học hành. Theo WHO thiếu i-ốt là một trong những nguyên nhân chính của sự phát triển nhận thức kém ở trẻ em.

Thiếu kẽm cũng thường gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, trẻ sanh non, trẻ không được bú mẹ, trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng, phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ dễ mắc bệnh nhiễm trùng. Thiếu kẽm còn làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục.

Những nguyên nhân gây thiếu vi chất dinh dưỡng:

Thiếu vitamin A là do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A, đây là tình trạng phổ biến ở nhiều vùng. Trẻ em trong giai đoạn ăn bổ sung có chế độ ăn nghèo thức ăn động vật, rau xanh quả chín. Thiếu dầu mỡ trong khẩu phần làm giảm hấp thu vitamin A. Thực đơn ăn dặm bổ sung cho trẻ ăn không đủ các nhóm chỉ có bột gạo, đường hoặc muối là một sai lầm về chế độ nuôi dưỡng dẫn tới thiếu vitamin A và các vi chất khác. Bên cạnh đó nhiều trẻ bị mù dinh dưỡng do không được bú mẹ đúng cách và đủ tháng dẫn tới việc thiếu Vitamin A vì trong sữa mẹ chứa nhiều vitamin A thích hợp với trẻ nhỏ. Một số bệnh nhiễm trùng đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy cũng là các nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu hụt vitamin A. Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là nguyên nhân của thiếu vitamin A. Trẻ em bị suy dinh dưỡng protein năng lượng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu protein phục vụ cho việc chuyển hoá, vận chuyển vitamin A trong cơ thể.

Nguyên nhân thiếu máu dinh dưỡng là do chế độ ăn nghèo sắt. Khẩu phần ăn hàng ngày của phụ nữ mang thai và trẻ em thường thiếu nguồn thức ăn động vật giàu chất sắt hoặc khẩu phần ăn có chứa nhiều chất ức chế việc hấp thu sắt. Mặt khác, lượng dự trữ sắt cơ thể của phụ nữ trước khi có thai thường thấp cho nên trong thời kỳ có thai, thiếu máu trở lên trầm trọng. Tình trạng nhiễm giun móc và các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiêu hoá cũng góp phần dẫn tới thiếu máu thiếu sắt.

Trong thiên nhiên phần lớn i-ốt được dự trữ trong nước biển. Từ biển, i-ốt theo hơi nước bốc lên được đưa vào đất liền. Mưa bổ sung i-ốt cho đất nhưng cũng chính mưa lũ gây ra nạn xói mòn làm trôi i-ốt ra biển, làm nghèo i-ốt trong đất. Thức ăn là nguồn cung cấp i-ốt chủ yếu, con người và động vật dùng lương thực và cây cỏ nuôi trồng trên đất thiếu i-ốt sẽ dẫn tới tình trạng thiếu i-ốt.

Nguyên nhân thiếu chất kẽm là do khẩu phần ăn không cân đối, thức ăn chủ yếu có nguồn gốc thực vật, nhiều ngũ cốc, ít sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật hay hải sản. Đặc biệt là trẻ em dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ hoàn toàn.

Các biện pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

Vi chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc cũng như trí thông minh. Nhu cầu những chất này tuy rất nhỏ nhưng lại dễ bị thiếu hụt trong chế độ ăn hàng ngày của mỗi người, đặc biệt là ở những vùng kinh tế khó khăn, thu nhập thấp hay kém phát triển. Do đó, để phòng ngừa thiếu các vi chất dinh dưỡng chúng ta cần phải:

Cần đa dạng hóa bữa ăn bằng cách phối hợp 15 – 20 loại thức ăn từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Tăng cường lựa chọn và sử dụng các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Nên ăn đủ nhu cầu năng lượng. Ăn đủ rau, trái cây tươi, chú ý rau có màu xanh đậm và củ quả vàng đậm. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, ưu tiên sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương. Không bắt trẻ ăn kiêng cữ khi trẻ bị bệnh.

Cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 36 tháng tuổi uống bổ sung Vitamin A bổ sung một năm 2 lần theo kế hoạch của ngành y tế. Bà mẹ ngay sau khi sinh con cần được uống bổ sung vitamin A liều cao trong vòng 1 tháng sau sinh.

Cho trẻ em từ 24 – 60 tháng tuổi tẩy giun 6 tháng một lần. Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh trong ăn uống để phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ dinh dưỡng và uống thêm viên sắt/axit folic.

Mọi nhà cần sử dụng muối i-ốt hoặc bột canh i-ốt trong chế biến thức ăn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên