10/01/2018 10:57 GMT+7

Phi hành gia Nhật sợ không về được vì… cao thêm

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Sau 3 tuần lên làm việc tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), phi hành gia người Nhật Norishige Kanai 'phát hoảng' khi thấy chiều cao tăng 8,89cm trong lần đo đầu tiên.

Phi hành gia Nhật sợ không về được vì… cao thêm - Ảnh 1.

Nhà du hành vũ trụ người Nhật Norishige Kanai lên làm việc tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ ngày 19-12-2017 - Ảnh: REUTERS

Theo đài ABC, phi hành gia Kanai lên tới ISS vào ngày 19-12. Trong đoạn tweet đầu tiên của mình, ông cho biết kể từ thời điểm lên tới trạm vũ trụ tới ngày 9-1, ông đã cao thêm gần 9 cm.

Ông Kanai cho biết toàn bộ phi hành đoàn sau khi tới ISS đều sẽ trải qua thủ tục cân đo khối lượng, chiều cao cơ thể. Và những chỉ số đo cơ thể trong lần đo đầu tiên cho thấy ông đã cao hơn 3,5 inch (8,89 cm) so với khi ở dưới mặt đất.

Thông tin này khiến ông Kanai hơi hoảng vì tàu vũ trụ Soyuz - con tàu sẽ đưa ông quay về mặt đất, có giới hạn về chiều cao, do đó ông lo sợ khả năng không… về nhà được.

Tuy nhiên sau đó ông Kanai đo lại một lần nữa và gửi thông tin đính chính là ông chỉ cao hơn 0,79 inch chứ không phải 3,5 inch như thông số ban đầu. Ông cho biết chỉ số đo ban đầu có xảy ra lỗi và xin lỗi vì đã phát đi thông tin không chính xác.

Tuy nhiên, có một thực tế là các phi hành gia thường sẽ tăng thêm chiều cao trung bình từ 0,79 - 1,97 inch trong môi trường không gian.

Ông Clayton Anderson - một cựu phi hành gia của NASA, cho biết việc tăng thêm chiều cao trong không gian là điều bình thường. Trong chuyến làm việc cuối cùng trong vũ trụ của ông vào tháng 4-2010, ông cho biết đã cao thêm 2 inch (5,08 cm).

Phi hành gia Nhật sợ không về được vì… cao thêm - Ảnh 2.

Phi hành gia Clayton Anderson của NASA - Ảnh: AP

Ông Anderson giải thích: "Ở trên mặt đất, do sức hút của trọng lực, xương sống của bạn bị nén xuống. Khi bạn đi vào không gian, trọng lực giảm bớt nên cơ thể bạn bắt đầu giãn ra".

Tuy nhiên việc đo chiều cao trong không gian cũng là điều rất khó chính xác, ông Anderson giải thích. Theo đó, người cần đo sẽ phải nằm ngay đơ như tấm ván, một người khác sẽ giữ chân cho người này để họ không bị bay lên. Sau đó, một người thứ ba sẽ đo chiều cao cho người đang được giữ cố định đó. 

Cũng theo cựu phi hành gia NASA, rất có thể sai số trong lần đo chiều cao đầu tiên của ông Kanai đã xảy ra trong tình huống này.

Vậy có nên lo lắng về việc khó quay trở lại Trái đất không? Ông Anderson cho rằng không nên hoảng sợ vì sau khi quay trở lại Trái đất, xương cột sống của mọi người sẽ co trở lại như trạng thái ban đầu.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên