21/01/2019 11:38 GMT+7

Phát hiện nhiều sai sót thi học sinh giỏi quốc gia

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, việc tổ chức thi học sinh giỏi liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017 có những sai sót dễ dẫn đến tiêu cực.

Phát hiện nhiều sai sót thi học sinh giỏi quốc gia - Ảnh 1.

Học sinh ở TP.HCM đang làm bài thi kỳ thi học sinh giỏi môn thực nghiệm khoa học tự nhiên - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phổ biến việc "một người ba vai"

Theo kết luận Thanh tra thì việc "một người ba vai" phổ biến ở nhiều trường chuyên. Những người này vừa đề xuất đề thi, có chân trong hội đồng ra đề thi, vừa tập huấn đội tuyển học sinh giỏi.

Ví dụ năm 2017, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) có 12 người, Trường THPT chuyên Bắc Giang có 21 người, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) năm 2016 có 7 người…

Trong khi đó, số lượng đề thi đề xuất dùng cho thi học sinh giỏi quốc gia ở mỗi môn rất ít. Đơn cử như Ngữ văn có 2 đề, Tin học 3 đề, Tiếng Pháp 4 đề…

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra những sai sót khác như danh sách người đề xuất đề không được đảm bảo quy định tối mật. Việc quy định thành lập hội đồng chấm thi cũng không đúng quy chế. Có giám khảo chấm thi đồng thời tham gia chấm phúc khảo.

Chấm thi nhiều sai sót

Theo kết luận thanh tra, khi kiểm tra xác suất chấm lần một của 27 bài thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017 cho thấy giám khảo chưa thực hiện đúng quy trình chấm bài thi độc lập theo quy định, trong phiếu thống nhất không có điểm của giám khảo 1 và giám khảo 2.

Việc cộng điểm trên bài thi bị sai, dẫn tới sai lệch kết quả tổng điểm bài thi. Ví dụ có bài môn Sinh học chỉ đạt 18,75 thì được ghi 19. Có bài thi điểm nhập vào máy tính khác với điểm trên bài thi, như bài thi Lịch sử trên phiếu điểm là 13,75, còn trên máy tính là 14.

Có môn thi khi nhập điểm không có chữ ký của thư ký hội đồng chấm thi.

Chấm phúc khảo không minh bạch

Kiểm tra xác suất 4 bài thi có điểm thay đổi sau khi phúc khảo (2 bài Hóa học, 2 bài Sinh học) thì thấy không có biên bản mở, kiểm tra túi bài thi theo quy định, biên bản chấm thi không ghi đúng thực tế việc tăng điểm thi (khi chấm phúc khảo).

Sự mập mờ này khiến có những thí sinh từ "không đoạt giải" trở thành "có giải". Một thí sinh ở Thanh Hóa sau khi phúc khảo, điểm số được tăng lên 1 điểm so với lần chấm trước và từ chỗ không đoạt giải đã được xác nhận đoạt giải ba.

Lý giải cho việc tăng điểm này là "cộng điểm thành phần bị nhầm" nhưng khi kiểm tra kỹ thì không phải cộng điểm nhầm, mà giám khảo chấm phúc khảo đã cho thêm điểm thành phần, có bút tích viết màu mực khác.

Một học sinh ở Hà Nội cũng được nâng từ 9,25 điểm lên 10,5 điểm sau khi chấm phúc khảo, biên bản ghi lý do lần chấm trước "cộng điểm nhầm". Nhưng kiểm tra thì cũng phát hiện giám khảo chấm phúc khảo đã cho thêm điểm thành phần bằng bút có màu mực khác.

Trong kết luận, Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu phải khắc phục những sai sót trên, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân liên quan. Kiến nghị được đưa ra từ đầu năm học 2018-2019, nhưng ở kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia mới diễn ra từ ngày 13 đến 15-1 thì kiến nghị trên vẫn chưa được xử lý.

Ngay sau kỳ thi năm 201, một số nhà Toán học đã có ý kiến về đề thi môn Toán quá khó, không sáng tạo, không hay, không phù hợp với mục đích của kỳ thi.

Một số nhà giáo dục cũng đang cho rằng tới lúc cần xem lại mô hình trường chuyên và cách tuyển, đào tạo. Việc tuyển, đào tạo không đúng cách, chủ yếu giống như "nuôi gà nòi" trong môi trường có nhiều khuất tất, tiêu cực dẫn tới một kỳ thi có kết quả không khách quan là việc làm đi ngược với mục đích "nuôi dưỡng nhân tài".

Sau những lùm xùm xung quanh đề thi, cách thức tổ chức thi, Bộ GD-ĐT vừa thông tin cho báo chí biết Bộ GD-ĐT đang triển khai các công đoạn của quy trình chấm thi theo quy định của Quy chế. Bộ GD-ĐT sẽ mời các chuyên gia, nhà giáo giỏi có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan.

Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020.

Cụ thể, sẽ đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Từ chối vào đội tuyển học sinh giỏi để chăm sóc cha Từ chối vào đội tuyển học sinh giỏi để chăm sóc cha

TTO - Khi cha đau, mẹ ốm không còn đủ sức cáng đáng gia đình, người ta thường nghĩ đến những chiếc cột nhà xiêu vẹo. Khi ấy, căn nhà - tổ ấm yêu thương trở nên bấp bênh trước giông gió của cuộc sống.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên