Ôtô về nhiều, lo đường chật

MINH NHÀN 29/04/2014 21:04 GMT+7

TTCT - Không đợi đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu còn 0%, tác động của việc giảm thuế 50% từ đầu năm đến nay cho thấy ôtô nhập về đã tăng mạnh.

Người tiêu dùng trước, doanh nghiệp sau
Lựa chọn nào cho ôtô Việt Nam?: Cơ hội làm lại

Hệ thống giao thông công cộng phát triển ì ạch khiến người dân chọn phương tiện cá nhân đã gây nên ùn tắc khắp nơi - Ảnh: Thuận Thắng

Xe nhập tăng 50%

Tổng cục Hải quan vừa công bố sơ bộ về tình hình nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong quý 1-2014. Theo đó, đã có hơn 10.400 chiếc ôtô ngoại về VN, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xe dưới chín chỗ ngồi tăng nhiều nhất với 5.290 chiếc, ôtô tải là 4.410 chiếc và ôtô loại khác là 719 chiếc.

Chỉ riêng trong tháng 3 có gần 4.400 chiếc đã nhập khẩu vào VN, chiếm gần phân nửa lượng ôtô của cả quý.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ôtô nguyên chiếc cho VN với gần 3.700 chiếc, tiếp theo là Thái Lan với gần 1.750 chiếc, Ấn Độ qua mặt Trung Quốc (1.260 chiếc) với 1.700 chiếc...

Trong số những quốc gia xuất khẩu nhiều ôtô vào VN, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước nằm ngoài ASEAN. Tuy nhiên, theo dõi sát hoạt động nhập khẩu, ông Lưu Đức Huy, vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng thị trường nhập khẩu ôtô của VN đang nóng lên khi lượng ôtô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia... tăng dần trong mấy tháng trở lại đây.

Chỉ tính trong quý 1, số lượng xe nhập từ Thái Lan đã tăng từ 338 chiếc trong tháng 1 lên 730 chiếc trong tháng 3. Ôtô nhập khẩu từ Indonesia dù số lượng còn nhỏ, mỗi tháng chỉ từ 100-150 chiếc, nhưng cũng trên đà tăng.

Lo đường sá chật hẹp

Trong khi đó, rất nhiều chuyên gia về giao thông lại băn khoăn khi cho rằng cơ sở hạ tầng của VN còn hạn chế, khó có thể đáp ứng khi nhu cầu ôtô cá nhân tăng mạnh. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vào những giờ cao điểm ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên.

Một chuyên gia tài chính cho rằng trước mắt cần dùng biện pháp để hạn chế nhưng về lâu dài việc xây dựng hệ thống đường sá là mấu chốt. Song song với việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm đường sá trong những năm tới thì Nhà nước dứt khoát phải phát triển phương tiện giao thông công cộng rộng khắp và tiện dụng.

Cơ quan quản lý về giao thông phải trả lời cho được câu hỏi người dân sử dụng phương tiện gì là thuận tiện, tối ưu. Nếu phần đông người dân cứ phải sử dụng xe máy, vài năm nữa ôtô con là phương tiện chính để di chuyển thì vấn đề ùn tắc không biết đến khi nào mới giải quyết được.

Hiện nay xe buýt chưa phải là phương tiện thuận tiện để phần đông người dân lựa chọn bởi họ gặp quá nhiều bất tiện khi dùng mà chất lượng phục vụ cũng chưa ổn. Cần có đầu tư thích đáng cho việc tăng chất lượng xe buýt song song với giáo dục và tuyên truyền văn hóa đi xe công cộng.

Tuyên truyền phải có sức thuyết phục để khuyến khích và có biện pháp chế tài nghiêm minh cả đối với người phục vụ xe buýt lẫn người đi xe. Làm kiên trì thì mới dần dần lập được kỷ cương như người Nhật đã làm từ thập niên 1960.

Trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải VN đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 hạ tầng giao thông có thể đáp ứng cho 3,2-3,5 triệu ôtô. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Với tốc độ giải ngân ì ạch, nguồn vốn thiếu hụt như hiện nay đối với các dự án giao thông thì năm năm nữa thật khó với tới mục tiêu trên.

Có thể kể tên hàng loạt dự án giao thông thiếu vốn chậm tiến độ, điển hình như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây nguyên (quốc lộ 14) hay dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thạnh Hóa - Cần Thơ... Bài học về chuyện cho nhập khẩu ồ ạt xe máy không đồng bộ với phát triển giao thông vẫn còn đó.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM quý 1 năm nay, có tới hơn 104.000 xe cơ giới được đăng ký mới. Đáng lưu tâm nhất là trong số đó có đến hơn 26.000 ôtô mà chủ yếu là xe cá nhân. Theo tôi tính, trừ các ngày nghỉ gồm chủ nhật, ngày lễ, tết thì trung bình mỗi ngày TP.HCM có trên 419 ôtô được đăng ký mới.

Rõ ràng ôtô đã tăng nhanh một cách khủng khiếp, đã và đang gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại đô thị. Đó là lý do chính Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng đề án giảm ùn tắc giao thông ở khu vực nội ô các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Ông BÙI DANH LIÊN (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận