20/05/2019 14:35 GMT+7

Ôn thi môn sinh học: Không học thuộc lòng lý thuyết, chú ý 4 chương bài tập

NGUYỄN QUANG MINH (tổ trưởng Tổ sinh học Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM)
NGUYỄN QUANG MINH (tổ trưởng Tổ sinh học Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM)

TTO - Đề thi môn sinh học nằm trong tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh) sẽ có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài là 50 phút bao gồm 4 cấp bậc: biết - hiểu - vận dụng thấp - vận dụng cao.

Ôn thi môn sinh học: Không học thuộc lòng lý thuyết, chú ý 4 chương bài tập - Ảnh 1.

Học sinh trao đổi sau giờ thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Năm nay nếu không có gì thay đổi thì cấu trúc cũng như trên nhưng nội dung thi thì bao gồm chương trình của cả 3 khối: 10- 11- 12, nhưng chủ yếu là chương trình lớp 12.

Vậy để làm tốt bài thi môn sinh học các em cần chú ý những vấn đề sau:

Về lý thuyết

- Cần học kỹ những trọng tâm sau đây, nhưng thời gian dành cho chương trình lớp 12 nhiều hơn so với 2 khối lớp còn lại:

+ Đối với lớp 12: là các chương Biến dị; Quy luật di truyền; Tiến hóa; Sinh thái.

+ Đối với lớp 11: là các chương Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở sinh vật.

+ Đối với lớp 10: là các chương Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào; Phân bào.

- Không học thuộc lòng mà nên học hiểu những bài trong SGK (chú ý phần giảm tải thì không học), vì đề thi sẽ bám sát SGK do Bộ GD-ĐT ban hành.

- Cần tham khảo những đề thi của các năm trước để có thể biết được phần nào quan trọng mà có sự phân bố thời gian học cho hợp lý (tránh học dồn).

- Sau đó các em tự trả lời những câu hỏi ở SGK và sách bài tập. Nếu câu nào không trả lời được hoặc không chắc đúng thì các em hãy xem lại nội dung của bài đó 1 lần nữa; nếu quên thì các em có thể tham khảo thêm ý kiến của thầy cô để hiểu bài được kỹ hơn.

Về bài tập

- Các em cần luyện tập phần bài tập của các chương sau: Biến dị - Di truyền; Quy luật di truyền; Di truyền quần thể và Di truyền học người, trong đó các em cần chú ý:

+ Đối với phần Biến dị - Di truyền là dạng bài tập đột biến lệch bội xảy ra ở 1 nhóm tế bào trong Nguyên phân, Giảm phân và Thụ tinh tạo hợp tử.

+ Đối với phần Quy luật di truyền là dạng bài tập sẽ có những câu vận dụng cao để phân loại thí sinh, do đó các em cần chú ý các dạng toán tổng hợp các quy luật di truyền về 2 hoặc 3 tính trạng; cách tính tỉ lệ kiểu hình của từng tính trạng ở đời con.

+ Đối với phần Di truyền quần thể là các dạng toán liên quan đến quần thể tự phối và quần thể giao phối tự do.

+ Đối với phần Di truyền học người là dạng toán tính xác suất do gen nằm trên nhiễm sắc thể thường và nằm trên nhiễm sắc thể giới tính.

- Những dạng toán mà đề thi cho thường không khó và rất cơ bản (nhưng có nhiều thông tin gây nhiễu) nên các em không cần phải tìm những dạng toán lạ và quá khó vì chỉ làm cho các em thêm lo lắng và đánh mất sự tự tin. Để làm tốt phần bài tập, các em chú ý:

+ Rèn luyện kỹ năng tính toán bằng máy tính cho thật nhanh, chính xác.

+ Không nên thuộc cách giải bài mẫu mà phải hiểu cách giải của từng dạng bài tập.

+ Rèn luyện thêm các dạng toán có tổ hợp chết hoặc giao tử không thụ tinh.

Cách làm trắc nghiệm

- Các em nên làm từ trên xuống dưới theo nguyên tắc câu hỏi dễ làm trước, câu hỏi khó làm sau. Thường những câu hỏi trong đề thi sẽ đi từ dễ đến khó (khoảng 50-60% câu đầu tiên là những câu dạng biết và hiểu).

- Câu nào đã làm xong nên tô liền trên phiếu trả lời trắc nghiệm, không đợi làm hết tất cả rồi mới tô vì sẽ dễ sót lại những câu quên làm.

- Sau khi đã làm hết câu dễ thì làm đến câu khó. Nếu gần hết giờ mà vẫn chưa nghĩ ra đáp án của những câu khó thì các em nên chọn những đáp án theo suy nghĩ cảm tính của các em, không nên bỏ trống đáp án.

- Với những câu có nhiều thông tin và thường hỏi có bao nhiêu phát biểu đúng (hoặc sai) thì các em nên đọc lướt qua hết các thông tin và có thể gặp các trường hợp sau:

+ Nếu là câu lý thuyết thì các em hãy đánh dấu những thông tin đã biết đúng (hoặc sai) trước, những thông tin còn lại có tính tổng hợp thì các em nên nhớ nhanh những kiến thức có liên quan để đưa ra nhận định chính xác.

+ Nếu là câu bài tập thì hãy tính nhanh những thông tin dễ, có thể các em sẽ gặp trường hợp khi giải nhanh bài tập đó sẽ được các kết quả của những thông tin còn lại.

NGUYỄN QUANG MINH (tổ trưởng Tổ sinh học Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên