13/03/2009 04:14 GMT+7

"Nóng" mùa đại hội cổ đông

NGỌC TRUNG
NGỌC TRUNG

TT - Tháng 3-2009 là thời điểm các công ty cổ phần tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên để tổng kết hoạt động năm cũ, bàn kế hoạch trong năm mới… Dự báo năm nay mùa ĐHCĐ sẽ “nóng” do giá cổ phiếu giảm, nhiều công ty thua lỗ, chôn vốn dài hạn…

tFF3WE2m.jpgPhóng to
Vấn đề nhà đầu tư quan tâm tại đại hội cổ đông là thông tin phải minh bạch. Trong ảnh: nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán - Ảnh: T.Đạm
prVSoOld.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

Năm nay nhiều công ty và nhà đầu tư (NĐT) đón nhận một mùa ĐHCĐ khá giản dị. Do ngân quỹ eo hẹp nên nhiều ĐHCĐ không còn được tổ chức ở khách sạn lớn, hoành tráng mà chỉ là những buổi tiệc trà nhỏ tại hội trường của công ty.

Đại hội thời tiết kiệm...

Có công ty đại chúng có số lượng cổ đông lớn (2.000-2.500 người) trước thời điểm tổ chức ĐHCĐ đã gửi thư đề nghị cổ đông chia sẻ và hỗ trợ hội đồng quản trị (HĐQT) bằng giải pháp chọn một cổ đông tín nhiệm để ủy quyền họp, nhằm giảm bớt số lượng người tham dự để tiết kiệm chi phí. Thậm chí có công ty còn cắt luôn tiệc sau đại hội. Mới đây, một ngân hàng cổ phần ở TP.HCM thay vì tặng quà đã quy ra tiền chuyển vào tài khoản cổ đông và việc thay đổi này được cổ đông tán đồng.

Nhiều cổ đông nói rằng mặc dù thị trường khó khăn nhưng không vì thế mà bỏ qua ĐHCĐ. NĐT Đinh Thanh Hùng cho biết vẫn tham dự ĐHCĐ của công ty ngành điện dù cổ phiếu này hầu như không thể giao dịch. Mục đích là gặp gỡ trực tiếp, đánh giá năng lực của ban lãnh đạo và cách thức ứng xử đối với cổ đông, đồng thời thu thập tin tức cần thiết. Anh Hùng cho biết năm trước không ít doanh nghiệp (DN) lớn xem thường ý kiến của cổ đông nhỏ lẻ, có lẽ năm nay tình trạng này sẽ giảm.

Gay cấn giải trình kết quả kinh doanh...

Nhiều chuyên gia dự báo ĐHCĐ năm nay sẽ gay cấn hơn năm ngoái ở chủ đề giải trình kết quả kinh doanh, chủ yếu tập trung ở những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán bị đưa vào dạng kiểm soát như BTC, BBT, TRI, BHS, VHG, SAM..., đặc biệt với các công ty chứng khoán hiện đang làm ăn thua lỗ do thị trường ảm đạm hoặc những công ty “bất ngờ” công bố lỗ trong quý 4-2008 gây thiệt hại cho không ít NĐT.

Theo thạc sĩ Đào Trung Kiên (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), năm nay nhiều khả năng DN sẽ chọn phương án sẵn sàng giải trình những nguyên nhân gây ra sự yếu kém của kết quả kinh doanh năm 2008 để tìm sự thông cảm từ NĐT. Cũng có thể tồn tại một nhóm nhỏ những công ty không dám nhìn nhận khó khăn của mình, nhưng NĐT nhận biết thủ thuật này không phải khó đối với công ty thuộc những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề khi khủng hoảng tài chính xảy ra.

Để giảm bớt căng thẳng, trước mùa ĐHCĐ nhiều công ty đã dùng các chiêu thức khác nhau để xoa dịu tâm lý NĐT. Nhiều công ty đã chủ động thông báo kết quả kinh doanh trong hai tháng đầu năm 2009 khả quan để cổ đông an tâm về sự phục hồi của công ty. Hoặc gần đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) - đã tổ chức giao lưu với NĐT trước ĐHCĐ để xin lỗi về việc để công ty thua lỗ nặng do đầu tư tài chính. Sự trần tình của chủ tịch HĐQT này đã được không ít NĐT đón nhận và thông cảm.

Mổ xẻ chuyện chi phí...

Trong thời buổi khó khăn hiện nay, các NĐT và cổ đông luôn luôn có nhiều thắc mắc xoay quanh việc DN sử dụng nguồn vốn làm sao cho hiệu quả, đặc biệt là chất vấn ban điều hành có những giải pháp để đối phó với những khó khăn trong thời gian tới nhằm hạn chế những rủi ro tác động đến hoạt động của công ty.

Nhiều công ty thừa nhận để giải thích những vấn đề này cho cổ đông thông cảm là vấn đề “đau đầu” với ban điều hành. Cổ đông của một công ty xây dựng bức xúc cho biết trong năm 2008 khi môi trường kinh doanh khó khăn, biến động công ty này xin điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận và kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông. Cổ đông cũng thông cảm về vấn đề này vì đó là khó khăn chung, nhưng vấn đề mà cổ đông không chấp nhận là chi phí trả lương cho HĐQT và ban kiểm soát vẫn giữ nguyên. Như vậy, cổ đông nhỏ lẻ lại là người thiệt thòi nhất khi lãnh đạo công ty không thực hiện đúng những gì đã cam kết trước đó.

Thực tế tại nhiều ĐHCĐ vừa qua, vấn đề mà cổ đông thường yêu cầu với các công ty là phải cắt giảm triệt để các chi phí, như chi phí thưởng cho ban lãnh đạo, tốc độ tăng tiền lương phải thấp hơn tốc độ tăng lợi nhuận... nhằm đảm bảo sự công bằng trong chia sẻ khó khăn ở bối cảnh hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay cả thế giới đối mặt với khủng hoảng kinh tế vì thế cổ đông có thể yêu cầu những quyền lợi chính đáng nhưng đừng quá yêu sách những điều bất khả thi, bởi thực tế trong thời điểm hiện nay DN khó có thể đưa ra những chỉ tiêu tăng trưởng hoành tráng, sẽ gây nhiều sức ép cho DN trong quá trình hoạt động.

Minh bạch để có lòng tin

Thực tế qua nhiều ĐHCĐ cho thấy thường không có sự đồng tình giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ, những ý kiến tranh luận của các cổ đông nhỏ lẻ tại ĐHCĐ chỉ như “muối bỏ biển”. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI), những ý kiến của NĐT nào xác đáng thì DN nên lắng nghe vì đây là cơ hội để DN được hiến kế và phản biện rộng rãi bên ngoài.

Năm nay, hầu hết các công ty đều xây dựng kế hoạch kinh doanh cẩn trọng, khiêm tốn và có nhiều kịch bản dự phòng. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hàng đầu của cổ đông là sự minh bạch thông tin của DN. Qua ĐHCĐ có thể cách nhìn nhận, đánh giá của NĐT với mỗi DN chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn. Điều này có tác động đến việc điều chỉnh danh mục đầu tư cũng như xu hướng đầu tư của NĐT trong tương lai. Nhiều NĐT hi vọng qua ĐHCĐ sẽ giúp DN lấy lại niềm tin, tìm sự lạc quan để bước tiếp vào một năm dự đoán còn nhiều khó khăn...

NGỌC TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên