06/01/2018 10:43 GMT+7

Những sân chơi sôi động từ các môn thể thao ngoại

HUY ĐĂNG - KIỀU TUYÊN, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
HUY ĐĂNG - KIỀU TUYÊN, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Không chỉ đến VN làm việc để thỏa lòng đam mê của mình, nhiều vị khách nước ngoài còn sắm vai “nhà truyền giáo” trên sân đấu thể thao qua việc bỏ tiền cùng công sức xây dựng nên những sân chơi mới cho người Việt.

Từ đây, các môn thể thao phương Tây như hockey, rugby, cricket, bouldering… bắt đầu lan tỏa vào giới trẻ VN. Những ghi chép của PV Tuổi Trẻ về những sân chơi mới này ở TP.HCM.

Tuy chỉ là một sân chơi phong trào, nhưng không khí giải đấu Saigon Rugby 10’s vẫn rất quyết liệt, sôi động -  Ảnh: H.Đ.
Tuy chỉ là một sân chơi phong trào, nhưng không khí giải đấu Saigon Rugby 10’s vẫn rất quyết liệt, sôi động - Ảnh: N.A

Chúng tôi đến ĐH RMIT (Q.7, TP.HCM) theo dõi một ngày hội môn rugby (bóng bầu dục), trong lần thứ 3 giải được tổ chức mang tên Saigon Rugby 10’s.

Bài học về cách làm thể thao giải trí

Chào đón chúng tôi cùng nhiều người hâm mộ là một bầu không khí cuồng nhiệt. Có gần cả ngàn người trên sân. Khán đài không thực sự đông đúc khi chỉ có những người thân, gia đình của các VĐV đến xem, nhưng dưới sân vô cùng rộn ràng với 300-400 VĐV của 16 đội bóng tham dự giải. Đó là chưa kể hàng trăm nhân viên tổ chức giải và hoạt náo viên.

Các VĐV nước ngoài cũng như VN thi đấu nhiệt tình ở Hockey Festival. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong mắt người VN, tuy rugby vẫn còn là môn thể thao xa lạ nhưng không khí lễ hội của một giải đấu rugby cũng làm những khán giả Việt thích thú. Thật vậy, những người nước ngoài làm thể thao không chỉ bên trong sân, mà còn cả bên ngoài sân bóng. Tại đây, rất nhiều gian hàng được bày bán bên ngoài sân thi đấu, từ quần áo, balô, mũ nón, bóng cho đến cả sản phẩm đồ uống tài trợ cho giải đấu và khách khứa luôn tấp nập. Dưới cái nắng gắt, tiếng nhạc sôi động của giải càng kích thích tinh thần thi đấu của cầu thủ. Mỗi một đội bóng hầu như đều có một đội hoạt náo viên riêng để cổ vũ, giải đấu vì thế càng thêm phần sôi động.

Chỉ là một sân chơi phong trào, vậy điều gì đã tạo nên sự quy mô của Rugby 10’s?

“Khá nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc ở VN và đam mê rugby, tôi là một ví dụ. Chúng tôi tổ chức giải vì muốn cộng đồng đam mê rugby có được một sân chơi. Tôi cũng mong muốn những người bạn Việt của mình đến đây, tìm hiểu và tận hưởng môn thể thao này. Vì vậy, tôi muốn ngày hội phải thật chuyên nghiệp để tạo ra không khí tích cực” - ông Peter Holdsworth, doanh nhân người Anh và là trưởng ban tổ chức Giải Saigon Rugby 10’s, cho biết.

Lực hút đối với sinh viên

Rugby không phải là môn thể thao ngoại nhập duy nhất tạo được những sân chơi rộn rã cho người hâm mộ. Đầu tháng 11-2017, sự kiện Vietnam Hockey Festival khuấy động một góc Khu công nghiệp Thuận Đạo (Long An) trong hai ngày cuối tuần. Gần 300 người tham dự giải, chia đều thành hàng chục đội hockey nam và nữ đến từ Hà Lan, Úc, Ấn Độ, UAE, Singapore, Malaysia, Brunei... Và cũng có gần 100 người là các đội hockey của VN, phần lớn là sinh viên.

HLV Huỳnh Đại Phúc huấn luyện môn hockey cho sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Q.7, TP.HCM chiều 5-1 -  Ảnh: QUANG ĐỊNH
HLV Huỳnh Đại Phúc huấn luyện môn hockey cho sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Q.7, TP.HCM chiều 5-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khoảng 100 người chơi có lẽ không là con số đáng kể gì so với những môn thể thao quen thuộc ở VN như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... Nhưng với hockey, đó là cả một kỳ công bởi kinh phí sắm sửa dụng cụ thi đấu khá lớn với túi tiền của sinh viên. Nếu bóng đá chỉ cần một quả bóng cùng hai cầu môn thì hockey đòi hỏi quá nhiều, từ gậy cho từng cầu thủ, rồi dụng cụ bảo hộ... Đối tượng để những người nước ngoài truyền bá các môn thể thao mới lạ thông thường là sinh viên - những người trẻ trung, năng động, sáng tạo và luôn hào hứng trước những điều mới mẻ.

Video clip những khoảnh khắc sôi động ở Vietnam Hockey Festival. Thực hiện: QUANG ĐỊNH

Ngoài chuyện tìm kiếm niềm vui cho cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại VN, những người tổ chức các sân chơi sôi động này còn kỳ vọng thông qua đó, môn thể thao mà họ đam mê sẽ gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả Việt. Nguyễn Ngọc Tiến, sinh viên năm 1 Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết: “Tôi mới tập môn này được vài tháng. Năm ngoái, thấy giải thú vị quá nên tôi nảy sinh ý định tập thử, thế là vào đội của trường luôn. Trước đây tôi chơi bóng đá, khó có thể nói hiện tại tôi đam mê hockey hơn bóng đá. Nhưng ở trong hội hockey tôi được huấn luyện bài bản, được giao lưu gặp gỡ người nước ngoài và còn có cơ hội khoác áo tuyển VN”.

Bỏ tiền sang VN thi đấu

Dù có quy mô nhỏ hơn giải đấu rugby kể trên, nhưng ngày hội hockey vẫn vô cùng sôi động với tinh thần đam mê của các VĐV. Đó đã là sự kiện diễn ra trong năm thứ 10 liên tục của môn thể thao này. Số lượng VĐV cũng như các quốc gia tham dự cứ tăng dần sau từng năm và ngày hội hockey lần thứ 10 này đã thu hút đến hàng chục quốc gia.

Ai là người sẽ trả khoản kinh phí tổ chức giải khổng lồ đó?

Ông James Chew - doanh nhân người Singapore - chính là “nhà truyền giáo” của hockey trên đất VN. Làm việc lâu dài cũng như lập gia đình tại VN, ông Chew đầu tư rất nhiều cho niềm đam mê hockey của mình, từ việc thuê sân, chiêu mộ người chơi cho đến cả xây dựng trung tâm, mời VĐV các nước về VN dự giải... Riêng với ngày hội hockey thường niên này, chi phí cho chuyện đi lại, ăn ở của VĐV các nước đều tự họ chi trả.

Ngày hội rugby đầy sôi nổi do những người nước ngoài tổ chức. Ảnh: N.A

Jack Horthon, VĐV đến từ Úc, nói: “Tôi đến VN 5 ngày, chi phí cho vé máy bay và sinh hoạt tại đây khoảng 1.200 USD. Tôi xem việc dự giải cũng như đi du lịch. Nhưng nếu đi du lịch bình thường, tôi sẽ phải tự mình khám phá mọi thứ ở VN, còn lần này chúng tôi được chào đón như những vị khách quý, có rất nhiều bạn bè cùng đam mê và được tham gia một giải đấu sôi động. Thật sự rất đáng để bỏ tiền”.

Ở cấp độ phong trào, thật khó có thể đòi hỏi những trận đấu ở Vietnam Hockey Festival hay Saigon Rugby 10’s thật đã mắt. Nhưng không phải vì vậy mà giải không có khán giả. “Ở Hà Lan, chúng tôi vẫn thường có những giải đấu như vậy, diễn ra theo từng mùa và luôn đông người tham dự. Đây không hẳn là một giải đấu vì thành tích thi đấu không quá quan trọng, đây là một ngày hội. Mọi người đến đây vì có chung niềm đam mê thể thao” - anh Van De Beek, nhân viên một công ty Hà Lan đặt tại TP.HCM, cho biết khi đến Long An xem giải đấu hockey.

Sẽ kết hợp với học đường

Ông Tăng Bá Lễ, trưởng phòng quản lý TDTT của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết sở đang bàn thảo với một tập đoàn giáo dục về việc phát triển hệ thống những môn thể thao ngoại nhập trong môi trường học đường.

“Đó là phương án rất tốt để những môn thể thao như cricket, hockey có thể có cơ sở vật chất cho phát triển. Hơn nữa, học đường cũng là môi trường thích hợp với các môn thể thao này, các học sinh luôn năng động và đam mê những yếu tố mới lạ. Những trường học phát triển các môn thể thao này có thể sẽ tạo nên một thương hiệu riêng” - ông Lễ nói.

Đây thực sự không phải là điều quá xa lạ, khi môn hockey hiện đang nằm trong chương trình thể dục của ĐH Tôn Đức Thắng và thu hút một lượng sinh viên tham gia tập luyện khá đông đảo.

“Khó có thể nói tôi đam mê cricket hơn bóng đá. Nhưng ở trong hội cricket tôi được huấn luyện bài bản, được giao lưu gặp gỡ người nước ngoài và còn có cơ hội khoác áo tuyển VN

Nguyễn Anh Tiến (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng)

 
HUY ĐĂNG - KIỀU TUYÊN, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên