28/01/2019 08:32 GMT+7

Những gia đình kết nghĩa ở Tây Nguyên

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Trong nhà của nhiều hộ gia đình công nhân Công ty 78 - Binh đoàn 15 (huyện Sa Thầy, Kon Tum) đều dành một góc trang trọng để đặt Giấy chứng nhận gắn kết hộ.

Những gia đình kết nghĩa ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Trọng Toản (giữa) đến thăm vợ chồng em kết nghĩa Rơ Mah Hơn - Ảnh: MY LĂNG

Ngày xưa làm cả năm mới có mấy triệu bạc. Giờ mùa nào cũng có tiền, ngày nào cũng có tiền. Cà phê thì có hơn 1.000 cây đang thu hoạch và 2ha điều chuẩn bị cho trái.

KSOR LƯƠNG (người làng Kom Yố, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai)

Đó là những gia đình công nhân người Kinh và người dân tộc thiểu số kết nghĩa anh em, cùng san sẻ sung sướng, nhọc nhằn, khó khăn hay hạnh phúc và thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu...

Cam kết gắn bó, giúp đỡ nhau

Trong Giấy chứng nhận gắn kết hộ là hình ảnh chụp hai chủ hộ với dòng chữ: Chúng tôi, hai gia đình tự nguyện từ nay gắn kết với nhau như anh em ruột thịt và cùng nhau thực hiện một số nội dung sau: thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đoàn kết trong cộng đồng dân cư; không tham gia các tệ nạn xã hội...

Vào Công ty 78 làm từ tháng 3-2017, chỉ mấy tháng sau vợ chồng Y Hoăn (21 tuổi, người dân tộc Ja Rai) đã tìm được người chị kết nghĩa tốt bụng là Vũ Thị Bắc (36 tuổi), một trong những công nhân kỳ cựu của công ty.

"Trước khi làm lễ kết nghĩa, hai chị em mình đã quý mến nhau rồi - chị Vũ Thị Bắc chia sẻ - Mình hay chỉ cho vợ chồng Y Hoăn kỹ thuật cạo mủ cao su. Mới học nhưng hai vợ chồng tiếp thu rất nhanh, chịu khó.

Y Hoăn rất thật, không hiểu gì hỏi chị ngay. Hai chị em hay làm hộ nhau lắm. Ai xong trước thì giúp người làm sau".

Y Hoăn bẽn lẽn cười, kể: "Lúc đầu vô công ty vợ chồng mình ăn tập thể vì không có gạo mắm gì. Sau xin ăn riêng nhưng không có nồi xoong, bát ăn, đũa ăn... Chị dẫn về nhà bảo em cần gì cứ lấy cái đó.

Chị Bắc thương mình như em ruột, giúp mình còn hơn chị ruột. Nhiều người cứ bảo Y Hoăn may mắn rồi, tìm được chị tốt quá".

Từ câu chuyện của Dậu và ông A Lá

15 năm trước, năm 2004, mấy lần ra nhà ông A Lá (cựu bí thư xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) chơi, ông Nguyễn Xuân Minh (giám đốc đầu tiên của Công ty 78) đều gặp cậu công nhân đội sản xuất số 3 tên Dậu đang ở nhà ông A Lá.

Hỏi ra mới biết người công nhân ấy kết nghĩa cha con với ông A Lá đã gần một năm.

Xa quê hương, vào Mô Rai một mình lập nghiệp, bố mẹ đều ở hết ngoài quê, Dậu được gia đình ông A Lá yêu thương như con ruột. Cảm động vì tấm chân tình ấy, Dậu xin được kết nghĩa cha con, nhận vợ chồng ông A Lá làm bố mẹ.

Từ đó, hai bên gia đình thường xuyên qua nhà thăm hỏi, giúp đỡ nhau mọi việc trong nhà. "Tôi thấy hay quá, về bàn với anh em trong ban giám đốc tổ chức phong trào kết nghĩa trong toàn đơn vị.

Mỗi hộ trong công ty sẽ kết nghĩa với một hộ đồng bào ngoài làng, ngoài xã để xây dựng tình cảm giữa quân đội với nhân dân gắn bó bền chặt hơn" - ông Minh kể.

Năm đầu tiên có gần 100 cặp hộ gia đình công nhân người Kinh kết nghĩa với hộ đồng bào thiểu số của xã. Đến nay, Công ty 78 có 452 hộ gia đình công nhân gắn kết với 452 hộ đồng bào địa phương.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Lam, giám đốc Công ty 87, cho biết: "Công ty đã có hơn 50% hộ gia đình người Kinh gắn kết với người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, công ty còn phát triển lên thành gắn kết giữa người lao động cũ với người lao động mới trong công ty.

Nhờ vậy, đầu năm nay công ty tuyển dụng được hơn 170 người mới. Nhiều người tâm sự lúc đầu họ cũng muốn về vì buồn, nhưng rồi ở lại vì được các anh chị công nhân cũ giúp đỡ, thương yêu khiến họ bớt tủi thân, bớt nhớ nhà và gắn bó hơn".

Những gia đình kết nghĩa ở Tây Nguyên - Ảnh 3.

Nụ cười sảng khoái của Ksor Lương (trái) bên người em đặc biệt Đậu Thành - Ảnh: MY LĂNG

Quý nhau như ruột thịt

Nói về cơ duyên gắn kết với gia đình Rơ Mah Hơn (người dân tộc Ja Rai ở làng Lân - làng biên giới của xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, Gia Lai), anh Nguyễn Trọng Toản (42 tuổi, công nhân Công ty 74 (đóng quân tại huyện Đức Cơ) cho biết câu chuyện bắt đầu từ gùi lúa 20 năm trước...

"Khi cây cao su còn nhỏ, mình tận dụng đất trống trồng xen lúa nhưng không biết mua giống lúa ở đâu cho hợp thổ nhưỡng. Ra hỏi ma mị (bố mẹ) của Rơ Mah Hơn, mị xuống bếp mang lên một gùi lúa đưa ngay cho mình.

Biết gùi lúa giống đó gia đình rất quý, cất rất kỹ trên gác bếp, mình cảm động lắm. Mình mới vô đây, còn nghèo khổ chưa có gì mà ma mị rất thương, giúp mình nhiều. Có lúc ma mị cho mình mượn đất trồng lúa, trồng mì.

Mình luôn nhớ cái ơn cái tình sâu nặng đó. Bây giờ kinh tế khá giả, mình nghĩ lại và muốn giúp Hơn" - anh Toản kể.

Năm 2006, khi công ty thí điểm mô hình gắn kết hộ, anh Toản xung phong gắn kết với nhà Rơ Mah Hơn ngay.

"Hơn thật thà, chất phác lắm. Có cái gì mang qua chỉ nói: Ơ, mình cho Toản. Khi làng có việc gì mình đi cùng, ai qua mời mình uống nhiều quá là Hơn bảo vệ mình ngay: Ơ, anh Toản không uống được nhiều đâu.

Gia đình Hơn có việc gì cũng gọi cho mình biết, cùng tham gia. Bố mẹ, anh em mình đều ở xa. Gia đình Hơn cho mình cảm giác như có người thân ở nơi đất khách quê người này" - anh Nguyễn Trọng Toản chia sẻ.

Còn Ksor Lương (người làng Kom Yố, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) cũng vui vẻ nói về người em kết nghĩa tên Đậu Thành, 39 tuổi, người Hà Tĩnh, quân y của Công ty 74: "Từ khi gắn kết với em Thành, mình thay đổi lớn nhất là nhận thức.

Em Thành nói gì, bày mình gì cũng đúng, cũng tốt. Nhà xây này là nhà thứ hai. Ngày xưa xe đạp còn không có mà đi. Giờ mình có xe tải chở phân vô rẫy. Vạt đất sau nhà mình trồng mì một vụ lời chỉ mấy trăm ngàn đồng. Em Thành bày mình trồng cà phê.

Vậy mà trồng được. Cây lên tốt. Mình có 1.000 cây cao su đã cạo mủ được hai năm. Một ngày thu được 500.000-700.000 đồng. Ngày xưa làm cả năm mới có mấy triệu bạc. Giờ mùa nào cũng có tiền, ngày nào cũng có tiền. Cà phê thì có hơn 1.000 cây đang thu hoạch và 2ha điều chuẩn bị cho trái".

Từ lúc kinh tế khá giả, Ksor Lương có tiếng nói với bà con hẳn. Trong làng có việc gì, trưởng thôn, già làng cũng nhờ Ksor Lương đứng ra giải quyết. Và bản làng Tây Nguyên ngày càng có nhiều người anh em tốt như Đậu Thành - Ksor Lương như thế.

Biết ngủ mùng, ăn chín uống sôi...

Ở Công ty 74, người dân tộc thiểu số chiếm 78% lực lượng thợ thu hoạch mủ cao su của công ty. Công ty 74 là đơn vị có quân số người dân tộc đông nhất Binh đoàn 15.

Nếu như năm 2006 chỉ có 20 cặp hộ tham gia mô hình gắn kết hộ thì đến nay đã có 1.012 cặp hộ, 5 đội sản xuất kết nghĩa với 4 đồn biên phòng, 17 đội sản xuất kết nghĩa với 26 thôn làng và 446 cặp hộ gia đình công nhân gắn kết với hộ đồng bào dân tộc địa phương.

Giấy chứng nhận gắn kết hộ trong nhà một công nhân Thành - Ảnh: MY LĂNG

Giấy chứng nhận gắn kết hộ trong nhà một công nhân Thành - Ảnh: MY LĂNG

Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường - phó giám đốc Công ty 74 - cho biết: sau một thời gian thực hiện mô hình gắn kết hộ, đồng bào thiểu số ở xã Ia Kla đã chịu ăn chín uống sôi, biết dùng bát đũa chứ không ăn bốc nữa; biết ngủ trong mùng để tránh muỗi, tránh bị sốt rét; biết làm dây phơi quần áo; biết cách biến đổi từ vườn tạp thành vườn cây kinh tế...

Khám phá di sản văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Khám phá di sản văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Ngày 20/1, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên