16/01/2009 02:17 GMT+7

Những chú lùn vượt lên chính mình - Kỳ 3: Làm đẹp cho đời

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - “Con bé Hằng trông nhỏ người thế mà giỏi, một tay nó gầy dựng nên cửa hiệu chụp ảnh và cho thuê áo cưới lớn nhất vùng này đấy” - bà Tạ Thị Mảnh, ở thôn 4, Xuân Lộc, Triệu Sơn (Thanh Hóa) - nói về Đào Thị Hằng, cô gái “tí hon” có chiều cao 1,1m.

sqsSzZtC.jpgPhóng to

Đào Thị Hằng chuẩn bị đi chụp ảnh cưới cho khách - Ảnh: T.Đức

Kỳ 1: Không ai tẻ nhạt trên đời Kỳ 2: Anh em nhà “chín tấc”

Ông Đào Trọng Đông, 58 tuổi, bố Hằng, rỉ rả: “Ở vùng nông thôn này mỗi tháng kiếm được 2-3 triệu đồng là to lắm rồi. Tất cả đều do một tay Hằng làm ra. Cả làng trên xóm dưới hễ nhà ai có việc đều kêu nó. Hiệu ảnh này ngày xưa tôi lập, lấy tên tôi, chỉ chuyên chụp ảnh. Nhưng gần chục năm qua khi có thêm các dịch vụ trang điểm cô dâu, cho thuê đồ cưới thì đã chuyển sang tên nó rồi. Thương hiệu Thanh Hằng giờ to lắm”. Ông Đông tự hào về cô con gái “bé hạt tiêu” có số phận kém may mắn của mình.

2. Khi mới lọt lòng mẹ, Hằng luôn bị bệnh tật hành hạ, trong đó có một khối u tĩnh mạch to ở đầu. Bố Hằng nói có lẽ đứa con đầu lòng này là di chứng của những năm ông làm quân y đóng tại chiến trường Quảng Trị. Tuổi thơ của Hằng trải qua hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, với những cơn đau kinh niên hành hạ khắp thân thể nhỏ bé của cô. Rồi Hằng cũng lớn lên, nhưng tạo hóa chỉ cho cô thân hình bằng một đứa trẻ lên năm rồi dừng lại. Tuổi thơ của cô chỉ thích vui đùa, làm bạn cùng lũ trẻ trong xóm. Từ đó Hằng ước mơ sau này sẽ làm cô giáo dạy học cho bọn trẻ. Ước mơ ấy thôi thúc cô ngày ngày dò dẫm từng bước chân bé xíu để đến trường, cách nhà mấy cây số.

“Nếu không có cái Hương, cái Lâm và nhiều bạn nữ khác trong xóm thường xuyên sang nhà mang hộ sách vở, rồi thay nhau cõng tôi vượt qua những đoạn đường lầy lội, sũng nước thì tôi đã bỏ học giữa chừng” - Hằng rơm rơm nước mắt kể lại những năm tiểu học. Đến khi lên trung học Hằng phải đi xa hơn, rồi mặc cảm tủi thân vì nhiều hôm vào lớp chép bài không kịp, lại thường xuyên bị các bạn trêu chọc, có khi còn bị cùi chỏ của bạn ngồi cùng bàn đụng vào đầu khi đang cắm cúi chép bài.

Nhiều lần Hằng đến cổng trường rồi mặc cảm không dám bước chân vào lớp. Được thầy cô, bạn bè động viên hết mình, nhưng nhìn bố mẹ và hai em quá vất vả mưu sinh lại phải gánh thêm việc đưa đón mình, nên hết năm lớp 8 Hằng đành gác lại việc học, ở nhà “đi củi” phụ bố mẹ. Rồi củi cũng hết, Hằng chuyển qua học nghề làm bàn hương, may vá. Nhưng học cũng chỉ cho biết chứ khó có thể lấy đó làm nghề mưu sinh vì chân tay cô quá ngắn, không sử dụng được các dụng cụ làm nghề vốn chỉ dành cho người bình thường.

Một dịp may tình cờ đến với Hằng khi một người bà con chú bác với mẹ Hằng ở TP Thanh Hóa giới thiệu một người quen có thể dạy cho cô nghề trang điểm cô dâu. Được bố mẹ ủng hộ, Hằng khăn gói ra nhà người bà con ở trọ, xin được học nghề. Thoạt đầu nhìn dáng điệu của Hằng, cô chủ tiệm Tô Thị Dung cũng không thể tin Hằng có thể học được nghề làm đẹp. Nhưng chỉ qua mấy ngày học việc, cô Dung hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đặc biệt của Hằng. Chỉ hơn một tháng, bằng nửa thời gian học việc của người bình thường, cô bé “hạt tiêu” đã tự tin trở về quê mở cửa hiệu. “Hằng tuy không may mắn có thân hình như người bình thường nhưng cô ấy khéo tay, chăm chỉ mà tính tình lại rất lành, ai cũng tin yêu. Người như cô ấy quả thật hiếm gặp” - cô Dung nói.

rdbzmeAj.jpgPhóng to
Hằng mua máy vi tính tự học xử lý ảnh trên máy - Ảnh: T.Đức

3. Sau đó, được bố chỉ dạy thêm nghề chụp ảnh, Hằng đã tự mở hẳn một cửa hiệu chụp ảnh, trang điểm cô dâu, cho thuê đồ cưới tại nhà. Qua sáu năm lăn lộn với nghề, bây giờ tay nghề Hằng được nhiều người trong và ngoài xã biết đến. Cô đã tích lũy vốn liếng cả trăm triệu đồng để sắm hai máy ảnh kỹ thuật số. Để nâng cao chất lượng ảnh, cô còn “rinh” hẳn một dàn máy vi tính về nhà rồi mua sách tự mày mò học cách xử lý ánh sáng, lồng ghép hình ảnh trên máy tính.

Thương hiệu chụp ảnh, áo cưới Thanh Hằng bây giờ nổi tiếng khắp vùng. Tháng cao điểm mùa cưới và những ngày lễ, tết điện thoại di động của cô liên tục nhận yêu cầu đặt hàng. Có hôm Hằng phải đi xe đạp tự chế hoặc nhờ bố đưa “chạy sô” chụp ảnh 2-3 đám cưới từ xã này qua xã khác. Mọi người bây giờ đã quen với hình ảnh cô gái có chiều cao khiêm tốn mang chiếc máy ảnh trước ngực lẫn trong dòng người đi mừng tiệc cưới. Và mọi người đều vui vẻ mang cho cô bé “hạt tiêu” những chiếc ghế con con khi có yêu cầu, giúp cô đứng lên ghế để chụp những tiêu điểm cao hơn, cho ảnh đẹp hơn.

4. Đã trang điểm cho hàng trăm cô dâu, đã tư vấn kiểu dáng, màu áo cưới cho hàng chục đôi uyên ương, có bao giờ Hằng nghĩ đến một chiếc áo cưới cho riêng mình? Đang trò chuyện vui vẻ, nghe câu hỏi như vậy của chúng tôi đôi mắt Hằng chợt xa xăm, giọng cô chùng xuống: “Có chứ. Ngày đáng nhớ nhất của tôi đã trôi qua cách nay hơn sáu năm rồi. Đó là vào đầu năm 2003, lần đầu tiên tôi ra nghề trang điểm cô dâu, cũng lại là trang điểm cho “nửa kia” của người bạn trai mà tôi thầm yêu trộm nhớ. Anh ấy cũng biết tình cảm của tôi, nhưng “áo mặc không qua khỏi đầu” anh ạ. Anh ấy cao đến 1,7m, so với tôi thì quá lệch, cha mẹ anh không ưng, đành hẹn kiếp sau vậy”.

Là một cô gái năng nổ, hồi học cấp II và mãi nhiều năm sau đó Hằng được phân công làm thủ quỹ, thư ký chi đoàn thôn, rồi chuyển qua phụ trách hoạt động thiếu nhi của thôn 3, xã Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn với hơn 30 hội viên. Hằng có không ít bạn tâm giao, trong số đó có những bạn trai đã tâm sự tình cảm với cô. Nhưng rồi tuổi 36 ập đến, cô vẫn một mình đi về. “Mình giống như một cái kho, chứa mọi tâm sự tình cảm của bạn bè với mình, nhưng bản thân thì cứ tiễn hết bạn trai này, bạn gái kia đi lấy vợ, lấy chồng. Còn mình đứng lại mà nhìn như cô lái đò đưa khách sang sông” - Hằng tâm sự.

Lo lắng cho tương lai con gái, người mẹ thân yêu của cô có lần nói: “Bố mẹ không thể sống với con mãi, hay là con tìm một người đàn ông tốt bụng nào đó xin một đứa con để tuổi già đỡ quạnh hiu, bố mẹ không trách con đâu”. Hằng suy nghĩ lắm, nhưng cuối cùng cô thưa: “Con cũng muốn được làm mẹ lắm, nhưng thân thể như vầy liệu sinh em bé có khỏe mạnh không, hay là lại làm khổ mình, khổ người khác. Thôi thì cứ sống tốt với mọi người, làm đẹp cho đời, làm đẹp cho người thì sẽ tìm được niềm vui trong cuộc sống”.

___________________

Ở Vĩnh Long có một chú lùn làm phó giám đốc một công ty sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu có tiếng. Anh đã vươn lên nhờ quan niệm: “Tôi luôn nghĩ mình bình thường như mọi người”.

Kỳ tới: Người ta làm được, mình làm được

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên