21/01/2024 10:08 GMT+7

Nhóm kinh tế có nhiều nhánh, chọn nhánh nào?

Nhóm kinh tế có nhiều nhánh, chọn nhánh nào? Muốn học trường quân đội cần những điều kiện gì? Địa phương có nhiều khu công nghiệp, tận dụng cơ hội việc làm cho sinh viên ra sao?

Bạn Tố Quyên, Trường THPT Nguyễn Du, đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: NAM TRẦN

Bạn Tố Quyên, Trường THPT Nguyễn Du, đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: NAM TRẦN

Phụ huynh, học sinh đã gửi nhiều băn khoăn đến chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức tại Trường đại học Thái Bình (Tân Bình, TP Thái Bình) sáng nay 21-1.

Nhóm kinh tế có nhiều ngành, chọn ngành nào?

Một học sinh đặt câu hỏi khá vĩ mô: "Kinh tế Việt Nam đang ở đâu?". PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ: Năm 1990 kinh tế Việt Nam đứng đáy, là 1 trong 9 nước nghèo ở thế giới. Năm 1995 ta đã vượt ra, nhưng vẫn nằm trong top 30 quốc gia nghèo. 

Hiện nay ta đã có mức thu nhập trung bình 4.000 USD/năm/người, nhưng vẫn nằm ở nhóm thu nhập trung bình. Dự báo sau năm 2030, nền kinh tế Việt Nam đạt gấp đôi hiện tại.

Hiện tại ta đã cơ bản chạm mốc hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng chưa đồng đều. Dù vậy, đây vẫn là cơ hội tốt cho các bạn trẻ muốn lựa chọn các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế.

Trong một doanh nghiệp cơ bản có hai bộ phận là nhóm kỹ thuật và nhóm kinh tế. Vì thế học kinh tế có cơ hội lớn ở những địa phương có các doanh nghiệp lớn, có các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, giải đáp thông tin về khối ngành kinh tế - Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, giải đáp thông tin về khối ngành kinh tế - Ảnh: NAM TRẦN

Tuy vậy, thầy Triệu cũng lưu ý: khi chọn kinh tế, các em cần biết có rất nhiều chương trình khác nhau. Do đó cần tìm hiểu kỹ để chọn những nhánh mà mình thấy phù hợp với sở thích và cả điều kiện kinh tế.

Trong số các ngành kinh tế, có khoảng 50% các ngành, chuyên ngành làm lẫn việc của nhau. Ví dụ học quản trị kinh doanh, học makerting có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ có một số nghề khá rõ như kế toán phải làm đúng chuyên môn được đào tạo.

Nếu các em có năng khiếu, đam mê cụ thể, cứ mạnh dạn theo đuổi. Còn nếu chưa biết theo hướng nào rõ rệt, hãy tham khảo ba hướng chính: khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và xã hội. Trong đó mảng xã hội có nhiều nhánh kỹ hơn như kinh tế, nhân văn, luật… Khi chọn lĩnh vực xong thì các em có thể chọn các ngành cụ thể, trường cụ thể.

Thái Bình nhiều khu công nghiệp, cơ hội việc làm cho sinh viên ra sao?

TS Phạm Thị Ánh Nguyệt, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình, trả lời các thắc mắc của học sinh - Ảnh: NAM TRẦN

TS Phạm Thị Ánh Nguyệt, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình, trả lời các thắc mắc của học sinh - Ảnh: NAM TRẦN

"Tôi là phụ huynh ở Thái Thụy, Thái Bình, hiện tôi thấy tỉnh đang phát triển mạnh các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Liên Thái. Vậy xin hỏi quý thầy cô là các trường và doanh nghiệp có những giải pháp nào để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên?", một phụ huynh đặt câu hỏi.

TS Phạm Thị Ánh Nguyệt, phó hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện nay, Trường đại học Thái Bình luôn rà soát đổi mới chương trình, cơ cấu ngành đào tạo. Đặc biệt để có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường mở các chương trình liên kết với các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.

"Chúng tôi hướng tới nhu cầu nhân lực thực tế để có những điều chỉnh trong chương trình đào tạo. Sinh viên cũng có cơ hội thực tập tại doanh nghiệp. Sinh viên giỏi có cơ hội nhận nhiều học bổng của doanh nghiệp là đối tác của trường", bà cho hay.

Trong phần phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Viết Hiển, giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, cũng chia sẻ trong buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với tỉnh Thái Bình đã khẳng định khu kinh tế Thái Bình sẽ là động lực để phát triển kinh tế của địa phương này. Vì thế nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, rất cấp thiết cho sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng. 

Ông mong muốn ngay từ bây giờ, học sinh cuối cấp của Thái Bình có thể suy nghĩ đến những công việc trong tương lai để hiện thực hóa khát vọng cống hiến cho quê hương.

Tiếp tục chia sẻ băn khoăn của một số phụ huynh về việc làm gì để tiếp nhận tốt nhất cơ hội khi tại địa phương có nhiều khu công nghiệp được hình thành, phát triển, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết các cơ sở đào tạo cần có những rà soát, điều chỉnh để có những ngành đào tạo, nội dung đào tạo sát với nhu cầu, có thể cung ứng đủ và phù hợp về nhân lực. 

Với một khu công nghiệp như Liên Thái (Thái Bình), cần nhân lực ở nhiều ngành thuộc khối kỹ thuật công nghệ, kinh tế, thậm chí là cả các ngành thuộc khối nhân văn như truyền thông, tâm lý học…

PGS.TS Phạm Văn Thuần, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Hàng Hải Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm tại Hải Phòng, các doanh nghiệp và trường đại học có hợp tác chặt chẽ. Có những trường hợp doanh nghiệp cấp học bổng và cả chi phí đào tạo để có thể được ưu tiên tuyển sinh viên giỏi cho mình. Doanh nghiệp cũng có thể được tham vấn để trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, có hợp tác trong việc nhận sinh viên thực hành, thực tập để sinh viên sớm được nhúng vào môi trường làm việc thực tế.

Cô Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng chia sẻ một triết lý mới "đưa doanh nghiệp đến trường học và đưa trường học đến doanh nghiệp". Sự đồng hành của doanh nghiệp với trường xuyên suốt trong quá trình đào tạo sẽ là cách để cung cấp nguồn nhân lực sát với nhu cầu hơn hiện nay. Một số trường còn có "học kỳ doanh nghiệp" đủ để sinh viên đáp ứng yêu cầu cao của doanh nghiệp.

Vào trường quân đội để học tính kỷ luật

Đại úy Đỗ Văn Tâm, trợ lý tuyển sinh quân sự Trường Sĩ quan pháo binh, Bộ Quốc phòng, giải đáp thông tin về khối ngành quân đội - Ảnh: NAM TRẦN

Đại úy Đỗ Văn Tâm, trợ lý tuyển sinh quân sự Trường Sĩ quan pháo binh, Bộ Quốc phòng, giải đáp thông tin về khối ngành quân đội - Ảnh: NAM TRẦN

Trao đổi với các bạn học sinh quan tâm tới ngành quân đội, đại úy Đỗ Văn Tâm, trợ lý tuyển sinh quân sự, Trường Sĩ quan pháo Binh (Bộ Quốc phòng), cho biết các em muốn học trường quân đội thì cần chuẩn bị thể lực, sự kiên trì và tính kỷ luật cao.

"Động lực giúp các em có sức bật, nhưng cần thêm tính kỷ luật thì các em mới đi được xa, mới có vị trí công việc bền vững và dễ đạt được thành công", thầy Tâm chia sẻ. 

Ông cũng cho biết các trường quân đội đều đặt yêu cầu rất cao về tính kỷ luật. Kỷ luật trong học tập, trong sinh hoạt, trong rèn luyện… Đây cũng là tố chất sẽ theo các sinh viên khi tốt nghiệp và làm việc trong môi trường quân đội. Vì thế, nếu thực sự yêu thích, các em cần tìm hiểu kỹ về môi trường học tập, các yêu cầu cần thiết. 

Đại úy Tâm nhắc các bạn học sinh cần đảm bảo yêu cầu về sơ tuyển trước khi đăng ký xét tuyển. Và khác với các trường khác, thí sinh đăng ký vào trường quân đội chỉ đăng ký nguyện vọng 1. Trường hợp có nhiều nguyện vọng nhưng yêu thích trường quân đội nhất thì thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 là trường quân đội, các nguyện vọng kế tiếp vào các trường khối dân sự.

"Rất may khi hôm nay đi nghe tư vấn, em chuẩn bị tốt hơn"

Đến với chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 21-1, em Mai Thu Giang, học sinh lớp 12 Trường THPT Bắc Kiến Sương (Thái Bình), cho biết thời điểm hiện tại mình vẫn đang rất mông lung, chưa định hướng được ngành và trường trong tương lai.

"Em học khối D00, hiện tại em chỉ có thể sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Em rất lo lắng, nếu chọn ngành không phù hợp với năng lực bản thân sẽ mất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai", Giang nói.

Không chỉ học sinh lớp 12, chương trình tại Thái Bình thu hút rất nhiều học sinh lớp 11 tham gia nhờ ban tư vấn gỡ rối và "nhờ" lập chiến lược cá nhân cho mùa xét tuyển năm 2025.

Em Nguyễn Thị Linh Phương, học sinh lớp 11 Trường THPT Mê Linh, chia sẻ em đang theo khối A00, dự định thi vào ngành quản trị kinh doanh. Tuy nhiên Linh đang phân vân chưa biết sẽ theo học trường nào và sử dụng phương thức xét tuyển nào tối ưu nhất.

"Lựa chọn ngành quản trị kinh doanh là do em muốn làm công việc liên quan đến tư duy, tính toán nhiều hơn, ra trường em có thể làm việc tại nhiều doanh nghiệp. Việc chọn ngành học của em hoàn toàn do sở thích, không phải vì xu hướng đám đông.

Ban đầu em dự định sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ IELTS, thế nhưng em được tư vấn nếu xét tuyển kết hợp giữa IELTS với điểm thi đánh giá năng lực, tư duy sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Rất may hôm nay em đã đến tham dự chương trình để có sự chuẩn bị tốt hơn", Linh Phương nói.

Em Chu Thiên Bình, học sinh lớp 11 Trường THPT Tây Thụy Anh, cho hay em đang theo khối C00, dự định thi vào ngành luật, tuy nhiên đứng giữa sự lựa chọn các trường Linh lại rất do dự không biết nên chọn xét tuyển vào trường nào.

"Em dự định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên xét tuyển bằng phương thức này tỉ lệ cạnh tranh rất lớn, đặc biệt năm tới chúng em sẽ là những học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới nên em lại càng áp lực.

Hôm nay đến chương trình lắng nghe thầy cô tư vấn, em đã có phần yên tâm hơn và vạch ra được chiến lược xét tuyển năm 2025", Bình chia sẻ.

Học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức tại Trường đại học Thái Bình (Tân Bình, TP Thái Bình) sáng 21-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức tại Trường đại học Thái Bình (Tân Bình, TP Thái Bình) sáng 21-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Ban tư vấn chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức tại Trường đại học Thái Bình (Tân Bình, TP Thái Bình) sáng 21-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Ban tư vấn chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức tại Trường đại học Thái Bình (Tân Bình, TP Thái Bình) sáng 21-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại gian tư vấn của các trường trong khuôn khổ chương trình - Ảnh NAM TRẦN

Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại gian tư vấn của các trường trong khuôn khổ chương trình - Ảnh NAM TRẦN

Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dự kiến tuyển sinh ngành điện ảnh và nghệ thuật đại chúngTrường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dự kiến tuyển sinh ngành điện ảnh và nghệ thuật đại chúng

Năm 2024, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh, dự kiến tuyển ngành mới là điện ảnh và nghệ thuật đại chúng.

Nhóm kinh tế có nhiều nhánh, chọn nhánh nào?- Ảnh 9.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên