07/10/2014 11:28 GMT+7

Nhiều trường cho thí sinh tự chọn môn xét tuyển

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
MINH GIẢNG - NGỌC HÀ

TT - Sơ tuyển kết quả học bạ THPT, được chọn môn thi khi xét tuyển, phải tham gia thêm kỳ thi tuyển sinh riêng của trường... là những điểm nổi bật trong phương án tuyển sinh năm 2015.

 
Thí sinh tìm hiểu thông tin khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Hoa Sen năm 2014 - Ảnh: Minh Giảng

Theo ông Châu Minh Quý - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, năm 2015 ngoài việc tuyển sinh theo các môn của khối thi truyền thống sẽ có thêm các tổ hợp môn, trong đó có hai môn bắt buộc toán, văn và một môn tự chọn.

Ngoài ra, trường cũng sẽ áp dụng việc xét tuyển học bạ THPT, nhiều khả năng điểm trung bình từng môn của khối thi phải đạt từ 6,5 trở lên thí sinh mới được nộp hồ sơ xét tuyển.

Điểm trung bình THPT chỉ là điều kiện cần, điểm chuẩn xét tuyển chỉ dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia. Thí sinh sẽ nộp học bạ trước để sơ tuyển, đạt điều kiện cần mới nộp hồ sơ xét tuyển.

Sơ tuyển học bạ THPT

TS Nguyễn Quốc Chính, trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH - ĐHQG TP.HCM, cho biết năm 2015 các trường thành viên sẽ áp dụng việc sơ tuyển kết quả điểm trung bình ba năm THPT.

Dự kiến điểm trung bình tối thiểu để nộp hồ sơ là 6,5. Hiện ĐHQG TP.HCM đang xem xét mức điểm chung cho tất cả các ngành hay sẽ có mức điểm riêng cho từng ngành.

Sau khi đạt ngưỡng tối thiểu này thí sinh mới đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia. Năm 2015, ĐHQG TP.HCM xét tuyển các môn của khối thi như cũ.

Tuy nhiên, để thí sinh có thêm lựa chọn và cơ hội xét tuyển, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có một số ngành sẽ tích hợp thêm khối thi mới.

Từ năm 2016, dự kiến ĐHQG TP.HCM sẽ xét thêm các tiêu chí như đánh giá năng lực tư duy, năng lực hoạt động xã hội.

Tổng hợp 3 loại điểm

Điểm xét tuyển của Trường ĐH Luật TP.HCM là tổng của các điểm: kết quả THPT, kết quả kỳ thi quốc gia và kết quả kỳ thi riêng của trường.

Cụ thể, điểm trung bình ba môn thuộc khối xét tuyển ở sáu học kỳ bậc THPT chiếm 20%; điểm trung bình ba môn của kỳ thi quốc gia THPT chiếm 60%, trong đó nhân hệ số môn toán (khối A và A1), môn sử (khối C), môn ngoại ngữ (D1, D3, D6); điểm kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị - xã hội do trường tổ chức chiếm 20%.

Trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký trên mạng sau khi thí sinh có điểm kỳ thi quốc gia. Căn cứ trên số lượng thí sinh đăng ký kết hợp với điểm số học bạ và kỳ thi quốc gia, trường sẽ sơ tuyển trước khi tổ chức thi riêng.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Lượng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn - cho biết khoảng 75% số ngành của trường sẽ tuyển các môn theo khối thi truyền thống.

25% số ngành còn lại sẽ có sự tích hợp, chẳng hạn ngành lịch sử sẽ tuyển các môn văn, sử và ngoại ngữ.

Một số ngành khó tuyển như sư phạm kỹ thuật công nghiệp sẽ tuyển hai môn bắt buộc là toán, văn, môn thứ ba thí sinh được quyền chọn bất kỳ môn nào mà mình thấy có lợi thế nhất.

Trường cũng áp dụng việc sơ tuyển học bạ ba năm THPT để xác định thí sinh đủ điều kiện xét tuyển hay không.

Theo đó, muốn nộp hồ sơ vào ĐH thí sinh phải có điểm trung bình THPT từ 5,5 trở lên và từ 5,0 trở lên đối với bậc CĐ.

Nhiều trường khu vực phía bắc cũng sơ tuyển kết quả học tập bậc THPT trước khi xét tuyển.

Ông Hoàng Văn Châu - hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - cho biết trường vừa chính thức gửi đề án tuyển sinh năm 2015 lên Bộ GD-ĐT.

Theo đó, thí sinh cần có kết quả học tập ba năm THPT đạt từ mức 6,5 trở lên mới được dự tuyển vào trường.

Tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, dự kiến điều kiện cần để thí sinh tham gia xét tuyển là đạt kết quả học tập trung bình năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ mức 6,0 trở lên.

Được chọn môn xét tuyển

Ngày 6-10, Trường ĐH Cần Thơ đã công bố môn tuyển sinh cho từng ngành đào tạo của trường trong kỳ tuyển sinh năm 2015.

Theo đó, ngoại trừ ngành sư phạm sinh học, sinh học, nông học tuyển các môn toán, hóa, sinh; sư phạm tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp: toán, văn và ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) và toán ứng dụng tuyển các môn toán, lý, hóa, các ngành còn lại đều có từ 1-2 môn bắt buộc và từ 2-6 môn tự chọn, tùy ngành.

Trong đó, ngành luật tuyển một môn bắt buộc là toán hoặc ngữ văn và chọn hai trong số sáu môn tự chọn gồm: lý, hóa, địa, sử, văn và ngoại ngữ. Hầu hết các ngành khối công nghệ, kỹ thuật đều có hai môn bắt buộc, khối ngành xã hội hầu hết chỉ có một môn bắt buộc.

Cũng cho phép thí sinh chọn môn xét tuyển nhưng số môn tự chọn tại Trường ĐH Hoa Sen ít hơn. ThS Hoàng Đức Bình - giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen - cho biết bên cạnh các môn của khối thi truyền thống, trường dự kiến tích hợp một số môn cho từng nhóm ngành đào tạo.

Các môn tích hợp đều nằm trong khối tuyển sinh truyền thống của trường.

Trong đó, khối ngành khoa học công nghệ tuyển hai môn bắt buộc là toán và tiếng Anh, các môn tự chọn gồm lý, hóa, sinh và ngữ văn. Khối ngành dịch vụ du lịch nhà hàng khách sạn, ngành tiếng Anh tuyển hai môn bắt buộc là toán và ngoại ngữ (hệ số 2) và các môn tự chọn gồm văn, sử và địa.

Riêng khối ngành kinh tế thương mại chỉ tuyển ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Với các ngành mỹ thuật ứng dụng, thí sinh phải qua vòng sơ tuyển, vòng thi tuyển năng khiếu sau đó mới được xét tuyển.

Tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, dù vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng dự kiến sẽ phân thành ba nhóm ngành với tổ hợp môn thi rất khác nhau.

Các tổ hợp môn thi này dựa trên nòng cốt của hai khối C, D trước đây. Ông Lưu Văn An - phó giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền - cho biết về cơ bản phương án tuyển sinh 2015 của trường đã chốt theo hướng chia các ngành đào tạo của trường thành ba nhóm: nhóm ngành báo chí, nhóm ngành lý luận chính trị (gồm các ngành triết học, xây dựng Đảng...), nhóm ngành quan hệ công chúng - ngôn ngữ - quảng cáo...

Theo đó, điều kiện tuyển sinh với nhóm ngành báo chí gồm môn thi bắt buộc là ngữ văn, rồi lựa chọn một trong số ba môn (toán, sử, tiếng Anh) của kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời thi môn năng khiếu báo chí.

Với nhóm ngành lý luận chính trị, điều kiện xét tuyển gồm hai môn bắt buộc là toán, văn và thí sinh lựa chọn thêm một trong ba môn: sử, địa, tiếng Anh.

Với nhóm ngành quan hệ công chúng - quảng cáo - ngôn ngữ, thí sinh được xét tuyển dựa trên kết quả hai môn bắt buộc là ngữ văn, tiếng Anh và lựa chọn thêm một trong ba môn: toán, sử, địa (trong đó tiếng Anh nhân hệ số 2).

Theo ông Lưu Văn An, sau hơn 10 năm thực hiện theo kỳ thi “ba chung”, học viện đã đưa môn năng khiếu báo chí (gồm cả câu hỏi trắc nghiệm và tự luận) trở lại trong tuyển sinh các ngành báo chí.

Vẫn theo khối truyền thống

Một số trường ĐH khác cho biết sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia xét tuyển với các môn thi thuộc các khối truyền thống trước đây. T

uy nhiên, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ có môn thi chính của từng ngành nhân hệ số 2. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sẽ xét tuyển thêm môn văn bên cạnh các môn cũ như toán, lý, hóa, tiếng Anh.

Đại diện Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết dự kiến trường chỉ xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia ba môn toán, hóa và sinh.

Theo ông Hoàng Văn Châu, tổ hợp môn thi tuyển sinh 2015 của  Trường ĐH Ngoại thương không thay đổi so với các năm trước.

Trường duy trì các tổ hợp môn thi tương tự khối A (toán, lý, hóa), A1 (toán, lý, tiếng Anh), D (toán, văn, ngoại ngữ). Riêng ngành ngôn ngữ, môn ngoại ngữ được xác định là môn thi chính và nhân hệ số 2. Trường không chấp nhận xét tuyển với thí sinh thi tại cụm thi địa phương.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại - cho biết trường dự kiến tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

“Điểm khác biệt quan trọng là một số chuyên ngành của trường sẽ chỉ tuyển sinh các tổ hợp môn thi tương ứng với khối A1, D1, chứ không tuyển sinh khối A như trước.

Theo đánh giá của nhà trường, nhiều chuyên ngành không cần thiết đánh giá thí sinh qua môn hóa nên trường quyết định có sự thay đổi này”- ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Châu cho hay đúng là môn hóa không cần thiết trong tuyển sinh một số ngành, nhưng để tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi những thí sinh đã chuẩn bị thi khối A từ trước nên trường vẫn duy trì khối thi như trước đây.

Tuy nhiên, rất có thể năm 2016 trường sẽ chỉ còn sử dụng tổ hợp môn thi tương tự khối A1 và khối D.

Xét tuyển bằng phần mềm chung?

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT đang thảo luận về một phương án xét tuyển có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, sử dụng thuật toán đã được nhận giải Nobel về kinh tế năm 2012.

Theo phương án này, thí sinh sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia phải đăng ký xét tuyển vào một số ngành (ví dụ năm ngành) theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, sau đó trường ĐH nhận đăng ký xét tuyển của học sinh phải nhập dữ liệu theo định dạng quy định và gửi về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục để xây dựng dữ liệu đầu vào cho phần mềm xét tuyển.

Dữ liệu này gồm kết quả thi của thí sinh, nguyện vọng của thí sinh, quy định xét tuyển của các trường.

Phần mềm sẽ giúp thí sinh trúng tuyển ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất phù hợp với kết quả thi của thí sinh đó và cung cấp cho mỗi trường danh sách thí sinh trúng tuyển vào từng ngành.

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên