15/05/2019 10:41 GMT+7

Nhiều ca bệnh nặng do sốt xuất huyết

THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI - T.LŨY
THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI - T.LŨY

TTO - Đã có ba ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều ca bệnh nặng dù chưa vào mùa cao điểm của sốt xuất huyết. Trong đó, một phụ nữ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tử vong khi tự điều trị tại nhà.

Nhiều ca bệnh nặng do sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Kim Hùng (khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) đang thăm khám bệnh nhi T. (13 tuổi) trước đó mắc sốt xuất huyết Dengue rất nặng, nguy cơ tử vong lên đến 90% - Ảnh: XUÂN MAI

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, TP.HCM đã có 20.758 ca sốt xuất huyết. Dù giai đoạn này được đánh giá là giai đoạn thấp điểm của sốt xuất huyết trong năm 2019 nhưng vẫn cao hơn 230% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, TP.HCM đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết ngụ tại quận Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Các bác sĩ dự báo trong vài tuần tới, khi những cơn mưa tiếp tục đổ xuống thì số ca mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng lên.

Vào bệnh viện trễ

Trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong gần đây nhất là trường hợp của bà C.K.N., 45 tuổi, ngụ ở Q.Bình Tân. 

Mới đầu mắc bệnh, bà N. đến một phòng mạch tư để khám. Sau đó không bớt bệnh, bà tự mua thuốc uống điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 5 tính từ ngày đầu tiên khởi bệnh, bà N. mới đến Bệnh viện Q.Bình Tân. 

Tuy nhiên do tình trạng nặng quá nên bà N. đã được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. 

Bà nhập viện trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, sốc, mạch nhanh khó bắt được... Đến ngày thứ 6 do bệnh quá nặng, không thể cứu chữa được nên gia đình đã xin bệnh viện đưa bà về nhà để được mất tại nhà. 

Trước đó, một trường hợp khác mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong trong tháng 1 cũng vào viện khi đã là ngày thứ 4 của bệnh và trong những ngày mới xuất hiện bệnh, người bệnh này cũng tự điều trị tại nhà.

BS Lê Hồng Nga - trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết nhiều bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong là do chủ quan, tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh. Lúc này, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng nên các bác sĩ khó có thể cứu sống được bệnh nhân.

Những trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng với điều kiện là phải đến bác sĩ khám và được bác sĩ tư vấn cách điều trị, chứ không thể tự ý điều trị tại nhà như các trường hợp kể trên.

Cứu nhiều trường hợp

Trưa ngày 2-5, khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi V.T.T. (13 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) do Bệnh viện Đa khoa khu vực Bình Phước chuyển đến trong tình trạng lơ mơ, rối loạn tri giác, máu trào ra mũi, miệng, vàng mắt và vàng da - biểu hiện tổn thương gan.

Bác sĩ Trần Kim Hùng (khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) cho biết qua kết quả chẩn đoán từ Bệnh viện Đa khoa Bình Phước cho thấy bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dengue rất nặng.

Nhận thấy bệnh nhi có tổn thương gan trên nền bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch chống sốc, sau đó đánh giá lại để xem xét có bộ phận nào khác tổn thương không. Sau khi có kết quả, bệnh nhi có thêm tổn thương thận, xuất huyết đường tiêu hóa và có biểu hiện toan máu nặng (nồng độ pH trong máu quá thấp).

Trước tình hình nguy cấp, các bác sĩ nhanh chóng truyền máu cho bệnh nhi, đồng thời tiến hành lọc máu do suy thận, đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy do suy hô hấp, điều trị nhiễm trùng kèm theo.

"Đây là một trong những ca sốt xuất huyết đã tổn thương rất nặng, suy đa tạng với nguy cơ tử vong lên đến hơn 90%. Nếu như những ca sốt xuất huyết trước thì hầu hết đều tử vong dù điều trị tích cực. Rất may, với ca này thì các cơ quan của trẻ có dấu hiệu hồi phục" - bác sĩ Kim Hùng nhận định.

Chị V.T.T. - mẹ bệnh nhi T. - cho biết gần nhà mình cũng có 3 trẻ bị sốt xuất huyết và đều học chung trường với bệnh nhi T..

Không chỉ trẻ em, tại khoa cấp cứu bệnh viện này cũng đang điều trị 2 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, đó là anh N.V.S. (27 tuổi, ngụ quận 4) và chị V.T.H.U. (18 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước). 

Bác sĩ Nguyễn Trường An (khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) cho biết cả 2 bệnh nhân đều nhập viện vào ngày 13-5 trong tình sốc, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, ê ẩm cả người, chảy máu cam... Sau 24 giờ truyền dịch chống sốc theo phác đồ, các bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch.

Những ngày này, TP.HCM và khu vực phía Nam có những cơn mưa xen kẽ những ngày nắng, báo hiệu mùa mưa bắt đầu. Dự báo chỉ trong vài tuần tới, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM sẽ tăng lên. 

Để chủ động kìm hãm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa đến, Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân cần tập trung xử lý triệt để các ổ dịch hiện hành, ổ dịch lan rộng, diệt lăng quăng trong mỗi nhà dân.

Tăng gấp đôi số ca mắc

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, tuy mới chỉ vào đầu mùa mưa nhưng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Ghi nhận tại các quận huyện, tính từ đầu năm đến nay số ca mắc sốt xuất huyết là 372 ca, so với cùng kỳ năm 2018 là 157 ca.

Địa phương có số ca bệnh tăng cao nhất là Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng và huyện Phong Ðiền... Đặc biệt, số mắc đã tăng ngay từ thời điểm đầu năm vào tháng 1, 2, 3, chính vì vậy theo ngành y tế, hiện nay bắt đầu mùa mưa thì nỗi lo sốt xuất huyết bùng phát là rất lớn.

Ông Trần Văn Tuấn, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm - kiểm dịch y thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ, cho rằng dù thường xuyên kiểm tra chỉ số breteau (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) tại các điểm có dịch sốt xuất huyết và chỉ số nằm trong giới hạn cho phép, nhưng muỗi vẫn phát sinh nhiều gây sốt xuất huyết trái mùa tăng cao. Vì vậy vào mùa mưa cán bộ phòng chống dịch lại càng lo.

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP Cần Thơ, để đối phó với việc gia tăng dịch sốt xuất huyết ở cộng đồng, các địa phương sẽ đồng loạt tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng trên địa bàn.

Sở Y tế sẽ chọn 16 phường, xã làm trọng điểm triển khai chiến dịch trước, sau đó các địa phương còn lại huyện sẽ chọn các ổ dịch có nguy cơ để tổ chức. Theo các cán bộ phòng chống dịch, sau chiến dịch nếu các địa phương và các hộ dân không tích cực duy trì thì muỗi và lăng quăng vẫn quay trở lại, làm gia tăng bệnh sốt xuất huyết, nên vấn đề quan trọng là duy trì được thường xuyên hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Sốt xuất huyết vào mùa, chăm con thế nào? Sốt xuất huyết vào mùa, chăm con thế nào?

Từng nghỉ việc 3 tuần chăm con cấp cứu vì sốt xuất huyết, chị Ban Mai (32 tuổi, quận 2) hiểu thấu mức độ nguy kịch của bệnh gây ra với con trẻ.

THÙY DƯƠNG - XUÂN MAI - T.LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên