04/03/2017 13:24 GMT+7

Huế tấu Đăng đàn cung đón Nhật hoàng và Hoàng hậu

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Sau khi nghe xong ba bài bản nhã nhạc, nhà vua Akihito và hoàng hậu đã nán lại hồi lâu để hỏi thăm các nghệ nhân, nhạc công trong một trạng thái bồi hồi, xúc động…

Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản vào thăm hoàng cung Huế sáng 4-3 - Ảnh: TRỊ THIÊN
Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản vào thăm hoàng cung Huế sáng 4-3 - Ảnh: TRỊ THIÊN

Sáng 4-3, âm giai của bản nhã nhạc Đăng đàn cung trang trọng, tôn nghiêm và tươi tắn đã vang lên khi nhà vua Akihito và hoàng hậu Nhật Bản tiến vào Ngọ Môn để thăm hoàng cung Huế. Nhật hoàng và hoàng hậu đã vào thăm điện Thái Hòa, nơi từng diễn các buổi thiết đại triều dưới thời Nguyễn.

Sau đó, nhà vua và hoàng hậu đã chuyển sang Nhà hát Duyệt Thị Đường để thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế. Chương trình nhã nhạc do các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhạc công Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) trình diễn kéo dài trong tám phút bao gồm bản Tam luân cửu chuyển, múa Lân mẫu xuất lân nhi và múa Lục cúng hoa đăng

Xem xong, nhà vua Akihito và hoàng hậu đã nán lại hỏi về chương trình vừa xem và trò chuyện với các nhạc công trong một sự quan tâm đặc biệt. 

Nhà vua và hoàng hậu bắt đầu vào nhà haft Duyệt Thị Đường thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế - Ảnh: TRỊ THIÊN
Nhà vua và hoàng hậu vào Nhà hát Duyệt Thị Đường thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế - Ảnh: TRỊ THIÊN

Được biết năm 2007, trong chuyến thăm Nhật Bản của nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các nhạc công, nghệ nhân, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đã theo đoàn sang Nhật, vào hoàng cung Nhật Bản biểu diễn cho nhà vua Akihito, hoàng hậu và các thành viên hoàng gia thưởng thức, nên chuyến thăm Huế lần này của nhà vua và hoàng gia cũng là dịp tái ngộ.

TS Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết hoàng hậu Nhật Bản nói với ông rằng bà rất khâm phục Việt Nam, một đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh nhưng vẫn còn giữ được những tài sản văn hóa vô cùng quý giá như vậy.

Trước đó tại cuộc họp báo tối 3-3, người phát ngôn hoàng gia Nhật Bản cho biết chuẩn bị chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước lần này, đích thân nhà vua đã hội ý các thành viên hoàng gia cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử để tìm hiểu những thông tin sâu hơn về Việt Nam, đặc biệt là các tài sản văn hóa. 

Tiết mục Lục cúng hoa đăng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế biểu diễn phục vụ vua và hoàng hậu Nhật Bản - Ảnh: TRỊ THIÊN
Tiết mục Lục cúng hoa đăng biểu diễn phục vụ vua và hoàng hậu Nhật Bản - Ảnh: TRỊ THIÊN

Hoàng cung Huế là nơi có nhiều dấu ấn bang giao Việt - Nhật trong lịch sử. Những năm gần đây, Chính phủ Nhật đã tài trợ nhiều dự án nghiên cứu, phục hồi, trùng tu các giá trị văn hóa, cả vật thể, phi vật thể di sản lẫn cảnh quan xung quanh như: Ngọ Môn, Hữu Tùng tự (lăng Minh Mạng), điện Long Đức, Chiêu Kính- thuộc khu vực Thái Miếu…

Đặc biệt, gắn liền với việc trùng tu còn có công tác đào tạo chuyên môn và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho Việt Nam.

Theo nhận xét của TS Phan Thanh Hải, trong 30 năm qua, tổng kinh phí quốc tế tài trợ về văn hóa cho Huế là gần 10 triệu USD thì Nhật Bản tài trợ khoảng 4,6 triệu USD, là quốc gia có sự tài trợ lớn nhất và quan trọng nhất đối với di tích Huế.

Chiều 4-3, nhà vua Akihito và hoàng hậu tiếp tục thăm Nhà lưu niệm chí sĩ Phan Bội Châu, một trong những người bạn lớn của Nhật Bản trong lịch sử.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên