31/03/2019 10:43 GMT+7

Nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông vừa thiếu vừa yếu

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Vấn đề đau đầu với cả Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, khi nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang là một trong những nguồn nhân lực chủ lực, quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông vừa thiếu vừa yếu - Ảnh 1.

Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham quan các gian hàng triển lãm của các trường đại học và doanh nghiệp bên lề tọa đàm - Ảnh: TRẦN NGUYỆT

Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức ngày 30-3 tại Hà Nội đã "mổ xẻ" bất cập này.

Cầu luôn vượt cung

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn, dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỉ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỉ USD, xuất siêu trên 25 tỉ USD và có xấp xỉ 1 triệu lao động.

Tuy nhiên, ngành kinh tế lớn này đang phải đối mặt với bài toán nhân lực không hề đơn giản.

Dựa trên các số liệu thống kê chi tiết, ông Phí Anh Tuấn - phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM - nhấn mạnh với ngành ICT, cầu luôn vượt cung. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp.

Trong khi đó, Vietnamworks dự báo tới năm 2020, Việt Nam có thể thiếu đến 400.000 lao động công nghệ thông tin, và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.

Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực lớn, các chương trình đào tạo trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao: hiện nay chỉ khoảng 28% đạt yêu cầu, còn 72% phải đào tạo bổ sung với thời gian ít nhất mất 3 tháng.

"Cầu luôn vượt cung" về số lượng, nhưng khi dẫn đánh giá của doanh nghiệp nói về chất lượng sinh viên, ông Phí Anh Tuấn lại khẳng định: chất lượng "cung" không đáp ứng được "cầu".

Chất lượng nhân lực có sự chênh lệch nhiều giữa top trên và top dưới, giữa một số trường điểm và các trường còn lại. Sự chênh lệch chủ yếu ở các điểm như kỹ năng thực hành, kiến thức nền tảng, năng lực tư duy logic, ngoại ngữ, kỹ năng mềm...

Kết hợp doanh nghiệp và nhà trường

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo gắn kết đào tạo chặt chẽ hơn nữa để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

"Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp. Nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám theo doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa?

Để có nhân lực tốt, doanh nghiệp đã tham gia cùng với nhà trường để thiết kế sản phẩm hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy 2 mà 1 chưa?" - ông Hùng trăn trở và xem đây là những câu hỏi tọa đàm cần thảo luận và giải đáp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không mới, nhưng muốn hiệu quả phải trở thành nhu cầu tự thân của cả hai bên.

Thực tế nhiều trường đại học và doanh nghiệp đã ký kết hợp tác nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy, doanh nghiệp không nên chỉ hỗ trợ bằng cách "cho" học bổng hay tạo cơ hội thực tập như vẫn làm lâu nay, mà cần quan tâm vào việc đồng hành với các trường đại học, cùng thiết kế chương trình đào tạo đạt chuẩn, thích ứng yêu cầu nhân lực của chính doanh nghiệp.

Chương trình đào tạo cần phải thiết kế từ nhu cầu thị trường, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, "nhúng" mình vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, như trường y với bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông NGUYỄN MẠNH HÙNG:

Làm trước học sau, tự học rồi mới hỏi thầy

"Truyền thống đào tạo của chúng ta là: học trước rồi làm sau; không biết thì hỏi thầy; học sách giáo khoa là chính; thầy dạy trò nghe; học cách giải quyết vấn đề là chính; giảng đường là cơ sở chính của đại học...

Thế giới bây giờ lại đổi thay: làm trước rồi học sau; tự học để biết đến 70-80% rồi mới hỏi thầy; mời doanh nhân, chuyên gia vào giảng nhiều hơn; tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo, đổi mới; học cách tìm ra vấn đề lại quan trọng hơn; các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, môi trường mô phỏng nhiều hơn là môi trường thực...".

Trí thức Việt từ Na Uy về nước làm việc: "Trở về là hạnh phúc" Trí thức Việt từ Na Uy về nước làm việc: 'Trở về là hạnh phúc'

TTO - Có cơ hội sống và làm việc ở nhiều quốc gia phát triển, TS Chu Đình Tới (35 tuổi, hiện là giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) vẫn quyết định trở về Việt Nam để cống hiến.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên