04/11/2023 09:41 GMT+7

Nhà toán học bị tố bán bài nghiên cứu: có vi phạm liêm chính học thuật?

Nhiều ý kiến cho rằng cần cơ chế, chính sách để nhà khoa học sống được bằng những cống hiến của mình.

Cần có chính sách tốt để các nhà khoa học yên tâm tập trung nghiên cứu. Trong ảnh: các nhà khoa học Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM làm việc tại trường - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

Cần có chính sách tốt để các nhà khoa học yên tâm tập trung nghiên cứu. Trong ảnh: các nhà khoa học Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM làm việc tại trường - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

Liên quan tới vụ "Bị tố bán, xin rút khỏi Quỹ Nafosted" (Tuổi Trẻ ngày 2-11), nhiều người bày tỏ sự cảm thông với PGS.TS Đinh Công Hướng, đồng thời chỉ ra những bất cập của cơ chế gây khó khăn cho nhà khoa học.

Nhà khoa học Việt Nam hiện nay dù kiếm được nguồn kinh phí về làm nghiên cứu còn phải làm luôn chuyện quản lý và thậm chí làm công việc của kế toán viên. Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học quá lạc hậu, kìm hãm nhiều hoạt động nghiên cứu. Điều này cần phải thay đổi.

PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương

Có vi phạm liêm chính học thuật?

Nhận định về sự việc của PGS.TS Đinh Công Hướng, GS.TS Phạm Văn Hùng - Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng: "Nhà khoa học không có lỗi khi đã hoàn thành nhiệm vụ được trả lương tại trường đang công tác và được nhà trường cho phép tham gia các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị khác vì việc hợp tác nghiên cứu là chuyện tốt. 

Chỉ khi nào nhà khoa học đó sử dụng cơ sở vật chất của trường đang công tác nhưng lại ghi nhận đơn vị "mua bài" mới là sai. Nghiên cứu về toán lý thuyết chủ yếu là sử dụng con người và có khi không cần phòng lab như các lĩnh vực khác. 

Tuy nhiên, về liêm chính thì phải có sự đồng ý của các đơn vị liên quan về cách ghi tên các đơn vị này".

Về vấn đề một nhà khoa học ở trường đại học A xuất bản bài báo nghiên cứu khoa học nhưng để tên đơn vị trên bài báo là trường khác, GS Trương Nguyện Thành - giáo sư danh dự Đại học Utah, Mỹ - cho rằng thoạt nhìn vào việc này "thấy có gì đó kỳ kỳ". Nhưng suy cho cùng, vi phạm hay không phải là quyền quyết định của đại học A.

Ở các đại học Mỹ, ngày đầu tiên khi đến làm việc, các giáo sư phải ký một bản thỏa thuận là trong thời gian làm việc toàn thời gian ở đại học ấy thì tất cả kết quả nghiên cứu hay bài báo là tài sản trí tuệ của trường. 

Tuy nhiên, trường đại học Mỹ chỉ trả lương có 9 tháng/năm cho việc giảng dạy, do đó trường cho phép giáo sư của mình đi tư vấn cho các công ty ở ngoài, cộng tác với doanh nghiệp hay các đơn vị nghiên cứu khác trong và ngoài nước, hoặc tập trung nghiên cứu với kinh phí từ các quỹ nghiên cứu khoa học... để kiếm thêm thu nhập nhưng tổng thời gian không được quá 3 tháng (tính theo giờ làm việc).

"Tùy theo cơ chế của quỹ nghiên cứu khoa học, giáo sư có thể rút tiền ngân sách đề tài để trả lương cho mình. Đa số các quỹ có ngân sách từ thuế không cho phép rút quá 3 tháng lương, không cần biết kinh phí cho tất cả đề tài đó lớn bao nhiêu. 

Do đó khi giáo sư nghiên cứu hợp tác với đơn vị khác thì phải để địa chỉ trường của mình trước và địa chỉ của trường hay đơn vị mình cộng tác trên các bài báo nghiên cứu khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học. Quy chế đã có, nếu anh làm sai thì anh vi phạm và có thể bị hủy hợp đồng lao động

Nếu trường đại học A trên không có quy chế nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, việc giáo sư điền tên một đơn vị khác trên bài báo khoa học (nêu tên đơn vị có chủ quyền tài sản trí tuệ của bài báo đó) thì không có hành lang pháp lý để nói giáo sư đó vi phạm. 

Nếu một giáo sư ký hợp đồng với trường đại học A chỉ dạy các lớp và không nói gì về nghiên cứu khoa học và về tài sản nghiên cứu khoa học, giáo sư này hoàn toàn có quyền "làm thêm" ngoài trách nhiệm với trường đại học A. Ở Việt Nam, các giáo sư còn đi giảng dạy ở các đại học khác để có thêm thu nhập" - ôngThành nói.

Cơ chế lạc hậu kìm hãm hoạt động nghiên cứu

PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương - trưởng khoa khoa học liên ngành Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng trong nghiên cứu khoa học, việc các nhà khoa học hợp tác với nhau, một nhà khoa học đang làm việc ở đơn vị này liên kết với một cá nhân hay nhóm nghiên cứu ở đơn vị khác là điều hết sức bình thường. 

Nhưng việc hợp tác này phải đảm bảo đúng các nguyên tắc trong nghiên cứu, đúng trên tinh thần khoa học. Khi đó, các nhà khoa học vẫn đứng tên đơn vị của mình. 

Việc nghiên cứu trong sáng, hợp tác cùng bổ sung cho nhau, tận dụng máy móc, thiết bị thí nghiệm để nghiên cứu, từ đó có thể cho ra các công trình nghiên cứu tốt.

"Tuy nhiên trên thực tế có những nơi lợi dụng chuyện này, khi đơn vị của họ không đủ năng lực nghiên cứu nhưng muốn chạy xếp hạng đại học sẽ ký hợp đồng với những người ở đơn vị, trường đại học khác bằng cách ký hợp đồng nghiên cứu để có công bố khoa học đứng tên đơn vị của mình. 

Việc ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu này chỉ là tờ giấy hợp thức hóa chuyện "mua bán" công trình, bài báo khoa học. 

Theo cá nhân tôi, nhà khoa học nào đó làm việc này là sai, vì mình đang làm việc cho một đơn vị nhưng đứng tên một nơi khác trong khi sự hợp tác nghiên cứu hoàn toàn không có gì cả" - bà Phương nhận định.

Nhận định về cơ chế trong nghiên cứu khoa học hiện nay, PGS Tuyết Phương cho rằng hiện nay các nhà khoa học còn bị ràng buộc nhiều thứ. 

Các nhà khoa học không thể ngồi một chỗ chỉ để nghiên cứu, làm khoa học một cách thoải mái, mà phải làm rất nhiều thứ. Nhà khoa học phải lo về quản lý, thủ tục hành chánh, lo kiếm tiền.

Theo PGS.TS Từ Diệp Công Thành - giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (ĐH Quốc gia TP.HCM), để nhà khoa học không phải "bán" chất xám, cần nâng cao năng lực quản trị của tổ chức vì mọi quyền lợi xuất phát từ đây. 

Cụ thể, cần quy định về liêm chính học thuật, trong đó quy định về đứng tên trên các ấn phẩm khoa học với danh nghĩa của đơn vị; quy định về hợp tác khoa học, quy trình quản lý các ấn phẩm khoa học của đơn vị; cam kết của các cá nhân liên quan; quy định chế tài nếu vi phạm và quy định phân cấp, phân quyền trong quản lý khoa học. 

Đồng thời nâng cao nhận thức của nhà khoa học về liêm chính khoa học, tính chính danh và hợp tác khoa học đúng nghĩa. 

Bên cạnh đó là cơ chế kiểm tra, giám sát các hoạt động học thuật, phân quyền cho các tổ bộ môn kiểm tra, giám sát các hoạt động khoa học và công nghệ liên quan để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

Có chính sách để nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu

PGS.TS Đàm Sao Mai - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho hay căn cứ vào điều kiện cụ thể nhà trường ban hành các chính sách hỗ trợ nhà khoa học thực hiện nghiên cứu tại trường qua nhiều hình thức khác nhau.

"Nhờ có chính sách hỗ trợ, các nhà khoa học đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển nhà trường. Trước hết các nhà khoa học yên tâm công tác tại trường, thứ hai là tập trung vào công việc chính là nghiên cứu, không phải lo những vấn đề khác" - bà Mai chia sẻ.

Chiêu trò mua bài để nâng xếp hạng đại học

Trường ĐH Tôn Đức Thắng - nơi PGS.TS Đinh Văn Hướng bị tố “bán” nhiều bài báo khoa học - Ảnh: TĐTU

Trường ĐH Tôn Đức Thắng - nơi PGS.TS Đinh Công Hướng bị tố “bán” nhiều bài báo khoa học - Ảnh: TĐTU

Theo TS Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh), không nên xem việc mua bán bài báo khoa học kiểu không ghi tên trường mình công tác mà ghi trường khác - nơi trả tiền - là bình thường được.

Vì đó là chiêu trò mua bài để nâng xếp hạng đại học, bên cạnh rất nhiều chiêu trò qua mặt kiểm định để đạt "chất lượng quốc tế" khác.

Việc này khiến xã hội không còn biết cái gì là thật, cái gì là bậy nữa. Đồng thời khuyến khích đại bộ phận trong xã hội làm bậy, vinh danh tổ chức và cá nhân "biết cách mua bán thành tích".

Nếu chấp nhận những chuyện này, cách làm này thì ai làm nghiêm túc nữa? Đại học mà cả làng phông bạt sẽ nâng tầm toàn những người chạy theo phông bạt (vì họ giỏi chơi cái trò đó), và giảng viên, sinh viên có năng lực thật sự, làm đàng hoàng sẽ bị điểm không cao, không thành tích, không được thúc đẩy đúng cách.

Nguy hiểm ở đó và không đơn giản chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của người làm đại học, mà còn là mối nguy với cả hệ thống.

Điều này "dạy" cho thế hệ tương lai của đất nước rằng "làm bậy mới được lên nhanh, lên cao".

Nhà khoa học bán công sức của mình để sống, có gì sai?Nhà khoa học bán công sức của mình để sống, có gì sai?

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online gửi ý kiến về bài báo 'Nhà toán học giỏi bị tố bán nhiều bài nghiên cứu khoa học', bày tỏ góc nhìn về hoạt động, đời sống của nhà khoa học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên