04/03/2019 11:22 GMT+7

Nhà khoa học nữ bị vác gậy đuổi, trèo tường... khi làm nghiên cứu môi trường

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Vừa mới đến hỏi đã bị người ta vác gậy đuổi, hoặc để lấy được mẫu nước thử nghiệm phải trèo tường... Các nhà khoa học nữ vẫn kiên trì để môi trường sạch hơn.

Nhà khoa học nữ bị vác gậy đuổi, trèo tường... khi làm nghiên cứu môi trường - Ảnh 1.

Tập thể nữ Bộ môn Công nghệ môi trường trong một buổi trao đổi chuyên môn - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Hôm nay 4-3, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 sẽ được trao cho tập thể nữ bộ môn công nghệ môi trường, khoa môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với cụm công trình "Xử lý, tận dụng chất thải và phân tích, đánh giá chất lượng môi trường".

PGS.TS Nguyễn Thị Hà - trưởng bộ môn công nghệ môi trường - cho biết với 33 đề tài chủ trì, 65 đề tài tham gia trong suốt thời gian qua, điểm chung của cụm công trình nghiên cứu này theo hai định hướng chính. Một là xử lý chất thải, tận dụng chất thải để tái sử dụng, hai là phân tích đánh giá chất lượng môi trường. 

Cụm đề tài do nhóm nghiên cứu là tìm ra các giải pháp công nghệ phù hợp, chi phí thấp, dễ dùng, tận dụng được những nguyên liệu, chất thải, cơ sở vật chất có sẵn trong các cơ sở sản xuất, áp dụng cho quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất làng nghề.

* Phải chăng "phân khúc" cơ sở sản xuất vừa, nhỏ, hộ kinh doanh gia đình đang có nhiều bất cập trong ý thức xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường?

- Các doanh nghiệp sản xuất lớn hiện nay thường phải tuân thủ các quy định pháp lý, khi vận hành cũng được định kỳ hoặc đột xuất thanh tra, kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng. 

Tuy nhiên, với các cơ sở sản xuất nhỏ, nhất là cơ sở sản xuất trong các làng nghề, thường không có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư hệ thống, công trình xử lý chất thải quy củ, đáp ứng yêu cầu. 

Nhiều nơi hoạt động sản xuất gắn liền với chỗ ở cùng với nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe cũng còn chưa đầy đủ nên nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường sống rất lớn.

Hướng đặt ra là nghiên cứu, đưa ra các công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các giải pháp có chi phí thấp, tiện lợi, dễ sử dụng. Trong quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi cũng thấy có thể tận dụng được nhiều trang thiết bị, hạ tầng có sẵn để tiết kiệm cho các hộ sản xuất.

* Ở nội dung đánh giá môi trường, bà và đồng nghiệp cũng lựa chọn hướng rẻ, dễ, tiện dụng?

- Một số đề tài nghiên cứu trong cụm đề tài chúng tôi được trao giải liên quan tới việc phân tích, đánh giá chất lượng môi trường, dư lượng của một số thành phần có hại trong thực phẩm. 

Chúng tôi luôn hướng nghiên cứu đến "vòng tròn khép kín", để giải quyết triệt để vấn đề như: phân tích đánh giá, xác định nguyên nhân và tác động ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, từ đó đưa ra giải pháp kỹ thuật để kiểm soát, xử lý, tận dụng nhằm giảm thiểu tác động và nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí xử lý.

Có những đề tài được cấp bằng độc quyền sáng chế như Bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Đồng Kim Loan chủ trì và PGS.TS Trần Thị Hồng tham gia. 

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu và đề xuất cũng có tính khuyến cáo để các nhà quản lý tham khảo khi xây dựng, sửa đổi các chính sách, văn bản pháp lý và có thể tác động đến hành động, ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Nhà khoa học nữ bị vác gậy đuổi, trèo tường... khi làm nghiên cứu môi trường - Ảnh 2.

Tập thể nữ Bộ môn Công nghệ môi trường trong một buổi trao đổi chuyên môn - Ảnh: MINH PHƯƠNG

* Một trong những yếu tố là điểm cộng trong cụm đề tài của bà và đồng nghiệp là những nghiên cứu nhằm tái sử dụng chất thải vào những việc hữu ích. Bà có thể chia sẻ thêm về khía cạnh này?

- Có nhiều chất thải sau khi xử lý có thể tái sử dụng, vừa tránh việc đổ thải ra môi trường gây ô nhiễm, vừa giảm chi phí sản xuất khi có thể thu lời từ các sản phẩm được làm từ chất liệu tái sử dụng.

Ví dụ như nghiên cứu thu hồi kim loại từ bùn thải hệ thống xử lý nước thải mạ điện để sản xuất men màu gốm sứ, hay sử dụng bùn thải làm nguyên liệu phối trộn trong sản xuất gạch lát vỉa hè, gạch xây dựng, xử lý giấy ăn thải để làm cơ chất trồng nấm ăn, chế tạo vật liệu hấp phụ asen từ các chất thải và nguyên liệu sẵn có rẻ tiền, chế tạo viên nén nhiên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp... 

Các sản phẩm tái chế của các nhóm nghiên cứu đều đạt độ an toàn về môi trường và đạt yêu cầu về chất lượng sử dụng.

* Thành quả này có thể áp dụng rộng hơn trên thực tế được không?

- Hoàn toàn được trên cơ sở đánh giá về hiệu quả xử lý và khía cạnh kinh tế. Tuy nhiên do có những khó khăn nên việc triển khai hiện nay còn vướng, bất cập. Ví như việc thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải mạ điện phải tuân thủ quy định quản lý, xử lý chất thải nguy hại và do đơn vị được cấp phép thực hiện... 

Một khó khăn nữa là vì nhiều lý do, các cơ sở sản xuất vẫn còn dè dặt, không mặn mà với việc sử dụng chất thải thay thế/bổ sung cho nguyên nhiên liệu trong sản xuất.

* Là nữ giới, lại nghiên cứu đề tài về môi trường, những khó khăn trong việc khảo sát, nghiên cứu của nhóm là gì?

- Phụ nữ làm công việc nghiên cứu thì phần lớn chúng tôi cũng đều phải cố gắng vượt lên khó khăn do ít thời gian quan tâm tới gia đình, chăm sóc con cái. Nhiều người vẫn nói lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi không thú vị, sạch sẽ, đôi khi còn nguy hại. Nhưng hầu hết các đồng nghiệp tôi đều gắn bó, trách nhiệm, đam mê với công việc.

Cụ thể công việc thì có nhiều khó khăn khác. Ví dụ có người vừa mới đến hỏi đã bị người ta vác gậy đuổi, có em để lấy được mẫu nước thử nghiệm phải trèo tường... 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đúc rút kinh nghiệm, hướng dẫn cho sinh viên về cách ứng xử, tiếp cận thuận lợi hơn. Làm sao để họ thấy mình đang tìm cách giúp họ chứ không phải đi kiểm tra, xử phạt, tố giác họ.

* Nhưng hẳn các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy ý nghĩa của công việc vất vả?

- Đúng là như thế. Có những nơi, ở ngay xung quanh Hà Nội thôi, những hồ nước trước đây rất đẹp, ngày xưa người ta còn đi thuyền hát quan họ giao duyên, mà nay đang rất ô nhiễm. 

Chúng tôi đến với người dân, tập huấn giúp họ tìm và hiểu được nguyên nhân, hướng dẫn cách đơn giản để có thể cải thiện, giám sát chất lượng nước ao hồ, bảo vệ môi trường sống cho chính họ. Một số mô hình mẫu đã được triển khai thực hiện rất thành công.

Ngoài việc góp phần làm sạch môi trường, những nghiên cứu của chúng tôi còn góp phần quan trọng cho việc đào tạo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Nhiều sinh viên các khóa cũng tham gia các nhóm nghiên cứu, có những em là cựu sinh viên quay lại tham gia. Trong một nhóm nghiên cứu, có thể có cả thầy và trò của mấy thế hệ.

Chú trọng giáo dục trẻ để hình thành hành vi có văn hóa

* Quá trình nghiên cứu, bà nhìn nhận thế nào về ý thức bảo vệ môi trường của người dân?

- Tôi không hẳn đồng ý với nhận xét "người nước ngoài có ý thức bảo vệ môi trường hơn người VN". Bởi tôi thấy nhiều người VN khi ra nước ngoài, họ lập tức có ý thức chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của nước ngoài. Điều đó có nghĩa cần có các quy định chặt chẽ, có chế tài nghiêm khắc hơn và trong các nhà trường phổ thông cũng phải chú trọng giáo dục trẻ để hình thành ý thức, hành vi có văn hóa.

Còn những gì nhìn thấy trong quá trình chúng tôi nghiên cứu thì quả là ý thức của một bộ phận người dân về bảo vệ môi trường còn kém. Có thể do họ thiếu hiểu biết, không nhận thức được đầy đủ tác hại của ô nhiễm môi trường, cũng có thể do chế tài không nghiêm. Trong các gia đình, người lớn còn vi phạm, trẻ con cũng học theo. Vì vậy, giáo dục truyền thông về môi trường, bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức, hiểu biết của cộng đồng là rất quan trọng.

Bảo vệ môi trường không chỉ là chuyện ngưng xả rác Bảo vệ môi trường không chỉ là chuyện ngưng xả rác

TTO - Ngày càng có nhiều bạn trẻ từ chối túi nilông khi mua đồ, đựng thức ăn tươi vào hộp tự mang theo, ăn uống tại chỗ thay vì mang về...

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên