11/10/2022 14:12 GMT+7

Nguyên tổng giám đốc Tân Thuận kêu oan, nói vốn của Đảng bộ TP.HCM không phải vốn nhà nước

TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP
TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP

TTO - Tại tòa, ông Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) cho rằng mình không phạm tội quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí bởi nguồn vốn của Công ty Tân Thuận không phải vốn nhà nước.

Nguyên tổng giám đốc Tân Thuận kêu oan, nói vốn của Đảng bộ TP.HCM không phải vốn nhà nước - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: B.L.

Tại phiên tòa sáng 11-10, ông Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) cho rằng mình không phạm tội quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, bởi nguồn vốn của Công ty Tân Thuận là tài sản thuộc sở hữu của Đảng bộ TP, thuộc quyền định đoạt của Đảng bộ TP theo luật dân sự.

Ông Thiện cho rằng ông rất tiếc vì không ai khuyến cáo khi chuyển nhượng dự án phải thực hiện theo quy định quản lý vốn nhà nước. Hơn nữa, thời gian ông làm tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, vốn của Công ty Tân Thuận được bảo toàn và phát triển tăng so với trước đây.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng dự án khu dân cư Phước Kiển, khu dân cư Ven Sông có giá trị hơn rất nhiều so với giá mà bị cáo đã chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Viện kiểm sát phân tích không phải tài sản 10 đồng mà chỉ bán 3 đồng với lý do ngày xưa mua giá 1 đồng, giờ lời 2 đồng là đã bào toàn, phát triển vốn. Bảo toàn, phát triển vốn là phải đúng giá trị thực của các tài sản mà công ty đang quản lý, sử dụng, sở hữu.

Đại diện viện kiểm sát cho rằng tài sản của Đảng bộ TP.HCM cũng là tài sản nhà nước. Do vậy, khi doanh nghiệp quản lý, sử dụng các tài sản đó, ngoài Luật doanh nghiệp, Luật đất đai còn phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận là công ty có 100% vốn của Thành ủy TP.HCM. Tháng 11-2000, công ty này được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển.

Tháng 8-2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỉ lệ 75:25, hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án.

Lúc này, ông Trần Công Thiện (tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá, sau đó chuyển nhượng 32ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Tương tự, Công ty Tân Thuận cũng chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 32.967m2 đất thuộc khu 4 dự án khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong, quận 7, với giá 20 triệu đồng/m².

Tổng cộng cả hai dự án trên, Công ty Tân Thuận đã bán rẻ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thiệt hại 735 tỉ đồng.

Trước vụ án này, ông Trần Công Thiện từng bị truy tố, xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO cho Nguyễn Kim.

Trong các phiên tòa trước đó, ông Thiện cũng cho rằng tài sản thuộc Đảng bộ TP.HCM không phải là tài sản nhà nước. Nhưng quan điểm này đã bị TAND TP.HCM, TAND cấp cao TP.HCM bác bỏ.

Nguyên tổng giám đốc Tân Thuận thừa nhận công ty không đủ năng lực nhưng vẫn xin thực hiện dự án Nguyên tổng giám đốc Tân Thuận thừa nhận công ty không đủ năng lực nhưng vẫn xin thực hiện dự án

TTO - Chiều 10-10, phiên tòa xét xử ông Tất Thành Cang và 9 bị cáo trong vụ bán rẻ 32ha đất khu dân cư Phước Kiển, Ven Sông bắt đầu phần xét hỏi. Ông Trần Công Thiện thừa nhận công ty không đủ năng lực nhưng vẫn xin thực hiện dự án.


TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên