02/04/2023 11:25 GMT+7

Người xây dựng lao đao: Tạm đổi nghề, lấy ngắn nuôi dài

Những nhà thầu nhỏ lẻ, thợ xây, thợ hồ nằm trong nhóm chịu tác động của làn sóng cắt giảm lao động ngành xây dựng trực tiếp nhất. Trong cuộc chật vật mưu sinh, họ buộc chọn đổi nghề để lấy ngắn nuôi dài.

Không có việc để theo nghề phụ hồ, Tô Hồng Thái chuyển sang chạy xe ôm công nghệ - Ảnh: C.TRIỆU

Không có việc để theo nghề phụ hồ, Tô Hồng Thái chuyển sang chạy xe ôm công nghệ - Ảnh: C.TRIỆU

39 tuổi, anh Tô Hồng Thái (quê Bạc Liêu) từng làm công nhân may, sản xuất bao bì rồi chuyển qua phụ hồ.

Trước tháng 8-2022, tiền công phụ hồ của Thái là 400.000 đồng/ngày, cộng thêm tiền trông giữ công trình được gần 1,5 triệu đồng nữa, nên tiền lương mỗi tháng có dư vì tiết kiệm được tiền thuê trọ do ăn ngủ tại công trình luôn.

Thị trường gặp khó, mục tiêu bây giờ không là lợi nhuận mà phải tạo đầu việc để duy trì bộ máy của doanh nghiệp, cứ cái gì có tiền mà không phạm pháp là làm thôi.

Ông NGUYỄN VĂN MẪN (chủ thầu tại TP.HCM)

Chạy xe ôm, bán cá viên chiên dạo

Nhưng chỉ sau tháng 8, chủ đầu tư thiếu vốn, việc làm "bữa đực bữa cái". Rồi mưa nhiều hơn nắng, giá vật liệu tăng buộc chủ thầu phải cắt giảm các khoản phụ cấp.

"Ông thầu cũng tội, tôi theo ổng tới nay gần 10 năm. Không có công trình, bất đắc dĩ ổng mới cho anh em giải tán, hẹn có việc sẽ alô, nhưng chắc còn lâu" - anh Thái kể.

Buộc phải nghỉ ngang nghề phụ hồ cả chục năm khiến Thái không khỏi chới với. Đã quen vận động tay chân, anh cũng chạy ngược xuôi lân la ở các công trình xây dựng xin chân phụ hồ nhưng bất thành.

Không thu nhập nhưng còn vợ và hai con ở quê, anh đành chuyển qua chạy xe ôm công nghệ. "Phụ hồ cực đó nhưng cứ thứ bảy lãnh lương mà vui, giờ chuyển qua chạy xe như "chờ thời", mỗi ngày trừ chiết khấu 30%, xăng xe, cơm nước nữa, chẳng đủ nuôi vợ con" - anh Thái rầu rĩ.

Tương tự, vợ chồng phụ hồ Tuyền và Thi (cùng 34 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng buộc phải gia nhập "nghiệp đoàn cá viên chiên".

Lúc đầu, nhờ một vài bạn trọ sống bằng nghề bán cá viên chiên dạo khắp TP.HCM "binh đường", vợ chồng Tuyến làm quen với nghề mới. Sau hai tuần được cho theo học việc, anh chị tách ra, chọn hai điểm bán tại hai trường THPT ở quận Tân Phú làm chốn khởi sự.

Đã quá quen với cuốc xẻng, bay bê nên khi bắt đầu công việc nấu nướng chiên xào, anh Tuyền khá trầy trật.

Suốt nửa tháng đầu tách riêng, không ngày nào anh Tuyền chiên cá viên mà không bị cháy. Vất vả lắm nhưng vợ chồng dặn nhau có nhiêu ăn nhiêu, tự mình làm chủ chứ không phải phụ thuộc vào ai.

Đổi mình để sống sót

Gần 20 năm trong nghề, chủ thầu Nguyễn Văn Mẫn (quận Tân Phú, TP.HCM) nói không phải không có cách lách qua những khó khăn đang gặp nhưng để "nuôi" nhóm thợ hơn 50 người ở giai đoạn này đúng là quá áp lực. Vừa chạy đôn chạy đáo tìm công trình, anh nói nhóm thợ cũng phải tự tính cho mình những công việc khác.

Hồi đó, anh Mẫn chỉ nhận những công trình trên chục tỉ, nhưng ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của anh sẵn sàng nhận thầu bất kỳ dự án nào, cả công trình nhà ở hộ gia đình, hàng quán.

Trước chỉ tập trung vào xây dựng, còn giờ thầu luôn mấy dịch vụ lau kính, sơn nước, vệ sinh... mà đó giờ chưa từng làm.

Cũng vậy, suốt 15 năm cầm bay, anh Văn Phong chưa từng nghĩ có ngày mình làm việc gì khác. Khi đó anh chỉ làm xây dựng phần thô, nhưng nay khó kiếm việc thì khác.

Được nhà thầu gọi về một công trình xây dựng nhà ở kèm quán cà phê trên đường CN 11 (quận Tân Phú), anh Phong nhận luôn xây thô kiêm hoàn thiện, sơn trét, thậm chí cả đi hệ thống điện nước, nội ngoại thất cũng "chơi luôn".

May là dù công trình ít đi nhưng bù lại phần việc nhiều lên nên anh Phong cùng nhóm thợ tạm an tâm vì chưa phải thất nghiệp.

Có vài thứ chưa quen nên ban đầu tiến độ có chậm, cái gì chưa biết cứ làm đến đâu học đến đó. Công thợ xây lành nghề như Phong khoảng 550.000 đồng/ngày, còn các phần việc khác ở công trình chỉ từ 370.000 - 450.000 đồng/ngày.

Trừ chủ nhật, những hôm trái gió trở trời phải nghỉ, khoản lương mỗi tháng mà anh em trong nhóm nhận được tạm đủ để trang trải.

"Lương thấp nhưng có việc là may, chứ xong chỗ này chưa chắc gì có công trình mới. Với ông thầu cũng thương, bày cách để anh em có việc, chứ như người khác chắc cũng cho nghỉ để toán khác làm quen sẽ nhanh và hiệu quả hơn" - anh Phong nói.

Xoay trở sống qua ngày

Không trực tiếp tham gia chuỗi công việc ngành xây dựng song sống bằng việc mót sắt vụn từ xà bần, bê tông thải ra của các công trình xây dựng, ông Tư Minh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng không tránh khỏi khó khăn.

Từ trước Tết đến nay, ông Tư Minh gần như thất nghiệp khi mọi điểm tập kết xà bần, bê tông của TP đều vắng hoe, không có xe vào ra như trước. Nếu có công trình, có bê tông, các thầu cũng thuê luôn "thợ trẻ" đập, lượm sạch trước khi mang đi đổ.

"Thiếu việc nên các ông thầu giờ cũng chắt bóp lắm, thuê công nhân, mấy cậu phụ hồ đập mót một ngày chỉ trả chừng 350.000 đồng nhưng cũng kiếm được cả tạ sắt, cũng ngon ăn rồi" - ông Tư Minh nói.

Để xoay xở, có tiền trả nhà trọ hằng tháng, ông đành đầu tư bộ cần câu, sáng chiều bám liền với bờ sông Sài Gòn đoạn qua đảo Kim Cương (TP Thủ Đức) câu cá rồi đem bán lại cho các tiểu thương ở chợ.

Ngày nào vắng tàu qua lại, mặt sông lặng và thêm chút may mắn, ông cũng câu được trên dưới 3kg cá trê (giá bán chừng 25.000 - 30.000 đồng/kg).

"Mà cũng hên xui lắm, có hôm không câu được con nào, có hôm vừa thả xuống dính ngay bà cá tận 3kg nhưng cũng chỉ bán rẻ lại có 50.000 đồng vì to quá người ta cũng hổng ham" - ông Tư Minh cười.

Người xây dựng lao đao: Thất nghiệp, giấu luôn bằng... kỹ sưNgười xây dựng lao đao: Thất nghiệp, giấu luôn bằng... kỹ sư

Bất động sản "đứng hình" kéo theo nhiều thứ liên quan cũng chật vật. Và một lực lượng không ít lao động ngành xây dựng bỗng dưng mất việc, không chỉ cánh thợ hồ mà có cả những kỹ sư xây dựng bằng cấp hẳn hoi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên