17/12/2023 16:40 GMT+7

Người trẻ sinh ra ở vạch đích chưa chắc đã sung sướng

Nhiều người thường cho rằng những người trẻ sinh ra ở vạch đích, có cuộc sống an nhàn, thành công sẽ không gặp những vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, những con số đã cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.

Thế hệ Z đã bước vào tuổi trưởng thành ở thời điểm mọi thứ đều bấp bênh - Ảnh: Harvard Health

Thế hệ Z đã bước vào tuổi trưởng thành ở thời điểm mọi thứ đều bấp bênh - Ảnh: Harvard Health

Theo CNBC, những người trẻ thế hệ Z, hiện ở độ tuổi từ 11 đến 26, đã bước vào tuổi trưởng thành ở thời điểm mọi thứ đều bấp bênh. Đại dịch COVID-19 đã cô lập và làm gián đoạn việc học tập. Nhiều cuộc chiến tranh nổ ra ở các quốc gia. Kinh tế bất ổn.

Người trẻ đang chịu quá nhiều sức ép

Trong hai thập kỷ qua, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy tỉ lệ người trẻ tự tử đã tăng 62% từ 2007 đến 2021. Năm 2022, tỉ lệ tự tử ở Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 1941.

Với mức học phí và chi phí sinh hoạt tăng vọt, người trẻ thuộc mọi tầng lớp xã hội và kinh tế cảm thấy áp lực hơn để thành công về mặt tài chính hoặc nghề nghiệp, kém lạc quan hơn khi nghĩ về việc có thể thành công hơn cha mẹ mình.

Michele Berk, trợ lý giáo sư về tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Stanford, cho biết: "Những đứa trẻ giàu hay ít giàu đều có những yếu tố gây căng thẳng nhất định. Khi những yếu tố đó tương tác với một số điểm dễ bị tổn thương, đó là lúc ý tưởng tự tử sẽ bắt đầu xuất hiện".

Về lý thuyết, thanh thiếu niên hoặc thanh niên lớn lên ở các khu vực có thu nhập cao hoặc đang theo đuổi giáo dục đại học có nhiều nguồn lực hơn và ít căng thẳng hơn so với những người cùng trang lứa có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, thực tế không như vậy.

Mọi người sẽ nghĩ những đứa trẻ giàu có có mọi lợi thế trong cuộc sống. Thật không may, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng và tự tử là những thứ có thể bắt đầu từ bên trong và không phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở cuộc sống của một người.
Michele Berk, trợ lý giáo sư về tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Stanford

Tại Palo Alto, California, nơi thu nhập trung bình của một hộ gia đình là 200.000 USD, tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên cao gấp 4 lần so với toàn quốc, theo báo cáo năm 2016 của CDC.

Đặc biệt, các trường đại học thuộc dạng tốp đầu là nơi tự tử xảy ra phổ biến. Năm 2017, năm sinh viên Đại học Columbia đã chết do tự tử trong học kỳ đầu tiên. Theo dữ liệu của CDC, trong năm 2014 và 2015, tỉ lệ tự tử tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã vượt qua mức trung bình toàn quốc, tức khoảng 13 ca tử vong mỗi năm. Đại học Columbia và MIT đều không trả lời khi được yêu cầu bình luận.

Mạng xã hội và những kỳ vọng từ cha mẹ

Có một vài yếu tố góp phần quan trọng cho tình trạng tự tử xảy ra ngày càng nhiều. Các phương tiện truyền thông xã hội khiến sự so sánh giữa người trẻ cao hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc bắt nạt qua mạng.

Người trẻ đang chịu quá nhiều sức ép từ gia đình và xã hội - Ảnh: Education Week

Người trẻ đang chịu quá nhiều sức ép từ gia đình và xã hội - Ảnh: Education Week

Carl Fleischer, giám đốc y tế của Trung tâm nghiên cứu trẻ em Boston-Los Angeles, đồng thời là bác sĩ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, nhận định phương tiện truyền thông xã hội là một thách thức rất lớn mà những người sinh ra trong thập niên 80 hoặc 90 không phải đối mặt. 

Khi trở thành cha mẹ, họ gặp khó khăn để hỗ trợ con cái vì bản thân thiếu những trải nghiệm.

Văn hóa thành tích cũng có thể trở nên độc hại. Trẻ em lớn lên ở những khu vực giàu có có vô số cơ hội, nhưng áp lực từ trường học và phụ huynh có thể khiến chúng hiểu rằng chỉ có một cách duy nhất để thành công.

"Có một dạng suy nghĩ cầu toàn cho rằng hoặc là có tất cả, hoặc không có gì cả. Đứng thứ hai là không đủ tốt. Làm người tốt thôi thì chưa đủ. Tuy nhiên, những vị trí thủ khoa, đứng đầu lại chỉ có thể dành cho một em", Fleischer nói.

Jennifer Breheny Wallace, tác giả cuốn sách Không bao giờ đủ: Khi văn hóa thành tích trở nên độc hại - và chúng ta có thể làm gì với nó, cho biết nhiều phụ huynh cho rằng con mình vào được trường đại học tốt sẽ giống như chiếc phao cứu sinh trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, có những sự lựa chọn không phù hợp với sự phát triển và thiên hướng của người trẻ.

Ngay từ khi còn bé, nhiều người trẻ đã được dạy rằng bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng sẽ dẫn đến thảm họa và phải lặp lại thành công của cha mẹ, một hiện tượng mà Wallace gọi là "hiệu ứng encore". Nhưng những thách thức mà thanh niên trong những năm 1970 hoặc 1980 phải đối mặt lại ít khắt khe hơn nhiều, Wallace nói.

Sự bất công nằm ở chỗ, nhiều bậc cha mẹ cũng không thể đáp ứng được những kỳ vọng mà họ dành cho con mình. Không nên bắt con chạy theo những tiêu chuẩn mà bản thân mình cũng không thể làm.
Jennifer Breheny Wallace
"Âm thầm giảm việc", ngắt kết nối ngoài giờ để bớt áp lực'Âm thầm giảm việc', ngắt kết nối ngoài giờ để bớt áp lực

TTO - Trào lưu 'âm thầm giảm việc' đang lan rộng ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam, với các hình thức như từ chối trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ, không tham gia hoạt động sau giờ hành chính, không tìm thấy nhiều niềm vui trong công việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên