11/01/2019 10:17 GMT+7

Người mở lối cho chuối sấy Hướng Hóa

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Nắng sớm vùng biên chiếu qua làn sương mờ phố núi dẫn lối về thôn An Tiêm, nơi chị Trần Thị Hoài Nhung (33 tuổi, ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng gia đình đang sinh sống.

Người mở lối cho chuối sấy Hướng Hóa - Ảnh 1.

Chính tay chị Nhung là người chọn lựa từng quả chuối để cho ra vị ngon đúng chuẩn - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Chị Nhung được xem là người mở lối cho chuối sấy của Hướng Hóa khi chuối là một trong những cây trồng chủ lực ở đây với 4.100ha, cho sản lượng trên 55.000 tấn/năm, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh miền Trung, miền Bắc và xuất đi Lào, Thái Lan... 

Mùa này, người dân nơi đây đã bắt đầu chăm kỹ hơn những buồng chuối để chuẩn bị cho vụ mùa Tết Nguyên đán sắp đến.

Đau đáu khi chuối mang cho bò ăn

"Công sức lao động mấy tháng trời để rồi phải mang những buồng chuối chín vàng ngọt, đầy chất dinh dưỡng đi cho bò ăn?". Đó là trăn trở của chị Nhung.

Điệp khúc "được giá mất mùa - được mùa mất giá" cứ ám ảnh người trồng chuối vùng này khi đến hạn thu hoạch là phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và thị trường nước ngoài.

Xưởng sản xuất chuối sấy chân không bắt đầu từ đó. Phần lớn của căn nhà được chị Nhung chọn làm nơi lắp đặt hệ thống máy móc. 

Từ khi xưởng ra đời, nhiều người dân tại thủ phủ chuối đã không còn nỗi lo về tháng ngày phải đổ chuối cho bò ăn hay bán với giá rẻ mạt cho thương lái. Họ tìm đến chị Nhung, gánh nặng về đầu ra của chuối chín đã giảm đi đáng kể.

Không nhớ nổi mình đã mua của người dân bao nhiêu tấn chuối chín và xuất thành phẩm bao nhiêu tấn chuối sấy. Nhưng vì là người đầu tiên thử nghiệm mô hình này nên hiện xưởng của chị Nhung chỉ đang thu mua có giới hạn trong xã Tân Thành và đáp ứng gần 2/3 nhu cầu thị trường. 

"Dần thấy được hiệu quả rồi. Hẹn một ngày nâng cấp, mở rộng hệ thống máy - xưởng để đáp ứng nhiều hơn" - chị Nhung cười khoe.

Hệ thống máy tại xưởng trong nhà chị Nhung luôn chạy hết công suất mới đủ để cung cấp cho thương lái ở các tỉnh, thành như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội hoặc đôi khi là Lào, Thái Lan do nhu cầu của nhiều Việt kiều đang sinh sống ở đây đặt. 

Thương lái đặt hàng quá nhiều, nhất là dịp gần tết khiến chị toát mồ hôi trong niềm vui khởi nghiệp từng là sự nghi ngại của dân làng.

Từ ngày có vợ chồng Nhung, dân trong xã không lo những buồng chuối chín nữa. Trước kia mất công đem đi đổ thì bây giờ mỗi tháng ít nhất cũng kiếm được 4 triệu đồng. Tui có tiền bán chuối, hắn bán chuối sấy cũng có tiền. Ai nấy đều vui

Ông HOÀNG NGỌC TỬU

Ai nấy đều vui

Đang trò chuyện thì ông Hoàng Ngọc Tửu (57 tuổi, ở thôn Cổ Thành, Tân Thành) chạy chiếc xe chở theo vài buồng chuối đến ngay giữa sân rồi nói vọng vào: "Hôm ni hơi ít một tí. Được 37kg nghe Nhung". Chị Nhung "dạ" rồi lấy sổ ra ghi lại.

"Từ ngày có vợ chồng Nhung, dân trong xã không lo những buồng chuối chín nữa. Trước kia mất công đem đi đổ thì bây giờ mỗi tháng ít nhất cũng kiếm được 4 triệu đồng. Tui có tiền bán chuối, hắn bán chuối sấy cũng có tiền. Ai nấy đều vui" - ông Tửu chia sẻ.

Đến nay, mỗi ngày xưởng chuối sấy của chị Nhung cần mua khoảng 700kg đến 1 tấn chuối chín để cho ra hơn 70kg chuối chiên sấy xuất ra thị trường. 

Chuối sấy thành phẩm có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg (tùy loại và thời điểm). Theo nhiều thương lái, mức giá trên có cao hơn so với nguồn hàng nhập khác nhưng vì biết rõ chất lượng sản phẩm nên họ sẵn sàng mua hàng của chị Nhung để bán lại.

Nhưng để có được kết quả ban đầu đó, mọi việc không phải hoàn toàn trơn tru. Hàng tấn chuối sắp thành phẩm từng phải bỏ đi khi chị Nhung chưa tìm ra công thức, nguyên lý tốt nhất. 

Đó còn là chuỗi ngày mà nói như chị Nhung là "mất ăn mất ngủ" vì liều mình cầm cố hết gia sản trong nhà cho ngân hàng và vay thêm một số tiền khá lớn từ các nguồn khác để chơi ván bài mà chẳng ai chơi.

Bước đầu sản phẩm chuối sấy chân không của chị Nhung đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Sẵn sàng "rút ruột" chia sẻ

Ông Lê Bá Lâm (46 tuổi) - chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành - cho biết trong các cuộc tập huấn làm kinh tế giỏi ở xã, chị Nhung luôn là người tiên phong, sẵn sàng "rút ruột" chia sẻ hết kinh nghiệm cho mọi người.

"Cô ấy luôn đi đầu trong việc khuyến khích hội viên địa phương học tập, mạnh dạn đầu tư những mô hình làm ăn mới, thiết thực. Nhất là ai muốn học về mô hình chuối sấy hiện tại thì bày chỉ không ngần ngại" - ông Lâm nói.

Ngoài chi phí nhân công, nguồn nguyên liệu, ban đầu mô hình này đem lại lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng mỗi năm. Để đáp ứng nhiều hơn nữa sản lượng chuối chín của người dân trong vùng và mặt hàng chuối sấy cho thương lái, chị Nhung dự định vay thêm vốn để đầu tư, nâng cấp máy móc, phát triển kinh doanh.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên