20/03/2024 15:42 GMT+7

Người đàn ông có duy nhất một quả thận vui mừng khi được cắt bướu, giữ thận

Ông B. bẩm sinh chỉ có một quả thận nhưng lại có bướu thận phát triển trên thận độc nhất. Ông vừa được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân điều trị bằng phương pháp cắt bướu, bảo tồn quả thận này.

Bác sĩ thăm khám, dặn dò bệnh nhân có duy nhất một quả thận trước khi xuất viện - Ảnh: BVCC

Bác sĩ thăm khám, dặn dò bệnh nhân có duy nhất một quả thận trước khi xuất viện - Ảnh: BVCC

Ngày 20-3, theo thông tin từ Bệnh viện Bình Dân, bệnh viện này vừa cắt bướu, bảo tồn thận cho ông B.X.B., 51 tuổi, ngụ ở Bến Tre. 3 năm trước, ông B. tình cờ được phát hiện chỉ có một quả thận trong một lần đi khám bệnh. Ông thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, tiểu ít, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Cắt bướu, giữ thận cho người bệnh có duy nhất một quả thận

Cũng trong lần khám này, ông được bác sĩ chẩn đoán bị suy thận mạn giai đoạn 5 và phải lọc máu định kỳ. Gần đây, khi đi khám, quả thận duy nhất của ông lại có bướu phát triển dạng ung thư tế bào thận.

Khi nghe tin dữ này, ông B. kể ông "không còn thiết sống nữa". Ông sợ phải bị cắt thận hoặc sống với khối bướu ngày càng lớn lên.

Được sự động viên của gia đình, ông B. đến Bệnh viện Bình Dân để điều trị. Qua siêu âm các bác sĩ xác định ông có bướu ở 1/3 giữa mặt trước thận độc nhất, kích thước khoảng 20mm x 20mm.

Các bác sĩ ghi nhận mặc dù chức năng thận đã suy giảm và cần lọc máu định kỳ nhưng ông B. vẫn đi tiểu được khoảng hơn 1.000ml mỗi ngày. 

Nhờ thận bài tiết được nước tiểu đã giúp đào thải các chất điện giải, duy trì sự cân bằng nội môi, hỗ trợ điều hòa tim mạch, duy trì huyết áp bình thường cho người bệnh.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt bướu bảo tồn phần thận lành còn lại cho người bệnh.

TS.BS Phạm Phú Phát, trưởng khoa niệu A Bệnh viện Bình Dân, cho biết cắt thận toàn phần là lựa chọn dễ dàng hơn cho bác sĩ, nhưng kết quả có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.

Khi mất đi thận độc nhất, người bệnh không còn giữ được khả năng lọc máu và chức năng bài tiết nước tiểu. Từ đó, người bệnh dễ rối loạn điện giải, mất cân bằng nội môi, dễ rối loạn tim mạch, huyết áp… Ngoài ra, người bệnh dễ bị phù, ăn uống cần tiết chế rất kỹ và khó phát hiện bất thường sức khỏe hơn do không quan sát được nước tiểu.

Về mặt tâm lý, người bệnh dễ rơi vào hụt hẫng và rối loạn sinh hoạt vì mất đi cảm giác và thói quen đi tiểu. Khi cắt bỏ thận, cơ hội để người bệnh có thể được ghép thận về sau cũng hẹp hơn. Đó là lý do bệnh viện đã thực hiện cắt trọn bướu, tránh nguy cơ bướu xâm lấn và bảo tồn thận lành cho ông B..

Ca phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt bướu thận, bảo tồn thận của người bệnh B. đã diễn ra trong khoảng 2 giờ 30 phút. Sau phẫu thuật, ông B. hồi phục khá nhanh.

Các bác sĩ cho biết thận độc nhất là tình trạng người sinh ra chỉ có một bên thận, hoặc đã cắt bỏ một thận hoặc đã hiến thận.

Tỉ lệ người có thận độc nhất khoảng 1/1.000 và thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. Thận độc nhất vẫn hoạt động tăng cường và thực hiện 75% chức năng so với có hai thận.

Những tiến bộ mới trong làm chậm  tiến triển bệnh thận mạnNhững tiến bộ mới trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức chương trình sinh hoạt cộng đồng người bệnh với chủ đề “Những tiến bộ mới trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn” tại Hội trường 3A của Bệnh viện. Chương trình nhằm hưởng ứng ngày Thận học thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên