24/10/2017 08:09 GMT+7

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng bỏ hoang

NGUYỄN TRIỀU - TIẾN TRÌNH
NGUYỄN TRIỀU - TIẾN TRÌNH

TTO - Một cơ sở đào tạo đại học 5 tầng lầu mọc lên giữa đồng lúa và suốt nhiều năm qua không có bóng dáng sinh viên. Người dân xung quanh không khỏi tiếc rẻ, xót xa cho một ngôi trường được đầu tư không đúng chỗ.

Đó là Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (thuộc Bộ Công thương), cơ sở tại xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ngôi trường này được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 15ha, nằm cặp quốc lộ 54, gồm ba dãy nhà hình chữ U với tổng cộng hơn 40 phòng. Xung quanh tứ phía không có một cơ sở phụ trợ nào, thậm chí không có hàng rào, chỉ có cây cỏ và đồng ruộng xanh rì.

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng bỏ hoang - Ảnh 1.

Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tại Trà Vinh, nhìn từ Quốc lộ 54. Ảnh: N.Triều

Xuống cấp nghiêm trọng

Khi ghé thăm chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng về mức độ "trống vắng" và xuống cấp của ngôi trường này. Con đường từ cổng chào ngoài quốc lộ dẫn vào trường mọc đầy cỏ. Và người dân địa phương làm ruộng quanh đó ghé vào tránh nắng. Trên khoảng sân có mấy chú bò nhẩn nha gặm cỏ.

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng bỏ hoang - Ảnh 2.

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng trong tình trạng bỏ hoang. Ảnh: N.Triều

Đi sâu vào bên trong sảnh chính của ngôi trường, chúng tôi gặp ông bảo vệ đang nằm trên ghế bố xem tivi. Ông cho biết mình là một trong hai nhân viên bảo vệ được cắt cử trông coi tài sản tại đây từ 5 năm qua. 

Theo ông, từ khi trường được xây dựng xong giai đoạn 1, năm đầu tiên chỉ tuyển sinh được một lớp gần 40 sinh viên, học chỉ một năm rồi ngưng luôn cho đến nay. 

"Trường không hoạt động nên suốt ngày vắng tanh, tài sản thì cũng chẳng có gì. Hai người trực và ăn ở luôn tại đây, thỉnh thoảng có việc cần thì thay nhau ra ngoài" – ông bảo vệ nói.

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng bỏ hoang - Ảnh 3.

Các cửa phòng khóa kín, gỉ sét. Ảnh: N.Triều

Do nhiều năm không hoạt động nên hiện cơ sở vật chất ở đây đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều cửa kính bị vỡ nham nhở, các bậc thềm, hành lang, bao lơn… rêu phủ kín. Ổ khóa của các phòng học, phòng chức năng đề gỉ sét, bên trong bàn ghế nghiêng ngả, tường vôi bong tróc, thấm nước loang lổ. Các máy tính được dồn lại một phòng, phủ vải nhưng bụi bám đầy vì lâu ngày không được lau chùi, quét dọn. 

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng bỏ hoang - Ảnh 4.

Cảnh nhếch nhác tại ngôi trường. Ảnh: N.Triều

Có phòng được bảo vệ trưng dụng làm phòng ngủ và sinh hoạt trong đó, đồ đạc vương vãi khắp nơi. Có phòng được trưng dụng làm nhà kho, bên trong các thiết bị bằng kim loại thì đã hoen gỉ như vật phế liệu.

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng bỏ hoang - Ảnh 5.

Nhiều thiết bị bên trong lâu ngày không sử dụng đã hoen gỉ nghiêm trọng. Ảnh: N.Triều

Ông bảo vệ cho hay do không hoạt động nên lãnh đạo trường ở TP.HCM cũng ít khi đặt chân đến đây, chỉ mỗi năm 1-2 lần nếu có xuống làm việc với UBND tỉnh thì mới ghé qua một lát rồi về.

 Không tuyển được sinh viên!

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, năm 2003, khu vực xây dựng trường vốn là đất nông nghiệp được quy hoạch làm nhà máy gạch tuynel với quy mô lên đến 32ha. 

Do giá bồi thường lúc đó quá thấp, chỉ 20.000 đồng/m2 nên 67 hộ dân có đất bị giải tỏa không đồng ý và phát sinh khiếu nại, đề nghị bồi thường theo giá thị trường (hơn 30.000 đồng/m2). 

Tuy nhiên, chẳng những yêu cầu của người dân không được chấp nhận mà giá bồi thường còn bị hạ xuống… 12.000 đồng/m2 nên nhiều hộ tiếp tục khiếu nại. Chủ đầu tư dự án nhà máy gạch tuynel cũng lẳng lặng rút lui.

Năm 2006, UBND tỉnh Trà Vinh đồng ý để Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đầu tư Trung tâm đào tạo tại đây, cũng trên khu đất 32 ha đã quy hoạch làm nhà máy gạch tuynel. 

Ông Thái Doãn Thanh, trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết dự án đầu tư ban đầu được chia làm hai giai đoạn. 

Giai đoạn 1 của dự án gồm 3 block nhà liền kề cao 5 tầng, trong đó dự kiến 1 bock dùng làm nhà học lý thuyết, 1 block là nơi làm việc của Trung tâm đào tạo và block còn lại làm ký túc xá sinh viên. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là 45,56 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 20 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của trường.

Ngôi trường hàng chục tỉ đồng bỏ hoang - Ảnh 6.

Ngôi trường chỉ tuyển sinh được một lớp, học một thời gian rồi bỏ hoang. Ảnh: N.Triều

Theo ông Thái Doãn Thanh, mục tiêu ban đầu khi xây dựng trung tâm là nhằm đào tạo nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc Khmer, cung cấp nguồn nhân lực cho khu kinh tế Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) và Tây Nam bộ. 

Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên (2013) trung tâm chỉ tuyển được vài chục sinh viên, chỉ học được một năm rồi ngưng hoạt động cho đến nay. 

"Do số sinh viên tuyển sinh tại địa phương và khu vực Tây Nam bộ ít, các em không có nhu cầu học ở đây mà muốn học ở TP.HCM" – ông Thanh giải thích.

Về "tương lai" của ngôi trường này, ông Thái Doãn Thanh cho biết ngày 4-8-2015 Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Công thương tạm dừng đầu tư tiếp giai đoạn 2 để tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở hiện hữu tại TP.HCM và lập phương án phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh để bàn giao cho tỉnh sử dụng vào mục đích giáo dục. 

Tuy nhiên, đến nay giữa nhà trường và UBND tỉnh Trà Vinh vẫn còn đang bàn thảo, chưa đi đến quyết định cuối cùng.

Ông Lư Phước Hiệp - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Trà Vinh – xác nhận phía Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã làm việc với tỉnh về việc chấm dứt đầu tư trung tâm đào tạo tại huyện Châu Thành. Hiện tỉnh đang xem xét phương án tiếp nhận lại quỹ đất và cơ sở vật chất để bố trí cho nhu cầu giáo dục tại địa phương.

Trà Vinh chưa giải quyết dứt điểm khiếu nại của dân

Ông Nguyễn Văn Sách, nhà ở cạnh trung tâm đào tạo của Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tại Trà Vinh, cho biết gia đình ông có 12.600m2 nằm giữa khu quy hoạch, chưa nhận bồi thường và khiếu nại cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo ông Sách, cho đến thời điểm chính quyền địa phương bàn giao đất để xây dựng trường, còn 6/67 hộ không đồng ý giá bồi thường nên chưa chịu nhận đền bù, trong đó có gia đình ông. 

"Tôi hỏi vì sao không bồi thường cho dân sát giá thị trường mà lại bồi thường theo đơn giá do tỉnh ban hành từ năm 1998 thì lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh không ai trả lời thỏa đáng. Khiếu nại riết thì huyện đề nghị tôi nhận đền bù 2.000m2 theo giá thời điểm chi trả bồi thường, diện tích còn lại sẽ đổi cho tôi mảnh đất khác. Tôi cũng đồng ý và đề nghị được đổi miếng đất bên ngoài, cạnh khu quy hoạch thì họ lại không chịu"- ông Sách kể.

NGUYỄN TRIỀU - TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên