23/03/2024 15:15 GMT+7

Nghệ sĩ xiếc Lô Thị Ngọc Thúy: Hào quang đến từ khổ luyện

Suốt 20 năm miệt mài khổ luyện thành tài, cô bé người Nùng ngày nào nay đã trở thành nghệ sĩ xiếc tài năng đứng trên sân khấu.

Suốt 20 năm miệt mài khổ luyện, Lô Thị Ngọc Thúy - cô bé người Nùng ngày nào - nay đã trở thành nghệ sĩ tài năng đứng trên sân khấu - Ảnh: DANH KHANG

Suốt 20 năm miệt mài khổ luyện, Lô Thị Ngọc Thúy - cô bé người Nùng ngày nào - nay đã trở thành nghệ sĩ tài năng đứng trên sân khấu - Ảnh: DANH KHANG

Nghệ sĩ xiếc Lô Thị Ngọc Thúy (31 tuổi, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) hiếm có phút giây nào ngơi nghỉ với bài luyện tập đu dây trên không, bởi để có được giây phút tỏa sáng trên sân khấu là cả hành trình khổ luyện không ngừng, thậm chí đổ mồ hôi và nước mắt mới nhận lại ánh hào quang.

11 tuổi bén duyên với nghệ thuật xiếc, để có được những giây phút tỏa sáng trên sân khấu là cả chuỗi ngày khổ luyện đầy mồ hôi và nước mắt. Suốt 20 năm miệt mài khổ luyện thành tài, cô bé người Nùng ngày nào nay đã trở thành nghệ sĩ xiếc tài năng đứng trên sân khấu.

"Con có muốn đi học thử không?"

"Mỗi đứa trẻ phải học cách tự lập, lớn lên" - Ảnh: DANH KHANG

"Mỗi đứa trẻ phải học cách tự lập, lớn lên" - Ảnh: DANH KHANG

20 năm trước, cầm trên tay giấy mời vào lớp học xiếc, Thúy mừng rỡ chạy về nhà khoe với cha mẹ. "Con có muốn đi học thử không?" - câu hỏi đầu tiên của cha mẹ khắc ghi mãi trong lòng, cô gật đầu quả quyết. Năm ấy từ TP Lạng Sơn, cô bé dân tộc Nùng được cha đưa xuống Hà Nội học thử tại lớp học xiếc.

Kết thúc hai tháng học hè, thầy cô nhận xét Lô Thị Ngọc Thúy có năng khiếu, đủ điều kiện tiêu chuẩn để theo đuổi môn nghệ thuật này. Lúc bấy giờ, cha mẹ lại hỏi Thúy một lần nữa: "Con có muốn đi học thử không?". Từ tò mò đến hào hứng, cô bé Thúy bén duyên với xiếc kể từ ngày đó.

11 tuổi, Thúy rời Lạng Sơn xuống Hà Nội để theo đuổi đam mê trở thành nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp. Đều đặn vào mỗi buổi sáng, Thúy bước vào tập luyện, đến chiều theo học văn hóa như bao bạn bè đồng trang lứa.

Từ cái nôi đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp, thầy cô không chỉ dạy chuyên môn mà còn tận tình chỉ bảo, chăm lo cho các bạn nhỏ như con cái mình, hướng dẫn từ sinh hoạt cá nhân đến dạy kỹ năng sống.

Thúy nhớ lại ở khu ký túc xá, mỗi lần nhớ gia đình là những đứa trẻ theo nghiệp diễn xiếc cùng tụm năm tụm ba vào khóc tu tu. Ai có điều kiện hơn sẽ đến bốt điện thoại công cộng gọi điện về nhà hoặc dành thời gian viết thư gửi về cho cha mẹ.

"Quãng thời gian đó mỗi đứa trẻ phải học cách tự lập, tự lớn lên, vừa học vừa theo đuổi nghề xiếc. Điều may mắn nhất là dù rời xa gia đình nhưng chúng tôi luôn được sống trong một môi trường đầy tình yêu thương từ thầy cô, bè bạn" - Thúy bộc bạch.

Sau 5 năm khổ luyện ở trường xiếc, vào năm 2009 Thúy tốt nghiệp ra trường và bắt đầu chặng đường mới ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhưng con đường đến với nghệ thuật xiếc chẳng dễ dàng.

Phải đến 2 năm sau, cô mới chính thức được biểu diễn trên sân khấu. Tiết mục đầu tiên của Thúy là "Nhào lộn trên sào" được coi là tiết mục khó nhất trong bộ môn xiếc vì đòi hỏi nhiều kỹ năng và nhạy bén cả cơ thể lẫn tâm trí.

Nhờ bền bỉ khổ luyện, với tiết mục "Nhào lộn trên sào", Lô Thị Ngọc Thúy đã xuất sắc đoạt hai tấm huy chương vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế vào năm 2019 diễn ra tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Là nữ nghệ sĩ trẻ, trách nhiệm của tôi là sẽ truyền lại lửa nghề cho lớp kế cận để tiếp tục đưa nghệ thuật xiếc Việt Nam phát triển và ngày một vươn xa hơn trên trường quốc tế.
Nữ nghệ sĩ xiếc LÔ THỊ NGỌC THÚY

Mồ hôi, nước mắt đổi ánh hào quang

Để có kỹ thuật thuần thục, điêu luyện đòi hỏi khổ luyện không ngơi nghỉ - Ảnh: DANH KHANG

Để có kỹ thuật thuần thục, điêu luyện đòi hỏi khổ luyện không ngơi nghỉ - Ảnh: DANH KHANG

Gương mặt xinh đẹp, vóc dáng thon gọn, nữ nghệ sĩ xiếc Lô Thị Ngọc Thúy gây ấn tượng với ngoại hình sáng sân khấu. Nhìn dáng người nhỏ bé, nhưng để thực hiện được các tiết mục khó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có thể lực tốt và sức khỏe đảm bảo.

Từ sân khấu đầu tiên đến sân khấu chuyên nghiệp đều đòi hỏi sự khổ luyện không phút ngơi nghỉ để đạt được kỹ thuật thuần thục, điêu luyện hơn. Thúy chia sẻ tùy từng tiết mục mà người nghệ sĩ dành thời gian để khổ luyện, thông thường để tập luyện một tiết mục phải mất khoảng 6 tháng nhưng cũng phụ thuộc vào sự linh hoạt, nhạy bén của người nghệ sĩ.

Trong quá trình tập luyện, tiêu chí quan trọng nhất là đảm bảo an toàn. Do đó nữ nghệ sĩ luôn đặt ra nguyên tắc cho bản thân là phải khởi động kỹ lưỡng trước khi bắt đầu bài tập. Đặc biệt trong từng động tác phải hết sức tập trung, không để sơ sẩy, lơ là vì như thế sẽ rất nguy hiểm.

Xòe đôi bàn tay với đầy những vết chai cứng, cô kể không ít người đã gặp chấn thương khi tập luyện, nên những vết chai cứng, vết sẹo nhỏ hay sái cổ tay, cổ chân thì không đáng kể. Do đó trước mỗi buổi tập, đôi tay của Thúy luôn được quấn băng kỹ càng để lúc tập động tác nắm tay với bạn diễn tránh trơn trượt, bị tuột tay.

Cẩn thận là thế nhưng quá trình luyện tập, biểu diễn cũng không tránh khỏi những sự cố bất ngờ xảy đến.

Cô nhớ vào năm 2021 trong lần đi biểu diễn tại Biên Hòa (Đồng Nai), lúc đang tập luyện thì chẳng may bị tuột tay. Bị ngã đập lưng xuống ở độ cao hơn 2m, cô bị thoát vị đĩa đệm 4 đốt sống lưng. Nhưng may mắn đúng thời điểm dịch COVID-19, Thúy có thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi vết thương, sau đó nỗ lực để tập luyện trở lại.

"Cho đến bây giờ sáng ngủ dậy hay trở trời cũng đau nhức lắm, nhưng khi cơ thể được vận động thì cơn đau xua đi nhanh chóng" - Thúy giãi bày. Hiện nay ngoài cường độ tập luyện ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nữ nghệ sĩ trẻ cũng duy trì tập thể lực, tập yoga để thân thể được dẻo dai, khỏe mạnh hơn.

Lựa chọn theo đuổi đam mê nghệ thuật xiếc, không chỉ được biểu diễn trên sân khấu, Thúy còn kể về những chuyến đi lưu diễn phục vụ bà con dân tộc.

Cô nghệ sĩ người Nùng đã đặt chân đến nhiều vùng miền của Tổ quốc - từ biên giới, hải đảo đến vùng sâu, vùng xa - để biểu diễn cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nơi biên cương. Cũng nhờ những chuyến đi đó đã mang đến niềm vui, nụ cười cho khán giả, ngược lại cũng tiếp thêm niềm tin và động lực để những nghệ sĩ trẻ quyết tâm bám trụ với nghề.

Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng

Hơn 20 năm trui rèn, thử lửa, cô bé dân tộc ngày nào nay đã trở thành nghệ sĩ xiếc thực thụ, biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ khác nhau.

Mới đây, Lô Thị Ngọc Thúy còn là một trong chín gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023. Nhìn lại hành trình theo đuổi đam mê, Thúy nói thầm cảm ơn bản thân đã luôn kiên trì và dũng cảm để vượt qua nhiều thử thách, giữ được lửa nghề cho đến tận hôm nay.

Nghệ sĩ Đỗ Văn Hùng - trưởng Đoàn xiếc Đương Đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng là người thầy của Thúy - nhận xét về hành trình của cô học trò từ ngày còn nhỏ tuổi đến nay đã trưởng thành vẫn luôn chịu khó, nghiêm túc trong hoạt động biểu diễn xiếc.

Với những bài tập luyện bổ trợ cho cơ thể, thông thường Thúy đều tập vượt mức được giao. Nhờ nghiêm túc tập luyện cộng với ngoại hình đẹp nên Thúy luôn tỏa sáng, thu hút ánh nhìn khi biểu diễn trên sân khấu.

Năm 2023, Lô Thị Ngọc Thúy đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Cô đạt thành tích chiến sĩ thi đua cơ sở 4 năm liền (từ 2019 - 2022), đoạt hai huy chương vàng Liên hoan xiếc quốc tế năm 2019 tại Hà Nội và Quảng Ninh và giải nhất cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc năm 2021.

Công bố 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023Công bố 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023

Tối 20-3, Trung ương Đoàn công bố 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và các gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên