21/01/2019 09:52 GMT+7

Ngày hội đầy ắp thông tin cho tương lai

TR.HUỲNH - T.HÂN - PH.NGUYỄN - H.HG.
TR.HUỲNH - T.HÂN - PH.NGUYỄN - H.HG.

TTO - Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 tại TP.HCM đã khép lại với rất nhiều thông tin bổ ích, thiết thực được gửi đến thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Ngày hội đầy ắp thông tin cho tương lai - Ảnh 1.

Đông đảo học sinh các trường THPT đến tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đặc biệt, việc chọn ngành nghề cho tương lai các em được các chuyên gia tư vấn cặn kẽ với lời khuyên: hãy cạnh tranh với chính bản thân mình chứ đừng cạnh tranh với người khác.

Thi và tuyển sinh 2019 không nhiều thay đổi

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - nhấn mạnh như vậy trong buổi tư vấn ở ngày hội.

"Nhìn chung năm nay các quy định thi và tuyển sinh hầu như không có gì khác biệt lớn. Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định kỳ thi và tuyển sinh sẽ được giữ ổn định cơ bản đến năm 2020, những thay đổi nhỏ qua các năm chỉ để khắc phục những bất cập nhỏ. Thí sinh hãy yên tâm" - TS Nguyễn Thị Kim Phụng nói.

Theo bà Phụng, tuần sau Bộ GD-ĐT sẽ công bố dự thảo sửa đổi quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2019 để lấy ý kiến các đối tượng liên quan. "Nếu thấy điều gì không thuận lợi cho mình, các em đừng ngần ngại gửi góp ý cho ban soạn thảo quy chế. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu mọi ý kiến góp ý để có quy chế tốt hơn", bà Phụng đề nghị.

Cũng theo bà Phụng, những dự kiến dự thảo quy chế thi THPT quốc gia liên quan đến học sinh có các nội dung đáng chú ý: thí sinh tự do, hoàn thành chương trình GDTX được xếp ngồi cùng với học sinh THPT. 

Năm nay, sau khi phúc khảo có thay đổi kết quả thi, hội đồng thi sẽ cấp thông báo kết quả mới căn cứ vào điểm phúc khảo và thu lại thông báo kết quả thi ban đầu. 

Học sinh GDTX có bằng trung cấp nghề hoặc chứng chỉ nghề nghiệp dự thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ được cộng điểm ưu tiên: xếp loại giỏi được cộng 2 điểm, khá cộng 1,5 điểm và trung bình cộng 1 điểm.

Về quy chế tuyển sinh ĐH, bà Phụng cho biết thí sinh đăng ký xét tuyển cùng đăng ký dự thi vẫn được đăng ký chọn ngành, chọn trường, chọn tổ hợp căn cứ theo đề án của các trường và quy chế chung, không hạn chế nguyện vọng.

Năm nay, thí sinh là quân nhân dự thi nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực sẽ hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn. 

Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển ngành nghề nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề (bác sĩ, dược sĩ...), Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng chất lượng đầu vào giống ngành sư phạm năm 2018. 

Trong đó, đối với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT tham khảo hội đồng tư vấn để xác định điểm sàn phù hợp; với hình thức xét tuyển theo học bạ, mức sàn được quy định ngay trong quy chế tuyển sinh.

"Hiện có một số thông tin thí sinh phải có học lực giỏi mới được đăng ký nhóm ngành khoa học sức khỏe là chưa chính xác. Học lực giỏi lớp 12 chỉ dùng để đăng ký xét tuyển theo học bạ, không đạt loại giỏi thì có thể đăng ký xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. 

Chỉ tiêu các trường xét theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhiều hơn so với chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ. Vì vậy, thí sinh không nên quá lo lắng" - bà Phụng nói.

Đề thi tương tự đề tham khảo

Ngày hội đầy ắp thông tin cho tương lai - Ảnh 2.

Học sinh chăm chú nghe tư vấn từ các thầy cô của các trường tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trả lời thắc mắc về việc xét tốt nghiệp THPT quốc gia với tỉ lệ 70% - 30% (70% phụ thuộc điểm thi tốt nghiệp THPT - 30% điểm quá trình tích lũy trong năm lớp 12) và lo lắng về đề thi khó, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết kỳ thi THPT quốc gia để đánh giá kết quả học phổ thông trên mặt bằng chung quốc gia. Vì vậy, Bộ GD-ĐT tiếp thu nhiều ý kiến của nhiều học sinh, phụ huynh, các trường, các sở... phải thay đổi tỉ lệ.

Đề thi sẽ tương tự như đề thi tham khảo, phục vụ mục đích chính là đánh giá chất lượng quá trình học tập THPT của học sinh, xét tốt nghiệp. Còn các trường sử dụng kết quả kỳ thi này hay các phương thức xét tuyển khác (đánh giá năng lực, học bạ...) là việc của các trường ĐH. 

"Tuy nhiên, kỳ thi vẫn đảm bảo công bằng và có tính phân loại để phản ánh đúng năng lực học sinh" - bà Phụng cho biết.

Trường nghề ngày càng hấp dẫn

Ngày hội đầy ắp thông tin cho tương lai - Ảnh 3.

Học sinh tìm hiểu về khoa kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Bách khoa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) - chia sẻ những thông tin đáng chú ý. 

Đó là, trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy phần lớn người lao động tại các nước phát triển đều qua đào tạo nghề và tại Việt Nam ngày nay hầu hết các công việc đều đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo nghề; việc làm trong tương lai cũng đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo nghề nhưng mức độ phức tạp cao hơn. 

Nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế (ILO, UNESCO, Diễn đàn kinh tế thế giới...) đã khuyến cáo các quốc gia cần tập trung đặc biệt vào phát triển kỹ năng, phát triển giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Hơn nữa, tháng 5-2018, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng với mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ CĐ. 

Chính phủ cũng đã và đang đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp với mạng lưới gần 1.000 trường CĐ, trung cấp, đầu tư hàng trăm trường nghề chất lượng cao và gần 300 ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Tổng kết năm học vừa qua, nhiều trường tuyển sinh gắn với tuyển dụng, nhiều trường nghề có trên 90% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng. 

"Vì vậy, học gì nên do chính các bạn lựa chọn, dựa trên đam mê, năng lực, điều kiện của bản thân và gia đình, dựa trên những thông tin đầu vào từ xã hội, nhà trường và nhà tư vấn" - ông Dũng khuyên.

Ngày hội đầy ắp thông tin cho tương lai - Ảnh 4.

TRẦN HUỲNH tổng hợp

Hãy cạnh tranh với chính bản thân mình

Tại khu vực tư vấn sức khỏe mùa thi, gỡ rối hướng nghiệp, tư vấn tâm lý... trong ngày hội, nhiều học sinh cho biết các em rất căng thẳng và áp lực khi nghĩ đến việc phải vượt qua kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chia sẻ: "Tôi khuyên các em nên nghĩ mọi việc nhẹ nhàng hơn. Người ta học giỏi tài cao, mình không giỏi thì mình làm từng bước một. Hãy cạnh tranh với chính bản thân mình chứ đừng cạnh tranh với người khác.

Điều quan trọng nhất là các em đừng ảo tưởng về mình, đừng nghĩ phải làm điều này điều kia thì ba mẹ mới vui. Nếu không học được bậc ĐH thì học CĐ, trung cấp - miễn là các em cảm thấy hạnh phúc. Bởi tôi tin rằng các bậc cha mẹ luôn mong con mình hạnh phúc".

"Đừng nghĩ học ĐH mới sáng giá mà quan trọng là giá trị hành nghề: các em học xong - ra trường có làm việc tốt hay không. Chứ bằng cấp cao mà không làm được việc thì vẫn thất nghiệp. Tôi cho rằng thời đại ngày nay các em cần có 5 điều thì ổn cả: có nghề nghiệp, có kỹ năng, có kỷ luật, có trình độ sử dụng CNTT và biết ngoại ngữ.

Vài năm nữa ngành dầu khí liệu còn đất sống?

Một học sinh băn khoăn cơ hội việc làm trong hiện tại và sau này của ngành dầu khí, và ngành này về sau "còn sống" không?

PGS.TS Bùi Hoài Thắng (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) tư vấn: Cách đây khoảng 3-4 năm, khi giá dầu đi xuống, tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi tương tự. Ở Việt Nam, có lẽ tầm 50 năm nữa thì dầu mới hết. "Đất sống" còn rất lớn. Ở Mỹ cũng tiêu thụ và dự trữ dầu rất nhiều, tại đây vẫn còn "cửa" cho ngành dầu khí dài dài, hơn 100 năm nữa.

Tuy nhiên, tốt nghiệp ngành dầu khí không chỉ có đi khai thác dầu. Ngành dầu khí còn khai thác khoáng sản, khảo sát - thi công - bảo trì nền móng, giàn khoan và các ngành về hóa dầu như kiểm nghiệm, pha chế hóa dầu nữa...

Giai đoạn 2 chương trình tư vấn tuyển sinh sau Tết Kỷ Hợi

Ngày hội tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hôm qua đã khép lại giai đoạn 1 Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 của báo Tuổi Trẻ. Trong giai đoạn 1, ngoài ngày hội ở TP.HCM, chương trình đã diễn ra ở Tây Ninh, Bình Dương, Huế, Đà Nẵng, Nghệ An và Thanh Hóa.

Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ ngày 23-2 với chương trình tư vấn tại Đắk Lắk và tiếp đó là ở Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang, Hải Phòng, Đồng Tháp, Kiên Giang, hai ngày hội ở Cần Thơ (10-3) và Hà Nội (17-3).

Các chương trình, ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh nhộn nhịp đến giờ chót Ngày hội tư vấn tuyển sinh nhộn nhịp đến giờ chót

TTO - Hơn 15h chiều 20-1, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn ghé đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 tại Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ngày hội đầy ắp thông tin cho tương lai - Ảnh 8.
TR.HUỲNH - T.HÂN - PH.NGUYỄN - H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên