06/05/2019 12:27 GMT+7

'Nếu con chọn nhầm đường thì sao?'

MAI THI
MAI THI

TTO - Để con tự chọn ngành nghề, cha mẹ lo lắng 'Nếu con chọn nhầm đường thì sao?' mà quên mất phải hỏi mình: Nếu ta chọn sai đường cho con thì sao?

Nếu con chọn nhầm đường thì sao? - Ảnh 1.

Học sinh ở TP.HCM đang nghe hướng dẫn cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Khi kỳ tuyển sinh đại học 2019 bắt đầu chuyển động với việc đăng ký hồ sơ xét tuyển, nhiều gia đình cũng "căng thẳng" chuyện chọn trường, chọn ngành cho con cái. 

Có những đích đến được "xét duyệt" nhanh chóng bởi sự đồng thuận cao của các thành viên nhưng cũng không ít "cuộc chiến" đã nổ ra khi con đam mê ngành nghề này nhưng bố mẹ lại hướng về ngành khác.

Cháu gái tôi đang thực sự đứng giữa ngã ba đường khi đam mê viết lách của cháu bị gạt sang một bên để lựa chọn một trong hai ngành: y dược hoặc kinh tế. 

Con bé vốn sớm bộc lộ năng khiếu văn chương với những thành tích nổi bật từ hồi tiểu học: trong cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh năm lớp 5, cháu đều xuất sắc đạt giải nhất.

Lên cấp hai và cấp ba, dù thành tích môn ngữ văn của cháu luôn nổi bật, gia đình không cho cháu tham gia các lớp bồi dưỡng năng khiếu và thi thố liên quan đến môn văn. 

Theo bố mẹ cháu, học môn xã hội sẽ ít có cơ hội chọn ngành thi đại học sau này, đồng nghĩa với việc cánh cửa tương lai hẹp hơn hẳn so với việc chọn các môn thi khác.

Ông nội cháu vốn là bác sĩ, trong khi bố mẹ cháu đều là người kinh doanh. Vậy nên cháu phải "nối nghiệp nhà", chỉ có thể khoác áo blouse hoặc theo đuổi đam mê làm giàu. Thế là ngay từ những năm cấp hai, cháu đã phải miệt mài rèn luyện các môn toán, lý, hóa, sinh theo "lộ trình" mà gia đình vẽ ra: học thêm giáo viên ở lớp, luyện thi ở trung tâm, thuê người kèm thêm ở nhà.

Hỏi cháu rằng lịch học dày đặc như thế có mệt không, bao giờ tôi cũng chỉ nhận được nụ cười gượng gạo. Hỏi cháu rằng đã thấy dần dà "yêu" mấy môn học có phần khô khan với những con số, phép tính, thí nghiệm ấy chưa, ánh mắt của cháu lại xa xăm.

Điểm số các môn tự nhiên của cháu ở trường khá cao, lẽ tất nhiên đó là kết quả của một quá trình mài giũa - học trường, học thêm, học kèm. Và kết quả môn văn năm nào cũng cao chót vót. Hạt mầm văn chương không cần tưới tắm nhiều vẫn đâm chồi tươi thắm qua từng trang viết như thế.

Năm nay cháu quyết định đeo đuổi đến cùng ước mơ, năng khiếu của mình. Vậy là không khí gia đình bỗng nhiên "đổi gió", hết tranh cãi lùm xùm lại là "chiến tranh lạnh" giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ cháu luôn gắt gỏng: "Nếu con chọn nhầm đường thì sao?".

"Nếu con chọn nhầm đường thì sao?". Tôi nghĩ dẫu con trẻ chọn nhầm đường thì… đã sao nhỉ!

Bọn trẻ mà chúng ta vẫn thường nghĩ là ăn chưa no, lo chưa tới ấy đã 18 tuổi, đủ nhận thức và thừa kỹ năng để biết mình muốn học ngành gì, yêu môn học nào và tương lai sẽ trở thành một con người như thế nào.

Các cháu chính là "kiến trúc sư" của cuộc đời mình. Hãy trao cho các cháu quyền "thiết kế" cuộc đời mình và chúng ta chỉ nhiệm vụ định hướng, đồng hành, hỗ trợ con trên con đường học hành, lập thân, lập nghiệp.

Mong muốn con cái thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống, đó là kỳ vọng chính đáng của bậc làm cha mẹ. Nhưng kỳ vọng đó xin đừng thêm thắt quá nhiều "gia vị" đắng chát của tham vọng để rồi "bẻ cong" ước mơ của con trẻ và làm chệch hướng năng lực của con trẻ.

Vậy nên trước khi chất vấn bọn trẻ "Nếu con chọn nhầm đường thì sao?", phải chăng cha mẹ nên tự hỏi chính mình: Nếu ta chọn sai đường cho con thì sao?

Cả lớp 38 em chỉ có 1 học sinh xét tuyển đại học Cả lớp 38 em chỉ có 1 học sinh xét tuyển đại học

TTO - Thay vì đổ xô đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như những năm trước, năm nay có tới hơn 41% học sinh lớp 12 ở Nghệ An chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Nhiều lớp học chỉ có một vài học sinh xét tuyển đại học.

MAI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên