07/04/2015 09:58 GMT+7

​Muốn con cao, cách nào?

THS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
THS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

TT - Ở nước ta nhiều bậc cha mẹ thường quan tâm việc phát triển cân nặng của con hơn chiều cao. Tuy nhiên sự phát triển chiều cao cũng quan trọng.

Chơi thể thao giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn - Ảnh: Thuận Thắng

Chiều cao tối ưu ở tuổi trưởng thành không chỉ liên quan đến tầm vóc mà còn liên quan đến sức khỏe, việc làm và thu nhập.

Nhiều nghiên cứu cho thấy người bị suy dinh dưỡng thấp còi (thiếu chiều cao so với tuổi) lúc nhỏ khi trưởng thành thường có sức chịu đựng về mặt thể lực thấp hơn; dễ mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân, béo bụng, tăng huyết áp, đái tháo đường và tim mạch hơn người có chiều cao trong giới hạn bình thường.

Nghiên cứu cũng cho thấy những người này có cơ hội việc làm ít hơn và có thu nhập thấp hơn. Phát triển chiều cao ở trẻ em không đồng đều ở các giai đoạn và khả năng và kết quả phục hồi chiều cao ở những trẻ thấp còi khác nhau ở mỗi giai đoạn.

1.000 ngày đầu đời - giai đoạn vàng

Giai đoạn này bao gồm từ lúc mang thai đến khi đứa trẻ được 2 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển chiều cao mạnh nhất của trẻ và cũng là giai đoạn vàng trong phục hồi chiều cao nếu trẻ bị thấp còi. Chiều cao của trẻ phải được quan tâm từ giai đoạn bào thai và thậm chí là trước giai đoạn bào thai.

Sau sinh, cha mẹ cần quan tâm theo dõi chiều cao thường xuyên cho trẻ trong giai đoạn trước 24 tháng tuổi qua bảng chiều cao chuẩn theo tuổi (xem bảng) và tìm kiếm hỗ trợ can thiệp sớm khi có vấn đề trong giai đoạn này.

Để giúp trẻ đạt sức khỏe và chiều cao tối ưu, người mẹ cần:

- Trước khi mang thai: tiêm phòng (cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu) ba tháng trước khi có thai, tăng cân nếu chỉ số khối cơ thể dưới 18,5 (lấy cân nặng chia bình phương chiều cao), điều trị các bệnh lý liên quan thiếu hụt vi chất nếu có (thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu canxi, thiếu iốt...). Cần quan tâm vấn đề thiếu vi chất hơn ở những phụ nữ chuẩn bị sinh con lần thứ hai và ba vì đã mất nhiều vi chất cho lần sinh trước.

- Trong giai đoạn mang thai: khám thai định kỳ, uống sữa thường xuyên, sử dụng muối hay gia vị có bổ sung iốt, uống thuốc bổ sung sắt liên tục, ăn nhiều rau và trái cây, ăn đa dạng thịt cá trứng để có đủ chất sắt và kẽm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa và gọt vỏ kỹ rau củ quả, uống nước sạch đun sôi để nguội, mang khẩu trang tránh khói bụi ô nhiễm, hạn chế tiếp xúc khói bếp, sử dụng gạo và ngũ cốc mới không ẩm mốc.

- Trong giai đoạn sau sinh đến trẻ 24 tháng: nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, cho ăn giặm đúng cách cả về chất lượng lẫn cách thức cho ăn (đủ bốn nhóm thực phẩm, 2-3 bữa mỗi ngày, giữ khoảng cách các bữa 3-4 giờ, thời gian cho mỗi bữa 20 phút, cho ngồi ghế ăn...), cho trẻ tắm nắng thường xuyên.

Từ 2 đến 5 tuổi - vẫn còn cơ hội

Cơ hội phục hồi chiều cao cho trẻ thấp còi ở giai đoạn này vẫn còn tuy không tối ưu bằng giai đoạn trước.

Ở giai đoạn này trẻ đã ăn chung bữa cơm gia đình, do đó cần xây dựng bữa cơm gia đình đủ chất dinh dưỡng với đầy đủ thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất cần thiết như sữa, rau củ quả, thịt cá trứng.

Ngoài các yếu tố trong chế độ ăn, cha mẹ cần chú ý đến vấn đề giấc ngủ cho trẻ. Trẻ ngủ đủ giúp có đủ nội tiết tố tăng trưởng để phát triển chiều cao. Trẻ cần ngủ sớm và ngủ đủ 9-10 giờ mỗi đêm.

Tuy nhiên nếu đã qua giai đoạn này, giai đoạn trẻ học tiểu học đến tiền dậy thì các can thiệp chiều cao thường có hiệu quả không tối ưu.

Tức là việc tăng chiều cao bù thường là khó, nhưng cha mẹ vẫn cần duy trì chế độ ăn uống, giấc ngủ và vận động tối ưu giúp trẻ phát triển đủ chiều cao của giai đoạn này.

Tiền dậy thì và dậy thì - cơ hội cuối cùng

Ở những trẻ đã bước qua các giai đoạn nêu trên thì tiền dậy thì và dậy thì là giai đoạn cuối cùng để can thiệp phục hồi và bắt kịp chiều cao tuy không tối ưu bằng giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.

Giai đoạn này, ngoài các yếu tố trong chế độ ăn và giấc ngủ như nêu trên, cha mẹ cần chú ý vấn đề luyện tập thể dục thể thao cho trẻ. Vận động giúp trẻ có đủ nội tiết tố tăng trưởng giúp phát triển chiều cao tối ưu.

Bảng chiều cao chuẩn theo tuổi

 

BÉ TRAI

BÉ GÁI

Chiều cao trung bình lúc sinh

50cm

49cm

Ngưỡng cần can thiệp lúc sinh*

≤ 48cm

≤ 47cm

Chiều cao trung bình lúc 12 tháng

75,7cm

74cm

Ngưỡng cần can thiệp lúc 12 tháng*

≤ 73,4cm

≤ 71,4cm

Chiều cao trung bình lúc 24 tháng

87,8cm

86,4cm

Ngưỡng cần can thiệp lúc 24 tháng*

≤ 84,8cm

≤ 83,2cm

(*) dưới -1SD so với chuẩn (Quần thể tham khảo Tổ chức Y tế thế giới 2007)

THS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên