17/03/2017 08:56 GMT+7

Mong sắm được máy may cho vợ

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Ước mơ này dường như quá đỗi đơn giản với nhiều người, nhưng lại là điều rất khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại của thầy Cư.

Thầy Lê Ngọc Cư trong giờ lên lớp - Ảnh: Đức Trong
Thầy Lê Ngọc Cư trong giờ lên lớp - Ảnh: Đức Trong

Ngày rời vùng quê Thanh Hóa vào dạy học tại Trường THPT Châu Thành (huyện Châu Thành, Tây Ninh), thầy Lê Ngọc Cư phải đi khập khiễng, đôi tay cử động nặng nhọc, những cơn đau nhức bất chợt... do ảnh hưởng từ một vụ tai nạn giao thông bất ngờ. 

Vụ tai nạn này tưởng đã biến một thanh niên khỏe mạnh phải nằm liệt một chỗ, nhưng với nghị lực của mình, thầy Cư đã vượt qua những tháng ngày tăm tối ấy để hằng ngày vẫn đến trường gieo kiến thức cho học sinh.

Mọi thứ đảo ngược

Căn nhà nhỏ của gia đình thầy Cư lọt thỏm phía cuối một con hẻm đất thuộc khu phố 4, thị trấn Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Giữa cái nắng khô khốc khó chịu của thời tiết tháng 3, chị Huệ - vợ thầy Cư - vẫn tranh thủ ngoài giờ làm tạp vụ cặm cụi bên máy may để kịp giao đơn hàng cho khách.

Tiếng là việc làm thêm ngoài giờ, nhưng đây lại là nguồn thu chính cho cả gia đình bốn người. Thầy Cư không làm được việc nặng nhọc, nên không thể giúp gì nhiều cho vợ.

Kể lại chuyện buồn thời trẻ, thầy Cư ngồi hồi tưởng thời khắc kinh hoàng đời mình: “Lúc đó tôi là sinh viên năm cuối đại học. Trong một lần về thăm nhà, tôi đang chạy xe máy thì bị xe tải tông vào.

Cú tông khiến tôi đập đầu mạnh xuống đường, rồi bị kéo lê hơn 20m. Tôi bất tỉnh ngay tức thì. Chuỗi ngày nằm bệnh viện sống như người thực vật của tôi bắt đầu kể từ đó”.

Sau tai nạn, thầy Cư trải qua hai tháng hôn mê, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Vụ tai nạn đã lấy đi gần 50% sức khỏe của một chàng trai vốn tràn trề nhựa sống.

Não trái bị chấn động mạnh, khiến tay và chân phải của thầy không thể cử động như bình thường và gần như tê liệt. Mắt trái cũng không còn nhìn rõ như trước do vết thương đã chiếm trọn bên trái mặt thầy.

“Mọi người trong gia đình đã suy sụp sau những ngày chạy lo viện phí và thấp thỏm chờ tôi tỉnh lại. Khi xuất viện, mọi thứ đối với tôi đã đảo ngược hoàn toàn. Tôi phải tập vận động, tập viết chữ từ tay phải chuyển sang tay trái.

Những cố gắng vượt bậc này sau đó được đền đáp khi tôi tốt nghiệp đại học” - thầy Cư kể.

Vượt qua nghịch cảnh

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, thầy Cư tìm đến vùng đất Tây Ninh lập nghiệp và dạy học. Nhưng sức khỏe kém đã không cho phép thầy làm thêm gì, chỉ sống dựa vào đồng lương ít ỏi của giáo viên mới vào nghề.

Cơ duyên lại đưa chị Huệ từ vùng quê Thanh Hóa đến Tây Ninh lập gia đình cùng thầy Cư. Kinh tế gia đình thầy Cư thêm khó khăn sau khi sinh hai cháu.

May thay, chị Huệ xin được việc tạp vụ tại trường mà thầy Cư đang dạy, bớt chút gánh nặng cho gia đình. Nhưng đồng lương ít ỏi còn lại của hai vợ chồng sau khi trừ đi khoản vay trả nợ căn nhà đang ở cũng chỉ đủ đóng học phí cho hai cháu bé.

“Nhiều lúc tôi không dám đến bệnh viện khám khi vết thương đau trở lại vì sợ sinh thêm bệnh, tốn thêm chi phí...” - thầy Cư buồn rầu nói.

Nhưng cuộc sống khắc nghiệt ở vùng quê cháy nắng Tây Ninh không ngăn được ý chí của hai vợ chồng đến từ miền Trung xa xôi.

Được ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện, chị Huệ không cần làm theo giờ hành chính mà chỉ đến sớm, dọn dẹp xong thì có thể trở về làm thêm tại nhà. Vậy là hằng ngày, chị Huệ thức dậy sớm đến trường làm việc. Kết thúc việc tại trường, chị lại tất bật trở về nhà nhận hàng may.

“Nhiều hôm chủ xưởng cần hàng gấp, tôi phải thức trắng đêm may cho kịp, sáng hôm sau lại vào trường làm sớm. Lương hai vợ chồng thì cố định, với lại sức khỏe ảnh không làm được gì nhiều ngoài dạy học, nên tôi phải tranh thủ làm thêm việc này” - chị Huệ vừa may vừa nói.

Ngước mắt nhìn về phía vợ đang cần mẫn may đồ, thầy Cư thổ lộ về ước mơ một ngày nào đó có thể mua được chiếc máy may mới cho chị Huệ. Bởi chiếc máy may mà chị Huệ đang dùng vốn do chủ xưởng cho mượn tạm.

Ước mơ này dường như quá đỗi đơn giản với nhiều người, nhưng lại là điều rất khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại của thầy Cư.

“Tôi đã ước mua cho vợ mình chiếc máy may mới từ khi hai vợ chồng mới cưới nhau” - thầy Cư nói.

Nhà trường luôn quan tâm

Nói về gia cảnh khó khăn của thầy Cư, cô Trần Thị Kim Phướng - hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành - cho biết công đoàn nhà trường luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện tối đa để thầy Cư yên tâm dạy học.

“Ban giám hiệu luôn nghiên cứu, quan tâm cuộc sống của vợ chồng thầy Cư. Khi vết thương của thầy đau nhức trở lại, nhà trường đã sắp xếp cho thầy Cư tạm nghỉ và bố trí công việc nhẹ. Về phía chị Huệ, chỉ cần xong công việc ở trường thì có thể về làm thêm tại nhà” - cô Phướng cho hay.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên