19/02/2016 08:15 GMT+7

Mong chờ thuốc trị ung thư từ thiên nhiên

LAN ANH - NGỌC HÀ (lananh@tuoitre.com.vn)
LAN ANH - NGỌC HÀ (lananh@tuoitre.com.vn)

TT - Cây na biển - loài cây được phân bố chủ yếu ở các tỉnh ven biển Việt Nam vốn thường được dùng trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc sát trùng - đã trở thành đề tài nghiên cứu đặc biệt của một tiến sĩ trẻ.

Bác sĩ Trung tâm ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế đang xạ trị gia tốc cho bệnh nhân bị u dị dạng mạch máu não - Ảnh: Nguyên Linh
Bác sĩ Trung tâm ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế đang xạ trị gia tốc cho bệnh nhân bị u dị dạng mạch máu não - Ảnh: Nguyên Linh

Anh cùng các cộng sự đã có hành trình tìm đến các hợp chất thiên nhiên để chống lại bệnh ung thư.

Chủ nhiệm đề tài này, TS Nguyễn Xuân Nhiệm - phó trưởng phòng nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN) - cũng là người nghiên cứu sàng lọc hoạt tính diệt tế bào ung thư, kháng viêm và đái tháo đường từ các cây thuốc và sinh vật biển Việt Nam.

Đến nay, TS Nhiệm phát hiện được trên 100 hợp chất mới từ trên 50 cây thuốc, nhiều hợp chất thể hiện hoạt tính mạnh và đang được nghiên cứu sâu hơn.

Hoạt chất thiên nhiên

Hành trình tìm ra các hoạt chất tiêu diệt tế bào ung thư, chiết xuất thành biệt dược có giá trị thực tiễn là hành trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì.

“Nếu nghiên cứu chạm đích cũng phải mất 15-17 năm mới ra được sản phẩm cuối cùng. Điều này khác hoàn toàn với ý chí khoa học, cần nhiều thời gian và cũng cần nhiều trang thiết bị mà điều kiện hiện tại của Việt Nam chưa thể đáp ứng ngay” - TS Nhiệm tư lự khi nói đến công trình mình đang đeo đuổi.

Thực tế, nhóm của TS Nhiệm ở phòng nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển đã dành gần bốn năm tìm các chất có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và kháng viêm từ cây na biển, một loài cây mọc nhiều ở vùng nước lợ khắp Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình với khoản đầu tư chỉ... 500 triệu đồng.

Làm khoa học ở VN không dễ bởi thiết bị còn thiếu thốn. Nhưng những gì nhóm của TS Nhiệm tìm ra lại rất có giá trị. Từ dịch chiết từ lá và quả na biển xanh, nhóm đã tìm ra 22 hợp chất, trong đó có 4 hợp chất mới chưa từng được tìm thấy trong các nghiên cứu tương tự của thế giới. Đặc biệt hợp chất số 15 và số 22 có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư nhưng lại giữ được tế bào lành.

Theo TS Nhiệm, nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên thể hiện ưu điểm so với các chất tổng hợp do có độc tính thấp và khả năng dung nạp cao trên cơ thể sinh vật. Trong điều trị ung thư, chúng ít độc nhưng có khả năng diệt các tế bào u, bảo vệ được tế bào lành khỏi nguy cơ nhiễm độc và nếu được dùng ở giai đoạn sớm thì hiệu quả tăng lên rất cao.

Cần 10-20 năm nghiên cứu

Đây là chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Thuấn, viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, về thời gian một nghiên cứu thuốc, hóa chất, phương pháp điều trị mới có thể đến được đích.

Theo ông Thuấn, điều trị ung thư hiện có ba phương pháp chính là phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc. Bên cạnh đó, phương pháp điều trị miễn dịch (nâng sức đề kháng cho người bệnh để chống chọi bệnh) trong ung thư đang được nghiên cứu nhưng chưa được đưa vào phác đồ điều trị chính thức.

Theo ông Thuấn, muốn đưa vào ứng dụng một phương pháp điều trị/thuốc mới trên người, phương pháp/thuốc đó phải trải qua quá trình nghiên cứu trên động vật và sau khi xác định có hiệu quả trên người mới được đưa ra nghiên cứu trên người, trong đó riêng giai đoạn nghiên cứu trên người cần ba bước và phải đảm bảo phương pháp/thuốc ấy có hiệu quả.

Nếu là thuốc thì phải ít độc tố hơn hoặc tương đương phương pháp hiện hành, được nghiên cứu đa trung tâm, trên nhóm lớn người tham gia mới được đưa ra ứng dụng. "Chặng đường ấy phải mất 10-20 năm và trong khoa học, 20 đề tài nghiên cứu được 1-2 đề tài ứng dụng thực tế cũng là thành công đáng khích lệ”- ông Thuấn nói.

Ông Thuấn cho rằng tại VN hiện có nhiều nghiên cứu, sản xuất hóa chất, thuốc điều trị ung thư, như thuốc điều trị nhắm đích (tương tự sản phẩm điều trị ung thư thế hệ mới có giá thành khoảng 1,6 triệu đồng/ngày điều trị) cũng đang được nghiên cứu, sản xuất ở VN.

Bên cạnh đó, VN đã sản xuất một số hóa chất cơ bản sử dụng trong điều trị ung thư. Trong số các phương pháp điều trị ung thư thì VN chủ yếu là ứng dụng phương pháp các nhà khoa học quốc tế phát minh, VN chưa nghiên cứu và đưa ra ứng dụng được phương pháp nào.

“Kết quả khác thường”

Các nhà nghiên cứu mới đây cho hay một phương pháp điều trị ung thư liên quan đến các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân cho thấy các kết quả khác thường ở bệnh nhân bệnh bạch cầu.

CBS News hôm 17-2 dẫn nghiên cứu mới nhất này nói các nhà nghiên cứu Mỹ đã sử dụng các tế bào T được biến đổi gen ở 35 bệnh nhân bạch cầu giai đoạn cuối và 94% trong số này thuyên giảm bệnh tình.

Bác sĩ Michael Grossbard, chuyên gia về bệnh bạch cầu thuộc Trung tâm Ung thư Permutter, cho hay: “Một loại tế bào máu trong cơ thể gọi là tế bào T được biến đổi và đánh lừa để chiến đấu với ung thư”.

Công nghệ này liên quan đến việc tách tế bào T từ cơ thể bệnh nhân. Các tế bào này được biến đổi với các phân tử từ chuột biến đổi gen, còn gọi là CARS, và được truyền lại vào cơ thể bệnh nhân.

Các CARS làm giảm khả năng chống đỡ của ung thư trước hệ miễn dịch tự nhiên của bệnh nhân, cho phép tế bào T tấn công ung thư. Nghiên cứu cũng cho thấy điều trị bằng tế bào T phát huy hiệu quả tốt nhất đối với ung thư máu hơn là các khối u.

Bác sĩ Grossbard nhận xét: “Các bác sĩ khoa ung thư do dự khi dùng từ “khác thường” nhưng những kết quả đạt được thật khác thường. Đây là những phát hiện đáng ghi nhận với những kết quả đáng kể đối với bệnh nhân”. Bác sĩ Grossbard hi vọng sẽ có thêm những tiến bộ vượt bậc trong phương pháp mới cho nhiều bệnh nhân hơn trong 3 - 5 năm tới.

THU ANH

* TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Chưa nghiên cứu hướng điều trị ung thư mới

Trong nghiên cứu về ung thư có nhóm nghiên cứu gọi là cơ bản như nghiên cứu về gen, phân tử, cơ chế sinh ra ung thư như thế nào từ đó tìm ra các phương pháp điều trị mới. Các nghiên cứu này thực hiện chủ yếu trong phòng thí nghiệm và đối tượng nghiên cứu là súc vật thí nghiệm như thỏ, chuột...

Bên cạnh nghiên cứu cơ bản là các nghiên cứu lâm sàng, nhằm thử nghiệm các phương pháp mới trên người. Tại nước ta, do những điều kiện còn hạn chế về nguồn lực, trang thiết bị... nên đến nay các cơ sở điều trị ung thư tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu lâm sàng chứ chưa thể triển khai các nghiên cứu cơ bản để tìm ra một phương thức hoàn toàn mới trong điều trị bệnh ung thư.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từng cử bác sĩ sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh, suốt ngày nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhưng khi đi học về cũng phải tập trung phần lớn thời gian cho điều trị lâm sàng vì tại Bệnh viện Ung bướu nói riêng hay tại TP.HCM nói chung chưa có một phòng thí nghiệm chuyên sâu nào về ung thư.

Tuy nhiên kiến thức và kỹ năng học được của những bác sĩ này giúp bệnh viện thành lập được một đơn vị sinh học phân tử giúp phân tích gen của một số bệnh nhân ung thư, xem những gen này đột biến hay không đột biến từ đó chọn loại thuốc cho phù hợp.

Muốn nghiên cứu ra những phương thức mới trong điều trị ung thư đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn về đào tạo những người chuyên về nghiên cứu, đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chế độ đặc biệt cho những người nghiên cứu.

THÙY DƯƠNG ghi

LAN ANH - NGỌC HÀ (lananh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên