08/06/2022 09:08 GMT+7

Mỏi mòn chờ quy chế tuyển sinh đại học

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố quy chế tuyển sinh đại học khiến công tác tuyển sinh của các trường bị xáo trộn, thí sinh cũng hết sức lo lắng.

Mỏi mòn chờ quy chế tuyển sinh đại học - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN THƯƠNG

Từ đầu năm 2022, nhiều trường đại học đã nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ) và vừa qua là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng bất đắc dĩ phải kéo dài thời gian để chờ quy chế tuyển sinh chính thức.

Chưa có quy chế không thể làm được gì

Tại hội nghị về công tác tuyển sinh đại học năm 2022 (ngày 16-3), lãnh đạo nhiều trường đại học, sở GD-ĐT đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy chế tuyển sinh. Các trường đều mong bộ công bố sớm quy chế tuyển sinh mới, vì dù chỉ là thay đổi kỹ thuật nhưng nó sẽ tác động rất lớn với thí sinh và các trường. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4-2022, Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo quy chế với nhiều điều chỉnh về kỹ thuật, khiến các trường đành "nín thở" theo dõi, thậm chí phải dời lịch tuyển sinh.

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng chính việc chậm ban hành quy chế tuyển sinh năm nay đã gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh của các trường. "Các trường đều có kế hoạch dự kiến công bố kết quả xét tuyển sớm với một số phương thức nhưng đến giờ vẫn chưa công bố được do phải chờ quy chế. Mọi quyết định trong công tác tuyển sinh các trường đều phải căn cứ vào quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT, nên chưa có quy chế là không thể làm được gì" - ông Hạ nói.

Còn theo TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hiện các trường đều rất mong có quy chế tuyển sinh để tiến hành làm các bước tiếp theo như xây dựng đề án tuyển sinh, tư vấn cho thí sinh cách thức đăng ký xét tuyển và các mốc thời gian quan trọng. Đặc biệt các trường có số lượng chương trình đào tạo lớn, quy mô tuyển sinh nhiều thì càng lo lắng. Bên cạnh đó, việc quy chế tuyển sinh ban hành trễ sẽ kéo theo công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo bị đẩy lùi về mặt thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ đào tạo.

Cũng vì chưa có quy chế tuyển sinh nên các trường đại học đều chưa chốt được đề án tuyển sinh chính thức. Chẳng hạn, Trường ĐH Y dược TP.HCM đến nay vẫn chưa công bố phương thức tuyển sinh 2022. 

Giải thích về việc này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết: "Trường chúng tôi dự kiến sẽ không thay đổi gì nhiều trong tuyển sinh. Hiện nay phụ huynh và thí sinh cũng quan tâm hỏi nhiều nhưng việc này phải có quy chế của Bộ GD-ĐT trường mới chốt được. Khi nào bộ có quy chế thì trường sẽ công bố đề án tuyển sinh chính thức".

Xét tuyển xong nhưng chưa thể công bố kết quả

Các thí sinh tự do và thí sinh xét tuyển các phương thức ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT hiện cũng sốt ruột vì thời điểm này lẽ ra đã có kết quả xét tuyển như các năm trước nhưng đến nay chưa có bất cứ thí sinh nào nắm chắc vé vào đại học.

ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng việc Bộ GD-ĐT chậm ban hành quy chế tuyển sinh đã ảnh hưởng đến tư vấn tuyển sinh năm nay, khi tư vấn thí sinh thì trường cũng "ấp úng" vì quy chế tuyển sinh chưa có.

"Đến giờ này vẫn chưa có quy chế là quá trễ. Bộ cần nhanh chóng ban hành quy chế để các thí sinh tự do biết và đăng ký được môn thi tốt nghiệp THPT trong kỳ thi này. Rất nhiều thí sinh tự do hỏi nhiều về quy định đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của bộ. Vì chưa có quy chế tuyển sinh năm 2022 nên chúng tôi phải bảo thí sinh phải chờ. Trường chúng tôi đã hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT đợt này nhưng vẫn đang chờ quy chế tuyển sinh năm nay có thì mới công bố kết quả xét tuyển được" - ông Sơn nói.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, năm 2022 nhà trường dành 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. 

"Thông lệ hằng năm, khoảng tháng 3, 4 trường công bố đề án tuyển sinh chính thức, làm cơ sở để thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Hiện tại, trường vẫn đang chờ quy chế để ban hành đề án chính thức, nhưng các thí sinh đủ điều kiện về điểm xét trúng tuyển vào trường sẽ được trường thông báo trong diện "trúng tuyển có điều kiện". Những thí sinh này phải tuân thủ theo các quy định xét tuyển theo quy chế tuyển sinh chính thức. Đến khi nào quy chế mới được ban hành thì mới có thể có thông tin chính thức cho thí sinh" - ông Quốc Anh cho biết thêm.

Trường lúng túng, thí sinh lo lắng

Đến nay quy chế vẫn chưa được ban hành khiến các trường lúng túng, còn thí sinh và phụ huynh lo lắng. Việc thay đổi một số quy định nêu trong dự thảo quy chế thật sự gây khó khăn và thử thách cho các trường trong việc xác định, đảm bảo đủ số lượng chỉ tiêu tuyển sinh (không vượt quá số lượng cho phép 103% chỉ tiêu) vì tỉ lệ ảo sẽ khác biệt so với các năm trước, và con số này các trường không có cơ sở để dự đoán được. Bên cạnh đó, việc lọc ảo chung tất cả các phương thức sẽ khó kiểm soát tỉ lệ của từng phương thức.

TS Huỳnh Khả Tú

(trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Không giải đáp được thắc mắc của thí sinh

Theo ThS Phạm Doãn Nguyên - giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, các trường đại học có phương thức xét tuyển riêng (xét học bạ THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực...), trong khi chờ quy chế tuyển sinh đã phải dời thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Ông Nguyên cũng cho biết các trường đang khá lúng túng khi phụ huynh và thí sinh hỏi về các nội dung: Đăng ký trên cổng thông tin chung của bộ như thế nào? Có phải đăng ký lại tất cả các nguyện vọng đã đăng ký theo phương thức tuyển sinh riêng của các trường hay không? Có phải đăng ký luôn mã hồ sơ xét tuyển riêng mà các trường đã cấp hay không? Nếu thí sinh đăng ký tất cả các phương thức ở nguyện vọng 1, nhưng mỗi phương thức đăng ký vào một trường đại học khác nhau thì việc xác định trúng tuyển như thế nào? Trường hợp thí sinh tự do chưa đăng ký khi đăng ký kỳ thi tốt nghiệp THPT không có mã đăng nhập thì sẽ đăng ký xét tuyển như thế nào...

146 học sinh lớp 12 được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT; các đại học, trường đại học có trường THPT chuyên về việc miễn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

NH-HSGQG8 1(Read-Only)

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2022 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo công văn này, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2022 đã có 146 học sinh lớp 12 tham gia dự thi. Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT; các đại học, trường đại học có trường THPT chuyên, căn cứ quy định tại khoản 1, điều 36 quy chế thi tốt nghiệp THPT để miễn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho các thí sinh có tên trong danh sách này.

Trong đó, các thí sinh dự thi đội tuyển môn toán có 39 thí sinh, môn vật lý có 28 thí sinh, môn hóa học có 24 thí sinh, môn sinh học có 28 thí sinh và môn tin học có 27 thí sinh.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022: Khó cho trường và thí sinh Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022: Khó cho trường và thí sinh

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 với nhiều điểm mới sẽ gây khó cho các trường và cả thí sinh.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên