Lo ngại từ "đầu vào” đến ”đầu ra”

LAN ANH - NGỌC HÀ 20/12/2015 18:12 GMT+7

TTCT - “Dễ như đào tạo ngành y”. Tưởng chỉ là câu nói đùa, ai ngờ lại là sự thật đang xảy ra ở nhiều nơi... Thật đến đau lòng.

Sinh viên tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội sẽ làm quen với môn giải phẫu học qua mô hình này-Nguyễn Khánh
Sinh viên tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội sẽ làm quen với môn giải phẫu học qua mô hình này-Nguyễn Khánh

Cách đây gần 10 năm, bác sĩ nội trú - hình thức đào tạo nhân tài của ngành y - được triển khai, bác sĩ N.T.X. bắt đầu đến học nội trú tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Ba năm nội trú gần như ăn, ngủ tại bệnh viện nhưng không hề có lương. Kết thúc chín năm học vất vả gồm sáu năm ĐH, ba năm nội trú, bác sĩ X. được tuyển dụng vào Bệnh viện Việt Đức và bắt đầu được hưởng lương nhà nước khởi điểm hệ số 2, 3, 4 như những người học ĐH hệ bốn năm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đăng, bác sĩ nội trú tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, cũng là một “nhân tài” ngành y. Anh vừa kết thúc chín năm học y khoa và được nhận vào làm giảng viên y khoa nhưng chưa biết mức lương. “Theo ngành này, chúng tôi phải học liên tục, thời gian học và thực hành thông thường cũng cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi so với các ngành học khác, học phí y khoa luôn vào loại cao nhất... nhưng lương khởi điểm lại như nhau” - anh nói.

Chỉ là... cái vỏ

Những ngày vừa qua, khi Bộ GD-ĐT cho phép ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được phép đào tạo bác sĩ đa khoa và dược học, với điểm tuyển đầu vào dự kiến là 20, dư luận đã nóng lên với lo ngại trường kinh doanh lại đi dạy làm bác sĩ sợ không đảm bảo chất lượng.

Thật ra, nhiều người không để ý rằng trước ĐH Kinh doanh và công nghệ đã có tới chín trường ĐH đa ngành không chuyên y, dược đã được phép đào tạo bác sĩ đa khoa và dược sĩ, với điểm đầu vào đa số là từ 13-18,5, thấp hơn rất nhiều so với điểm chuẩn đầu vào của các trường đào tạo y, dược truyền thống.

Nhưng không chỉ các trường mới tuyển sinh ngành y, dược gây mất niềm tin với xã hội, ngay cả các trường ĐH có truyền thống hàng đầu, bác sĩ ra trường cũng chưa thể làm việc độc lập. Nhiều năm nay, ĐH Y Hà Nội tuyển đầu vào từ 27-27,5 điểm.

Đạt được mức điểm này, các em rõ ràng là nhân tài, nhưng hiện nay nhiều em tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội ra trường mà bệnh viện vẫn chê vì chưa thể làm việc độc lập được, ngoại trừ các bác sĩ nội trú.

“Thời gian thực hành ít quá, các sinh viên y đều phải thực hành trên mô hình. Mô hình giống hệt người thật nhưng vẫn là mô hình, đòi hỏi sinh viên phải đam mê mới hăng say thực tập, nếu không các em sẽ nhàm chán. Không như thời chúng tôi học y khoa, năm thứ 5, năm thứ 6 đã được tham gia khám chữa bệnh, các thầy đầu ngành rất chịu khó chỉ dạy” - một quan chức ngành y tế tâm sự.

Thực tế mới đây, ông Trần Phương - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - thẳng thắn thừa nhận dù trường đã có quyết định mở ngành của Bộ GD-ĐT, nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo ngành y đa khoa, dược học của trường vẫn chưa đầy đủ.

Không ít trường ĐH mới được mở ngành y, dược cũng ở trong tình trạng phòng thí nghiệm có “vỏ” mà thiếu “ruột”. T.N.A. (Hưng Yên) - sinh viên theo học ngành ĐH dược một trường ĐH ngoài công lập - cho biết do lứa sinh viên của N.A. mới là năm thứ 3 của trường nên nhiều thiết bị của trường chưa có đủ ngay, khi sinh viên học đến môn nào, trường sẽ mua thiết bị phục vụ cho môn học đó!

Ông Ngô Xuân Hà - hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô, một trường ĐH dân lập cũng đang đào tạo ngành dược học - chia sẻ: một số thiết bị phục vụ đào tạo cho ngành dược mà trường bắt đầu đào tạo từ năm 2013, đến nay vẫn “trong quá trình hoàn thiện”.

Năm 2015, khi lứa sinh viên ngành dược đầu tiên bước vào năm thứ ba, trường cũng mới sắm máy sản xuất thuốc tân dược phục vụ cho sinh viên thực hành. Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận dù được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành, nhưng đào tạo ngành y, dược tại các trường ĐH ngoài công lập đang gặp khó khăn vì chưa tạo được niềm tin thật sự với xã hội.

“Để mở ngành dược, trường đã chuẩn bị mất nhiều năm, đầu tư kinh phí lớn. Nhưng đến nay, vì chưa có lứa sinh viên đầu tiên ra trường nên xã hội chưa có cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo thật sự” - ông Hà nói. Theo ông, mỗi năm trường tuyển sinh được hơn 100 thí sinh ngành dược, với ngành điều dưỡng trước đây mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 15 sinh viên mới, đến năm 2015 hầu như không tuyển sinh được.

ĐH Y Hà Nội là trường ĐH y khoa đầu tiên mở hình thức đào tạo bác sĩ nội trú và vừa kỷ niệm 40 năm hệ bác sĩ nội trú. Theo ông Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, đây là hệ đào tạo chất lượng nhất, hiệu quả nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, số lượng bác sĩ nội trú mới chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số bác sĩ được đào tạo tại ĐH Y Hà Nội, trong khi mọi bệnh nhân đều có quyền được các bác sĩ nội trú chữa trị. Vì số lượng bác sĩ nội trú ít ỏi nên gần như ra trường họ được tuyển dụng vào ngay các bệnh viện lớn. Ngay các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ có 0,2% các bác sĩ nội trú về đầu quân làm việc. Các tỉnh, thành khác... không thể “mơ” có bác sĩ nội trú.

Thống kê cho thấy các bác sĩ ĐH Y Hà Nội cũng rất ít đi về các bệnh viện tuyến dưới. “Một bệnh viện ở tỉnh Yên Bái có 50 bác sĩ nhưng chỉ có một người tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, còn lại là bác sĩ tốt nghiệp các hệ đào tạo theo địa chỉ, chuyên tu, các trường y ít danh tiếng hơn.

Có bác sĩ ở đây từ lúc ra trường đến khi gần về hưu chưa được đào tạo thêm lần nào... Như vậy làm sao cập nhật kiến thức mới và bồi dưỡng những thành tựu điều trị của ngành y ngoài những gì đã học ở trường và làm theo kinh nghiệm” - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Trần Quý Tường bình luận.

Từ năm 2011, Bộ GD-ĐT thực hiện quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất, khống chế chỉ tiêu chung các trường dựa trên số lượng giảng viên cụ thể.

Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên chung của toàn trường, không phân chia theo ngành đào tạo nên nhiều trường đã cố tình lách luật, kê khai đội ngũ chung ở nhiều ngành đào tạo nhưng chủ yếu tập trung cho tuyển sinh khối ngành “hot”, trong đó có ngành y, dược.

Trong kết luận thanh tra tiến tới kiến nghị dừng tuyển sinh một trường CĐ phía Bắc năm 2013, Bộ GD-ĐT phát hiện trường này tuyển sinh hệ trung cấp vượt hơn 160% chỉ tiêu, trong đó chỉ ngành dược chiếm đến 512 sinh viên/tổng số 521 sinh viên tuyển mới. Trường cũng gây “sốc” khi ngành dược chiếm đến hơn 99% sinh viên toàn trường, còn lại các ngành đào tạo khác không tuyển được hoặc tuyển được rất ít thí sinh.

Ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, thừa nhận có tình trạng một số trường có chỉ tiêu y, dược quá cao so với năng lực thực tế vì họ “mượn” được đội ngũ chung để báo cáo.

Thực tế, riêng với ngành y, chỉ tiêu nói chung trong những năm qua đã có dấu hiệu quá tải so với năng lực đào tạo của các trường. Một chuyên gia y khoa, đồng thời cũng là lãnh đạo một trường ĐH chuyên ngành y khoa cho biết ở Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 9.000 bác sĩ tốt nghiệp ở 87 cơ sở đào tạo y dược, trong khi tại Việt Nam mỗi năm cũng đón số lượng sinh viên y khoa ra trường là 9.000 mà số cơ sở đào tạo ngành này chỉ chừng 20 trường.

Năm 2014, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT sử dụng phần mềm chuyên biệt để thống kê đội ngũ ở gần 250 cơ sở ĐH, phát hiện trong gần 76.000 giảng viên không ít người “đứng tên” làm giảng viên cơ hữu cùng lúc của 2-3 trường.

Thậm chí, có trường khi báo cáo mở ngành mới lại tiếp tục lấy lại một phần đội ngũ đã được liệt kê trong báo cáo mở các ngành khác trước đó. Ông Trịnh Ngọc Thạch - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ có giảng viên ĐH... đã mất ba năm, nhưng vẫn được một cơ sở giáo dục ĐH đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu để hợp thức hóa yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Chuẩn nào cho ”đầu ra”?

Trong khi đào tạo khập khiễng như vậy, ngành y tế cũng chỉ mới ban hành được “chuẩn” bác sĩ đa khoa và điều dưỡng, sắp tới mới có chuẩn bác sĩ răng hàm mặt, còn các chuyên ngành khác như bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ y học cổ truyền... đều chưa có chuẩn ra trường để đủ điều kiện được hành nghề.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), hiện số lượng bác sĩ ra trường mỗi năm đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng bác sĩ. Nhưng cái khó là bác sĩ chỉ tập trung ở các thành phố, thị xã, không chịu về vùng sâu, vùng xa.

Ông Trần Quý Tường cho hay gần đây khi đi khảo sát tại Sơn La mới biết Bệnh viện Đa khoa Sơn La có 350 giường bệnh và có đúng 350 cán bộ, trong khi theo quy định, tối thiểu bệnh viện này phải có 420 cán bộ. “Do chưa có quy chế về chức danh vị trí làm việc nên họ không được tuyển dụng thêm cán bộ, trong khi nhiều bác sĩ đăng ký xin vào làm việc” - ông Tường nói.

Bệnh viện K Hà Nội hiện cũng đang thiếu 500 cán bộ, trong đó 50% là bác sĩ. Ở Hà Nội, thực tế bác sĩ sẵn sàng làm việc không thiếu nhưng bệnh viện không tuyển, vì ngoài việc chưa có quy chế về chức danh và vị trí làm việc thì đa số bệnh viện hiện nay đang thực hiện tự chủ tài chính, nên nếu tuyển thêm phải tính toán lại vấn đề lương và phúc lợi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận