21/11/2014 09:27 GMT+7

​Liên kết chui, tuyển sinh sai đối tượng

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Năm 2010 và 2011, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM liên kết với ĐH Liège (Bỉ) đào tạo thạc sĩ ngành khoa học và quản lý môi trường.

Văn bằng thạc sĩ khoa học và quản lý môi trường cho khóa I (có đóng dấu) và khóa II (không đóng dấu) - Ảnh: Trần Huỳnh
Văn bằng thạc sĩ khoa học và quản lý môi trường cho khóa I (có đóng dấu) và khóa II (không đóng dấu) - Ảnh: Trần Huỳnh

Trong khi đó đầu năm 2012 trường mới làm thủ tục xin phép liên kết đào tạo và phải đến cuối năm 2012 mới được Bộ GD-ĐT chấp thuận.

Ngày 15-11 cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM để làm rõ thông tin phản ảnh của học viên về văn bằng cũng như việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo chương trình liên kết này.

Cử nhân ngoại thương đi học thạc sĩ... môi trường

Đề nghị trường giải thích rõ về văn bằng

TS Hà Hữu Phúc - vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - cho biết ĐH Công nghiệp TP.HCM đã liên kết với ĐH Liège tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng thạc sĩ khoa học và quản lý môi trường cho khóa I và khóa II với 66 học viên khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép. Nhiều đối tượng tuyển không đúng về chuyên ngành, chuẩn ngoại ngữ thấp so với quy định. Văn bằng đã được phát cho học viên hai khóa trên khác nhau, không cùng một mẫu.

Tại buổi làm việc sáng 15-11, ĐH Công nghiệp TP.HCM đã đưa ra giấy xác nhận của ĐH Liège về văn bằng của hai khóa trên có giá trị như nhau. Tuy nhiên ông Phúc yêu cầu phía ĐH Liège cần giải thích rõ hơn về sự khác biệt của văn bằng. “Theo quy định, ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Liège liên kết có trách nhiệm tuân thủ pháp luật VN. Nếu có thay đổi về mẫu văn bằng, nhà trường phải đăng ký với bộ và phải được cho phép mới được công nhận” - ông Phúc nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 12-2-2009 ĐH Công nghiệp TP.HCM do ông Tạ Xuân Tề, hiệu trưởng nhà trường khi đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với ĐH Liège nhằm thiết lập chương trình hợp tác đào tạo và cấp bằng thạc sĩ trong lĩnh vực môi trường (IMES).

Với thỏa thuận hợp tác trên, tháng 1-2010 ĐH Công nghiệp TP.HCM đã ra thông báo tuyển sinh mở lớp IMES. Thời gian đào tạo khóa học này 18 tháng vào buổi tối thứ sáu, ngày thứ bảy và chủ nhật, học phí trọn khóa 2.500 USD.

Điều đáng nói dù tuyển sinh ngành khoa học và quản lý môi trường nhưng đối tượng được dự tuyển là người đã tốt nghiệp ĐH các ngành: môi trường, sinh học, thực phẩm, hóa, nông nghiệp, lâm nghiệp, địa chất, đất đai, luật, kinh tế, kiến trúc, thủy sản, xây dựng, ngoại ngữ, ngoại thương.

Ngày 4-8-2010, nhà trường ra quyết định công nhận 22 học viên trúng tuyển và có 18 học viên nhập học.

Tháng 2-2011 ĐH Công nghiệp TP.HCM tiếp tục thông báo tuyển sinh IMES khóa II. Ngày 8-7-2011 nhà trường ra quyết định công nhận 44 học viên trúng tuyển, trong đó có nhiều người tốt nghiệp ĐH các ngành không liên quan gì đến ngành môi trường: công nghệ nhiệt lạnh, quản trị kinh doanh, công nghiệp nông thôn, tiếng Anh, công nghệ vật liệu polymer, địa chất - dầu khí, điện tử viễn thông, luật, sư phạm sinh học...

Học sau, nhận bằng trước

Ngày 5-1-2012 ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Liège cùng ký hợp đồng liên kết đào tạo IMES. Đây là cơ sở để ĐH Công nghiệp TP.HCM làm hồ sơ xin phép Bộ GD-ĐT thực hiện chương trình liên kết này. Đến ngày 8-11-2012 Bộ GD-ĐT mới ra quyết định cho phép ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hiện liên kết đào tạo với ĐH Liège.

Ngay sau khi được Bộ GD-ĐT cấp phép, ngày 23-11-2012 ĐH Công nghiệp TP.HCM ra thông báo tuyển sinh (thực tế đây là khóa III - PV).

Theo giấy phép của Bộ GD-ĐT, thời gian đào tạo chương trình này hai năm (chia bốn học kỳ), học phí 2.500 USD nhưng nhà trường lại rút còn 18 tháng và nâng học phí lên 3.500 USD. Sau đó, nhà trường đã tuyển được 26 học viên và có 18 người theo học khóa này.

Trước đó, theo kế hoạch, nhà trường công bố sẽ trao bằng tốt nghiệp cho khóa I vào tháng 9-2013, nhưng đến tháng 6-2014 học viên khóa này mới được nhận bằng.

Trong khi đó các học viên khóa II lại được nhận bằng sớm hơn vào tháng 3-2014. Một học viên khóa II thắc mắc: “Không hiểu sao học viên khóa II lại được cấp bằng trước khóa I? Điều lạ nữa là phôi bằng của khóa I hoàn toàn khác bằng khóa II và có nhiều điểm lạ”.

Văn bằng của khóa học 2011-2012 (khóa I) có chữ ký ghi rõ tên hiệu trưởng cùng điều phối viên chương trình và được đóng dấu. Trong khi văn bằng của khóa học 2012-2013 (khóa II) lại không có con dấu của trường ở giữa hai chữ ký. Tên người ký cũng không ghi rõ ràng.

“Một số hình thức trên văn bằng khóa I và khóa II không giống nhau. Nội dung văn bằng chỗ ghi bằng tiếng Anh, chỗ ghi tiếng Pháp. Chính những điểm lạ và khác biệt này nên chúng tôi bị nghi ngờ sử dụng bằng giả, bị thẩm tra...”- một học viên bức xúc.

Theo PGS.TS Lê Văn Tán - phó hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP.HCM, chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Liège trên cơ sở dự án B9 nằm trong Hiệp định khung của chính phủ hai nước VN và Bỉ và đã được Thủ tướng Chính phủ ký vào năm 2009.

“Đối với khóa I, phía ĐH Liège áp dụng quy chế học vụ cũ nhưng đến khóa II nhà trường đổi quy chế học vụ nên đổi luôn cách cấp phát bằng dẫn đến có sự khác nhau của văn bằng hai khóa” - ông Tán giải thích.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên