14/12/2014 09:33 GMT+7

​Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Đa số trong 80 bài tham luận được gửi đến tham dự tọa đàm khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn sáng dẫn đường” đều bắt đầu và kết thúc bởi cùng một ý: “Vì nhân dân, vì con người”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (bìa trái) trao đổi cùng các đại biểu tại tọa đàm - Ảnh: Quang Định

Nhằm mục tiêu nhận thức, thấu hiểu và hành động, thực hiện di nguyện của Hồ Chủ tịch, buổi tọa đàm do Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 13-12 đã kết thúc với hi vọng: cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi mỗi cán bộ đều đinh ninh trong dạ: “Vì nhân dân, vì con người”.

“Học tập Bác, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến sự đánh giá của nhân dân, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo cho các chủ trương, chính sách, việc làm của mình” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định.

Vào Đảng không phải để làm quan

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, ĐH KHXH&NV TP.HCM, đưa ra nhiều dẫn chứng và kết luận bằng những lời gan ruột: “Bác dạy: vào Đảng không phải để làm quan mà để phục vụ nhân dân. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy cán bộ có chức quyền càng cao thì việc thực hiện đúng hay sai những lời dạy của Bác sẽ ảnh hưởng đến càng nhiều người hơn.

Những lời dạy của Bác không tự động biến thành hiện thực được, mà phụ thuộc chủ yếu vào trách nhiệm của những cán bộ có vị trí cao, họ có thật sự coi mình là “người đầy tớ thật sự của nhân dân” không”.

Hơn hai tháng chuẩn bị, tọa đàm khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn sáng dẫn đường” do Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức đã nhận được 80 bài tham luận của các cán bộ, nhà khoa học, các nhà giáo, nhà văn, nhà báo.

Các tham luận tập trung vào năm nội dung chính: giá trị trường tồn của di chúc; thấm nhuần lời dặn của Bác về tinh thần phục vụ nhân dân; giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; giữ gìn thành quả cách mạng; tổ chức, bồi dưỡng đội ngũ kế thừa.

“Một bộ phận không nhỏ đảng viên đã suy thoái, biến chất” - ông Phạm Đức Hải, phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, lặp lại một lần nữa nỗi lo đau đáu, canh cánh đã từng được thốt ra nhiều lần bởi những người lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước.

Nỗi đau đáu ấy cũng được nói ra, đọc ra trong đa số các bài tham luận được gửi đến cuộc tọa đàm hôm nay. 

Trong di chúc, Bác viết: “Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Lời lẽ đọc lên rất nhẹ nhàng nhưng ông Hồ Bá Thâm - nguyên giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia tại Cần Thơ - nhận định: “Đây không phải lời nhắc nhở thông thường mà là ở cấp độ báo động. Và không chỉ về cuối đời Bác mới nhấn mạnh như vậy”.

Từ từng việc nhỏ

Nhà văn Trầm Hương tâm sự: “Tôi thuộc trong số đảng viên ngưỡng mộ tấm gương sống giản dị của Bác Hồ. Tôi biết để có được sự giản dị như Bác phải qua một quá trình phấn đấu, học tập, tu dưỡng, phải vượt qua một quá trình vật vã, phải đấu tranh với bản thân mình, tự điều chỉnh hành vi, hướng thượng”.

Ông Phan Văn Lợi, chuyên viên Ban tuyên giáo Q.1, ôn lại những câu chuyện đơn sơ mà như huyền thoại về Bác: đêm giao thừa đến thăm gia đình nghèo nhất Hà Nội; ngày độc lập là người đầu tiên nhịn ăn, bớt gạo cứu đói đồng bào; tự phê bình và nhận trách nhiệm trước toàn dân về những sai lầm của “cải cách ruộng đất”.

Dẫn ra những chỉ số khả quan của chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, chính sách văn hóa, giáo dục, phúc lợi, an sinh xã hội ở TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, lặp lại lời của Bác: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do. Nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà đòi ăn no, mặc ấm, người khác mặc kệ là không tốt. Mình muốn ăn no, mặc ấm cũng cần làm sao cho mọi người được ăn no, mặc ấm”.

Không thể dẫn hết những lời căn dặn mà Bác đã để lại, không thể kể hết những việc Bác đã làm cho dân, cho nước cả đời, cũng không thể nói hết những gì mình đã và sẽ làm để học tập và làm theo gương Bác, nhưng qua những bài tham luận tham gia hội thảo đã thấy được những trăn trở, suy nghĩ của thế hệ hôm nay trong việc thực hiện di chúc của Bác.

 

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên