03/02/2024 10:38 GMT+7

Làm gì để kinh tế bứt phá?

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia nêu các giải pháp cần thực hiện để giải quyết khó khăn, thách thức, giúp kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm 2024.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng kiều bào về dự chương trình

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng kiều bào về dự chương trình "Xuân quê hương 2024" tại lễ dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: TTXVN

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến các giải pháp cần ưu tiên triển khai thật tốt để phát triển kinh tế với mục tiêu quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Từ gợi mở của Tổng bí thư, Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia... về các giải pháp cần thực hiện để giải quyết khó khăn, thách thức, giúp kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm 2024.

* Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế):

4 giải pháp trọng tâm

Làm gì để kinh tế bứt phá?- Ảnh 2.

Từ bài viết của Tổng bí thư, tôi nghĩ có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế thì cần tập trung vào bốn giải pháp.

Đầu tiên là công khai, minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp và cấp dưới thông qua Internet; kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp giám sát, phản biện.

Cần thành lập hội đồng giám sát, phản biện, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính quốc gia do Bộ Chính trị chỉ đạo, thành viên của hội đồng là các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và Quốc hội để đảm bảo không xung đột lợi ích khi hoạt động.

Hội đồng có trách nhiệm giám sát, phản biện và đưa ra các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính.

Chỉ có làm như vậy mới có thể thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, hiệu quả, đưa ra ánh sáng những góc khuất văn bản hành chính nhà nước, khắc phục được tình trạng văn bản lòng vòng mất hàng năm mới ra được nửa trang A4 là đồng ý hay không đồng ý.

Thứ hai, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp để chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động của nền kinh tế sang hướng xanh, tuần hoàn... Trước mắt, những quy định về bán điện tái tạo trực tiếp; cơ chế điện mặt trời tự sản, tự tiêu; tín dụng hỗ trợ đầu tư lưu trữ điện mặt trời dưới dạng thủy điện tích năng (rất dễ tận dụng địa hình đồi núi) cần sớm được ban hành.

Thứ ba là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chuyển mạnh từ thẩm định trước sang kiểm tra, xác minh sau. Quan điểm cấp nào làm tốt hơn sẽ phân cho cấp đó và một việc nên phân cho một cơ quan, một cấp quyết định.

Thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật, trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo thì sửa đổi, bổ sung kịp thời, không vì mới ban hành mà không sửa đổi. Trường hợp có cách hiểu khác nhau thì Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần giải thích để có cách áp dụng thống nhất.

Thứ tư là số hóa tài chính nền kinh tế. Mọi tài khoản, tài sản (chứng khoán, bất động sản, hợp đồng bảo hiểm...) trong nền kinh tế cần được gắn với định danh công dân, tổ chức và chuẩn hóa các dữ liệu này để có thể sử dụng, khai thác tập trung khi cần thiết.

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (ủy viên Ủy ban Tài chính):

Hành động cụ thể để "chớp" các cơ hội lớn

Làm gì để kinh tế bứt phá?- Ảnh 3.

Năm 2024, dự báo các yếu tố bên ngoài tiếp tục có những tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% thì cần nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được. Trong đó, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên.

Đồng thời, phải có hành động cụ thể nhằm "chớp" được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.

Chúng ta cần xác định rõ không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào mà cần đồng hành với họ. Đặc biệt để làm được việc đó, cần cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý và tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ. Thời gian vừa qua đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tập trung các nỗ lực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hy vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới trong năm 2024.

Một yếu tố quan trọng khác cần lưu tâm là thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là không nên chỉ dừng lại ở đầu tư cốt lõi về hạ tầng giao thông mà cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực về hạ tầng khác, đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số...

* TS VŨ TIẾN LỘC (chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC):

Quan trọng là cải cách thể chế

Làm gì để kinh tế bứt phá?- Ảnh 4.

Dù năm 2024 đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức nhưng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chưa từng có.

Đó là sự chuyển dịch địa chính trị, kinh tế và cạnh tranh chiến lược trên thế giới mở ra cơ hội để trở thành một trung tâm, điểm đến của các dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới.

Không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn mà các ngành công nghiệp khác, các ngành thương mại, dịch vụ kể cả an sinh xã hội cũng sẽ được hưởng lợi của quá trình này.

Nhưng tận dụng tốt được cơ hội này hay không thì còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...

Nói về cải cách thể chế thì thể chế tốt sẽ khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền và ngược lại thì xuất hiện tình trạng có tiền cũng không tiêu được.

Trong bối cảnh hiện nay, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn để tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cũng cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Tất cả phải được triển khai thiết thực, tận tâm với các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này.

Saigon Co.op đã đưa vào vận hành hệ thống kho được xây dựng theo chuẩn xanh với trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới đảm bảo hàng hóa luôn xanh sạch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Saigon Co.op đã đưa vào vận hành hệ thống kho được xây dựng theo chuẩn xanh với trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới đảm bảo hàng hóa luôn xanh sạch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Nguyễn Hoàng Dũng (chuyên gia kinh tế):

Thu hút ý tưởng từ mọi người

Làm gì để kinh tế bứt phá?- Ảnh 6.

Từ nội dung bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ trước mắt cần tập trung cân bằng và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mạnh sản xuất trong nước trên mọi lĩnh vực theo các kịch bản kinh tế khả thi nhất nhằm duy trì đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, tạo tiền đề và động lực để phát triển bền vững trên mọi mặt thông qua hợp tác quốc tế.

Thực hành nghiêm túc mọi nhà, mọi doanh nghiệp tiết kiệm, chống triệt để việc lãng phí, từng bước thực hiện hiệu quả, thành công các nghị quyết đã được trung ương thông qua về tầm nhìn chiến lược, phát triển cân đối và khai phá tiềm năng các vùng miền, đặc biệt là sáu vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có TP.HCM (đầu tàu kinh tế cả nước).

Cùng với đó, quản trị thật hiệu quả các vấn đề phát sinh trong từng bộ, từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực đã được đề ra, tạo bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong năm 2024 và vững bền trong 5 năm tiếp theo 2026 - 2030. Cơ quan nội vụ tiếp nhận đầy đủ mọi hiến kế, sáng kiến. Cơ quan chuyên trách nên trả lời từng vấn đề của từng đối tượng và nên đối thoại với người có sáng kiến để tăng hiệu quả.

Về lâu dài, cần nhanh chóng nâng cao thu nhập trung bình cho người dân và đội ngũ cán bộ, công chức để mỗi người sống vui vẻ và thoải mái. 

Mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương đều tập trung đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và toàn diện mọi lĩnh vực: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, cốt lõi là hướng tới phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội... Thu hút mạnh trí thức bậc cao từ kiều bào, thu hút công nghệ cao từ đầu tư nước ngoài, nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Quan trọng hơn, cần có chương trình mỗi người dân là một nhà sáng chế. Để làm được điều đó, Nhà nước cần hỗ trợ công tác tuyên truyền, tập huấn vai trò quan trọng của sáng chế, thủ tục hành chính đăng ký đơn giản hiệu quả, và quan trọng nhất là công tác thương mại hóa những bằng sáng chế, khi đó Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh về nghiên cứu và phát triển liên ngành.

Cuối cùng, việc chọn lọc và đào tạo cán bộ chuyên trách cũng là vấn đề cốt tử để tạo ra hệ thống không thể có chuyện tư lợi, đùn đẩy trách nhiệm... Đồng thời phát huy dân chủ thật cao trong nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để mọi người dân đều có thể kiểm tra giám sát cán bộ nhà nước, kịp thời phản ánh, khiếu nại, tố cáo những cán bộ cố ý làm sai.

* TS Huỳnh Thế Du (giảng viên thỉnh giảng Trường chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam):

Hành động và hành động

Làm gì để kinh tế bứt phá?- Ảnh 7.

Những thành công và hạn chế từ năm 2023 đã được Tổng bí thư chỉ rõ nên tôi nghĩ để năm 2024 có thể tạo ra tiền đề cho những năm tiếp theo là hành động, hành động và hành động để từng cá nhân và cả hệ thống cùng hành động một cách quyết liệt, tích cực, đả thông tư tưởng, xốc dậy tinh thần dám nghĩ dám làm là hết sức quan trọng.

Ở khía cạnh này, hiểu đúng thông điệp mà Tổng bí thư đưa ra và tiến hành việc chống tham nhũng cùng với tạo cơ chế và niềm tin để đội ngũ cán bộ công chức yên tâm làm việc là hết sức quan trọng.

Tổng bí thư đưa ra hai vế rất rõ ràng: "Loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng" và "Bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

Từ đó, tôi đề xuất: Thứ nhất, khoanh vùng và phạm vi thử nghiệm cơ chế, triển khai những vấn đề mới, có thể có những rủi ro không thể lường trước. Việc này cần tiếp cận dựa trên hiệu quả tổng thể thay vì cứ sai hay kết quả không như mục tiêu là bị kỷ luật hoặc xa hơn là phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây là một cơ chế khó, nhưng cần phải làm bằng được. Thứ hai, không có vùng cấm đối với công tác chống tham nhũng nhưng cần có những giới hạn về không gian và thời gian. Điều này có tác dụng giúp đội ngũ cán bộ công chức không cảm thấy những rủi ro luôn cận kề.

Thứ ba, tiếp cận cơ chế thử nghiệm và tạo hành lang để thực hiện cho dù khả năng không có được các kết quả như kỳ vọng rất cao trong bối cảnh người thực thi không thể hình dung toàn bộ vấn đề khi những rủi ro và điều không mong đợi thường xuyên xảy ra. Cần phải có cơ chế cho vấn đề này cùng với giải pháp thứ nhất.

Giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém

Về ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, trong bài viết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhanh, bền vững.

Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó, tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Thủ tướng đưa ra 5 quyết tâm cho phát triển kinh tế năm 2024Thủ tướng đưa ra 5 quyết tâm cho phát triển kinh tế năm 2024

Kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 5-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, vì đất nước còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên