16/06/2018 10:46 GMT+7

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cơ bản ổn định như 2017

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đó là thông tin được đưa ra từ hội nghị công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 có sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cơ bản ổn định như 2017 - Ảnh 1.

Về cơ bản, kỳ thi năm nay giữ ổn định như năm 2017. Trong ảnh: thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - Ảnh: N.H.

Hội nghị được Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến qua 5 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ chiều 15-6 với sự tham dự của hơn 750 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và trung cấp đào tạo giáo viên trong toàn quốc.

Đề cao vai trò giám sát của trường ĐH

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sau 3 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đến nay dù còn điểm này, điểm khác nhưng cơ bản là tốt. Tới đây, khi triển khai ổn định chương trình sách giáo khoa mới cũng như thực hiện đổi mới tương đối căn bản giáo dục ĐH theo hướng tự chủ thì lúc đó mới có thể có thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi này.

"Chúng ta rất vất vả qua mấy năm, đến bây giờ đã định hình được kỳ thi này và cần khẳng định đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chứ không phải kỳ thi ĐH. Khi nào kỳ thi này được tổ chức khách quan, trung thực thì đương nhiên sẽ là cơ sở tham khảo để các trường ĐH được giao quyền tự chủ ngày càng cao sử dụng kết quả phục vụ công tác tuyển sinh của mình.

Trong thời điểm này và vài năm tới, sự tham gia của các trường ĐH vào việc tổ chức kỳ thi này cùng với các sở GD-ĐT là cần thiết. Đây là trách nhiệm xã hội của các trường ĐH. Một thời gian dài chúng ta để cho việc thi cử diễn ra không công bằng giữa các địa phương và không nghiêm túc.

Các trường ĐH tham gia vào đây không chỉ là phối hợp mà cần phải tăng vai trò giám sát. Phải coi các trường ĐH như các bộ trung ương xuống địa phương với vai trò giám sát phải được đề cao" - ông Đam nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng cho biết năm nay Thủ tướng không phải ra một văn bản riêng nào về kỳ thi bởi vì thấy rằng mọi việc đã ổn định và có lòng tin ở Bộ GD-ĐT. Bộ cần phải sát sao với các địa phương tiếp tục phát huy kết quả những năm trước.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tổ chức kỳ thi năm nay cần khắc phục những bất cập để thực hiện kỳ thi tốt hơn nữa. Đặc biệt từ công tác chuẩn bị (ra đề, in sao, vận chuyển, bố trí coi thi...) để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không sơ sót, không lọt - lạc đề thi.

"Việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh cũng phải bài bản, công bằng, khách quan đúng theo quy chế" - ông Nhạ nói.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cơ bản ổn định như 2017 - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng 7,5%

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - cho biết về cơ bản kỳ thi năm nay được giữ ổn định như năm 2017, có một số điểm mới. Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, chủ yếu là lớp 12. Nâng cao độ phân hóa của đề thi.

Thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì phải thi đầy đủ hai bài thi này mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm 2017.

"Điều chỉnh này phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm tổ chức thi an toàn, tránh các bất cập có thể xảy ra. Phải có chữ ký, họ tên của phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường ĐH, CĐ lên niêm phong túi đựng bài thi" - ông Trinh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - cho biết thêm, số thí sinh đăng ký xét tuyển hiện nay là 688.641 (tăng 7,5% so với năm 2017), tổng số nguyện vọng 2.750.444 (tăng 7,1%).

Cũng theo bà Phụng, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là hơn 455.000 (tăng 1,2% so với năm trước), tổng chỉ tiêu theo phương thức khác (học bạ...) là hơn 110.800 (tương đương năm trước).

Thống kê chỉ tiêu theo 7 nhóm ngành và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành trong đó đáng chú ý có đến hơn 104.800 nguyện vọng đăng ký nhóm ngành sư phạm, chênh lệch 5,64 lần so với chỉ tiêu.

Thống kê số nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp cho thấy có khoảng 90% thí sinh đăng ký vào 5 tổ hợp truyền thống. Mặc dù có hàng trăm tổ hợp khác nhưng chỉ có hơn 10% thí sinh đăng ký các tổ hợp còn lại.

Về công tác xét tuyển năm ngoái, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, về cơ bản thành công nhưng còn một số hạn chế như điểm ưu tiên, nguyện vọng xét tuyển, điểm đầu vào, chỉ tiêu...

Theo bộ trưởng, các trường được phép tự chủ nhưng phải chịu trách nhiệm, trước hết là chỉ tiêu, chất lượng đầu vào và đầu ra. Năm nay, bộ giao quyền xác định ngưỡng đầu vào cho các trường. 

Lưu ý về công tác tuyển sinh năm nay, bộ trưởng đề nghị các trường đại học, dù khó khăn nhất cũng không thể "vơ" bằng mọi cách.

Phải nắm chắc quy chế

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị không được chủ quan trong việc tập huấn cho giám thị và những người có liên quan nắm thật chắc quy chế. Liên quan đến việc xét tuyển ĐH, CĐ, bộ trưởng yêu cầu các trường không được mở rộng chỉ tiêu khi điều kiện đảm bảo chất lượng không tương xứng.

"Cần mạnh dạn củng cố điều kiện đảm bảo chất lượng, chấp nhận năm 2018 quy mô tuyển sinh không nhiều nhưng chất lượng. Tôi đề nghị các trường rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt các ngành, khoa điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đạt và nhu cầu đầu ra không cao thì không cố tăng quy mô tuyển sinh" - ông Nhạ nói.

ttn1

Thí sinh làm bài trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - Ảnh: N.HÙNG

Về thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm 2017, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm một số ý kiến:

* Thầy Đoàn Hồng Hà (tổ phó tổ vật lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM): Đây là việc hợp lý vì tránh được tình trạng gian lận trong thi cử: tranh thủ thời gian chuyển tiếp để trao đổi với nhau về bài thi, gây bất bình đẳng giữa học sinh các địa phương, lâu dài sẽ tiến tới việc thực hiện bài thi tổ hợp trong 150 phút.

* Cô Nguyễn Thị Mai (tổ trưởng tổ địa lý, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM): Theo lịch thi thì tổ hợp môn khoa học xã hội sẽ thi vào ngày cuối cùng. Việc rút ngắn thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần xuống còn 10 phút sẽ gây căng thẳng cho một số thí sinh tâm lý yếu, nhưng với những thí sinh đã được rèn luyện với áp lực của bài thi tổ hợp thì việc này rất có lợi cho các em. Đây cũng là ưu điểm của thay đổi này.

* GS Vũ Văn Hóa (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội): Việc bổ sung quy định "phải có chữ ký, họ tên của phó trưởng điểm thi là cán bộ của ĐH, CĐ lên niêm phong túi đựng bài thi" trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018 cần được cân nhắc xem lợi ích đem lại có thực sự xứng đáng hay không. Thực tế, trong bao nhiêu kỳ thi tuyển sinh trước đây do các trường ĐH tổ chức, hay hàng chục kỳ tuyển sinh "ba chung" thì cũng chỉ có hai giám thị phòng thi ký lên túi bài thi. Việc thêm chữ ký của người thứ ba không biết sẽ giải quyết vấn đề gì?

H.HG. - N.HÀ ghi

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: 10 điểm thí sinh cần lưu ý Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: 10 điểm thí sinh cần lưu ý

TTO - Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 cơ bản giữ ổn định như năm 2017 nhưng có một số điều chỉnh thí sinh cần phải ghi nhớ.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên