01/11/2018 21:58 GMT+7

Không đặt gánh nặng chi phí lên thế hệ trẻ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - GS Gebhard Hafer, hiệu trưởng ĐH BBW University of Applied Science (Đức), chia sẻ kinh nghiệm của Đức - quốc gia có đến 60% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nghề - trong thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Không đặt gánh nặng chi phí lên thế hệ trẻ - Ảnh 1.

GS Gebhard Hafer, hiệu trưởng Trường ĐH BBW University of Applied Science (Đức), chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo - Ảnh: NGỌC HÀ

Chính phủ có trách nhiệm với thế hệ trẻ, không đặt gánh nặng chi phí lên thế hệ trẻ, gia đình và xã hội

GS GEBHARD HAFER

Ngày 1-11, bên lề hội thảo Quản lý hiệu quả cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, GS Gebhard Hafer cho biết với kinh nghiệm 70 năm làm hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, nước Đức luôn xác định vấn đề tài chính của giáo dục nghề nghiệp là trách nhiệm của Chính phủ.

Phân tích về việc thực hiện tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp, GS Gebhard Hafer cho biết các cơ sở đào tạo của Đức không bị bắt buộc phải tự chủ về tài chính.

"Chính phủ có trách nhiệm với thế hệ trẻ, không đặt gánh nặng chi phí lên thế hệ trẻ, gia đình và xã hội" - GS Gebhard Hafer nhấn mạnh.

GS Gebhard Hafer bày tỏ sự thấu hiểu về băn khoăn của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thực hiện tự chủ.

"Với vấn đề tự chủ, dường như các bạn đang tập trung quá mức cần thiết vào một đối tượng cụ thể là nhà trường. Làm như vậy là đang quên đi mất khách hàng thực sự của chúng ta chính là học sinh mới 15-17 tuổi - những người vẫn đang ở tuổi cần được bảo trợ.

Do đó, nếu chỉ tập trung vào nhà trường là rất hạn hẹp và không hợp lý" - GS Gebhard Hafer khuyến cáo.

Để thực hiện tự chủ phải tạo ra được một hệ thống cho phép các chủ thể được phối hợp năng động, linh hoạt, chứ không phải chỉ ưu tiên tạo ra cơ chế riêng thông thoáng hơn cho một chủ thể bất kỳ nào.

Nhìn từ kinh nghiệm nước Đức, GS Gebhard Hafer chỉ rõ có 4 trụ cột của hệ thống.

Cụ thể, trụ cột đứng đầu là vai trò của Chính phủ. Chính phủ Đức vẫn đang cấp phần lớn ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp, hiệp hội kinh tế đóng góp đến 30% nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, xác định nhu cầu nhân lực, "đặt hàng" các cơ sở đào tạo và cung cấp nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình đào tạo.

Trụ cột thứ ba là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 90% các cơ sở của Đức vẫn hoạt động theo quy định của bang, liên bang trong những khuôn khổ, thể chế thống nhất, công bằng, minh bạch.

Trụ cột thứ tư là các phòng thương mại đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng, tổ chức thi và cấp chứng chỉ công nhận, trong tổ chức và lựa chọn cán bộ đào tạo trong doanh nghiệp.

Trường nghề cần đa dạng hóa nguồn thu

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực năm 2015 đưa ra những quy định khuyến khích cơ chế tự chủ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đa dạng hóa nguồn thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách, hoặc chi trả cho các chi phí không nằm trong các hạng mục phân bổ bởi ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường năng lực để gắn kết hiệu quả với các doanh nghiệp, tăng cường trao đổi thông tin thị trường và các khóa đào tạo, trao đổi những chương trình hợp tác mà doanh nghiệp tham gia các khâu của quá trình đào tạo…

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên