05/04/2023 15:07 GMT+7

Hơn 20 năm, tôi nhớ hoài tiết học thầy Bùi Mạnh Nhị

Hơn 20 năm, trong tôi vẫn luôn còn mãi hình ảnh thầy Bùi Mạnh Nhị và tiết học năm ấy, như một nguồn động viên lớn lao cho tôi bước tiếp...

Hơn 20 năm, tôi nhớ hoài tiết học thầy Bùi Mạnh Nhị - Ảnh 1.

Cựu sinh viên khóa 24 Ngữ văn Đại học Sư phạm TP.HCM đến thăm thầy Bùi Mạnh Nhị tại nhà riêng - Ảnh: Tác giả Phương Thảo cung cấp

Những năm cấp 3, tôi đam mê văn chương, viết lách. Mỗi ngày đều bỏ bữa sáng, để dành những đồng tiền ít ỏi để mua báo Mực TímHoa Học Trò. Tôi học ngày đêm ở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, mơ ước đến một ngày nào đó được tuyển thẳng vào khoa báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trở thành một nhà báo thực sự. 

Cuối cùng, tôi cũng là học sinh giỏi quốc gia, cũng được tuyển thẳng, nhưng là vào khoa ngữ văn của Trường đại học Sư phạm TP.HCM theo định hướng của gia đình. Năm 1998, vào Sài Gòn, bao lần tôi đạp xe đến số 12 Phạm Ngọc Thạch, tòa soạn báo Mực Tím, chỉ để nhìn một lát rồi đi, tâm hồn ngập tràn một nỗi buồn không thể diễn tả thành lời.

Tôi cứ mang tâm trạng đó để trở thành sinh viên của Đại học Sư phạm. Dù bạn bè rất tốt với tôi, dù thầy cô là những người đáng kính, hết lòng với sinh viên, mỗi ngày tôi được nghe biết bao bài giảng tâm huyết, say mê, nhưng tôi vẫn không thể hòa mình với nơi ấy. 

Và có đôi lần, tôi nghĩ, có lẽ tôi phải từ bỏ, tôi không thể trở thành cô giáo được. Tôi âm thầm lục lại sách vở cũ, ngày đêm ôn luyện, để chuẩn bị cho kỳ thi năm tới…

Cho đến một buổi học vào tháng 11 năm đó, giờ văn học dân gian của thầy Bùi Mạnh Nhị. Thầy gọi tôi lên trước giảng đường, trình bày về một chủ đề bất ngờ chưa chuẩn bị sẵn. Nhưng với vốn văn chương sẵn có, và niềm đam mê ca dao dân ca từ nhỏ, tôi đã trả lời suôn sẻ, thuyết phục cả thầy và các bạn. 

Còn nhớ, sau khi tôi kết thúc, thầy đến bên cạnh, nhìn vào mắt tôi, và nói, giọng thầy trầm ấm - đầy tin tưởng: "Bài trình bày của em rất tốt, em rất có năng khiếu văn chương và có tố chất của một nhà giáo. Thầy tin sau này em sẽ trở thành một giáo viên giỏi".

Tối đó, tôi đã trằn trọc rất lâu trên chiếc giường nhỏ ở ký túc xá. Tôi có xứng đáng với lời khen ngợi của thầy và những tràng vỗ tay của các bạn hay không? Cảm xúc tự hào xen lẫn với sự áy náy, xấu hổ. Tôi ngồi đọc lại giáo trình văn học dân gian đến hơn nửa đêm. Rồi rất dứt khoát, tôi gom những cuốn sách văn, sử, địa ôn thi đại học lại, cất vào đáy rương…

Những ngày sau đó, tôi lại đến trường nhưng với một tinh thần tươi mới hơn. Từng góc hành lang, mỗi hàng cây, giảng đường ngày qua ngày đã trở nên gắn bó thân thuộc đến dường nào. Đến lúc nhận ra rằng cái địa chỉ 280 An Dương Vương đã trở thành một phần của tuổi trẻ, thì bốn năm đại học cũng trôi qua, nhanh như một giấc mơ.

Thấm thoát đã hơn hai mươi năm, tôi vẫn đi trên con đường, dù ban đầu không phải do mình chọn, một cách đầy kiên định, và tự hào! Lắm lúc đôi chân có mỏi, dù lắm khi chạnh lòng… nhưng mỗi lúc đứng trên bục giảng, tôi lại say sưa với từng bài học như ngày đầu lên lớp. 

Mỗi năm học mới, khi tiếng trống tựu trường vang lên, tôi lại nghe lòng mình dâng lên niềm xúc động, tự hào… thì tôi biết, tôi đã được nghề giáo "chọn", tôi biết rằng mình không thể rẽ ngang một con đường khác, dù nó có bằng phẳng hơn, trơn láng hơn.

Hơn hai mươi năm, tôi đã thực sự trở thành giáo viên giỏi như kỳ vọng của thầy năm ấy hay chưa, tôi vẫn chưa trả lời hết được. Nhưng ký ức trong tôi vẫn luôn còn mãi hình ảnh người thầy và tiết học năm ấy, như một nguồn động viên lớn lao cho tôi bước tiếp.

LÊ THỊ PHƯƠNG THẢO

(Sinh viên khóa 24 Ngữ văn Đại học sư phạm TP.HCM)

"Tặng em mua thuốc men chăm sóc mẹ"...

Mình có may mắn trực tiếp được học, làm việc, chuyện trò với thầy Bùi Mạnh Nhị từ khi sinh viên đến tận bây giờ. Tấm lòng của thầy bao dung, rộng mở với các thế hệ sinh viên nên ai cũng kính quý thầy! Riêng mình, không chỉ kính quý, ngưỡng mộ mà còn mang ơn thầy nhiều lắm!

Lúc thầy làm chủ nhiệm khoa ngữ văn thì Cải là bí thư Đoàn khoa. Khi thầy làm bí thư Đảng ủy/hiệu trưởng trường thì Cải là phó bí thư Đoàn trường kiêm chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Trong mỗi lần tham mưu các kế hoạch lớn của Đoàn - Hội cấp khoa hay cấp trường, thầy đều nhắc nhở lưu ý đến thực chất, chiều sâu, gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ sư phạm của sinh viên.

Cựu sinh viên Phương Thảo, Nguyễn Văn Cải đến thăm thầy Bùi Mạnh Nhị (giữa) tại nhà riêng - Ảnh: Tác giả Phương Thảo cung cấp

Cựu sinh viên Nguyễn Văn Cải (bìa phải) đến thăm thầy Bùi Mạnh Nhị (giữa) tại nhà riêng - Ảnh: Tác giả Phương Thảo cung cấp

Khi mình bị trộm lấy mất xe đạp sau chương trình văn thơ của trường, thầy cùng với thầy cô ở khoa ngữ văn góp lại cho mình 500.000 đồng mua chiếc xe đạp Martin 107 mới để có phương tiện đến trường, đi dạy kèm và tham gia hoạt động Đoàn - Hội.

Khi mẹ mình bệnh nặng nằm điều trị ở Thủ Đức, mỗi tuần mình đạp 2 lần từ Sài Gòn ra Thủ Đức thăm mẹ. Thầy biết hoàn cảnh, gọi mình lên khoa động viên, rồi móc ra trong túi bì thư tiền thưởng nghiên cứu khoa học gì đó của thầy (còn dán kín), khui ra và trích 300.000 đồng "tặng em mua thuốc men chăm sóc mẹ"...

Năm ngoái, khi mình bệnh phải theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thầy gọi điện cho bác sĩ trưởng khoa nhờ tư vấn và theo dõi. Thầy động viên và chia sẻ thật nhiều. Mặc dù thầy đã trải qua bạo bệnh phải thay gan, nhưng thầy rất lạc quan, cần mẫn lao động khoa học, nghiên cứu, viết sách!

Mãi nhớ ơn và nguyện sống xứng đáng với gương thầy!

NGUYỄN VĂN CẢI

(Học trò thầy Bùi Mạnh Nhị, khóa 24, 1998-2002)


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên