10/04/2018 09:19 GMT+7

Học văn bằng... phim và clip

NGỌC BIỂN
NGỌC BIỂN

TTO - Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy, xem phim và các clip về tự nhiên, con người, lịch sử, kinh tế của Việt Nam cũng như các nước khác là cách mà Nguyễn Vũ Nguyên An học các môn văn, sử, địa.

Học văn bằng... phim và clip  - Ảnh 1.

Nguyễn Vũ Nguyên An - Ảnh: NGỌC BIỂN

Kết quả của cách học ấy, Nguyễn Vũ Nguyên An đã đạt 28,25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 và trở thành thủ khoa khối C Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Học văn với sơ đồ tư duy

Trong việc học, Nguyễn Vũ Nguyên An luôn tâm niệm học để phát triển bản thân chứ không phải học để thi. "Nếu mình học với tâm thế thoải mái, học để biết thêm thì mình sẽ không bị mệt mỏi hay quá tải" - An nói. 

Đối với môn văn, An thường chia tác phẩm văn học ra các phần của nó, với mỗi phần An sẽ tìm tài liệu liên quan để đọc, nắm các ý chính trong đó. Khi gần thi An sẽ hệ thống kiến thức lại bằng sơ đồ tư duy, từ từ phát triển ý ra chứ không học "vẹt". 

"Học vẹt sẽ rất nhanh quên, khi hệ thống lại mình sẽ hiểu và lâu quên hơn. Lúc ôn thi phòng mình kín giấy, một tác phẩm mình vẽ đi vẽ lại từ 1 đến 3 lần và đọc nhiều sách tham khảo hoặc tài liệu của các thầy cô uy tín trên mạng, từ đó rút ra cách viết cho riêng mình" - An chia sẻ.

"Chinh chiến" qua nhiều cuộc thi lớn nhỏ, An nhận định: "Đề thi không yêu cầu thí sinh quá tập trung vào lý luận văn học nhưng mình nghĩ nếu thí sinh có một nền tảng kiến thức về lý luận văn học thì là một điều vô cùng thuận lợi cho các bạn. 

Nếu thí sinh có kiến thức lý luận văn học sẽ lấy được cảm tình của người chấm giữa hàng trăm hàng ngàn bài khác vì các bạn có cách tư duy riêng biệt và sâu sắc hơn". 

Cô gợi ý thêm, trong quá trình viết văn, các bạn nên sử dụng thao tác so sánh các tác phẩm văn học với nhau. Ví dụ: so sánh điểm giống và khác nhau của hai nhân vật trong hai tác phẩm, từ đó chứng minh nét sáng tạo của tác phẩm mình đang phân tích.

Còn trong phòng thi, theo An, viết nhanh là một lợi thế. Với 120 phút cho một bài thi ngữ văn bao gồm kiến thức lớp 11 và 12, các bạn nên phân chia thời gian hợp lý cho ba câu. Đầu tư nhiều nhất vào câu nghị luận văn học, ngoài các ý chính thì cần có thêm sự sáng tạo mới mẻ. 

Còn nghị luận xã hội phải viết đúng trọng tâm đề yêu cầu, ngắn gọn, không nên tán quá lan man. Chữ viết và chính tả cũng rất quan trọng, cho dù bạn viết một bài văn hay nhưng người chấm không đọc được hoặc khó chịu vì sai chính tả thì bạn cũng sẽ khó đạt điểm khá.

Học văn bằng... phim và clip  - Ảnh 2.

Nguyễn Vũ Nguyên An - Ảnh: NGỌC BIỂN

Xem thêm bài giảng online

"Bản chất của môn sử - địa là thực tế!" - An khẳng định trước khi chia sẻ về cách học sử - địa của mình. Cụ thể, với môn địa, địa lý tự nhiên sẽ chi phối đến ba yếu tố: địa lý dân cư, địa lý ngành và địa lý vùng. 

"Tự nhiên là cái gốc! Ban đầu học phần này mình cũng hoang mang lắm vì nó khó nhớ. Mình luôn phải ghi chú lại từ khóa và học theo từ khóa đó rồi phát triển các ý. Mình học bằng trực quan là ghi nhớ thật kỹ bản đồ Việt Nam và mỗi lần học đến phần nào thì sẽ tưởng tượng lại bản đồ trong đầu rồi phân tích nó. 

Lúc rảnh rỗi mình sẽ xem thêm bài giảng online của các thầy cô uy tín trên mạng hoặc xem các phim tư liệu về vấn đề đó. Khi vào phòng thi cho dù có quên ý nhưng mình vẫn có thể tái hiện kiến thức qua hình ảnh trực quan" - An chia sẻ.

Cô cũng nói thêm, với kiến thức lớp 11 về địa lý quốc tế thì việc xem phim hay các clip về tự nhiên, con người, lịch sử, kinh tế của các nước ấy là cực kỳ cần thiết. Kiến thức về các nước ấy rất rộng, đọc sách không thể khiến ta hiểu thấu được nó. Hình ảnh sẽ là một kênh hữu dụng giúp não bộ ghi nhớ lâu hơn. 

"Các bạn cũng nên lập một bảng hệ thống các công thức tính toán của môn địa. Nếu học theo kiểu học thuộc, mình sẽ rất dễ bị sót. Và không nên tốn thời gian vào những bài tập quá nâng cao" - An nói.

Về môn sử, sử là các giai đoạn khác nhau nên cô học theo từng giai đoạn, nắm ý chính của từng giai đoạn và không bỏ bất kỳ một giai đoạn nào vì các giai đoạn thường móc nối với nhau. 

Theo An, sơ đồ tư duy trong học sử rất quan trọng, để hệ thống kiến thức thành một dòng chảy theo tiến trình phát triển của lịch sử. Kết hợp lịch sử với địa lý để tái hiện và hình dung rõ ràng hơn về các chiến dịch, trận đánh. 

Các bạn nên lập bảng biểu với thời gian, nội dung, kết quả, ý nghĩa và các trận đánh vào một nhóm, các hội nghị vào một nhóm. Trước khi thi các bạn thường có tâm lý căng thẳng khiến kiến thức bị loãng ra, nhìn vào các bảng đó mình sẽ hệ thống được toàn bộ kiến thức của mình. 

"Vì thi trắc nghiệm nên các bạn phải học hết các kiến thức trong sách giáo khoa, không được bỏ phần nào. Nếu bạn nào có tư tưởng học tủ thì sẽ không bao giờ được điểm cao. Các bạn cũng nên tham khảo những bộ đề trắc nghiệm của năm trước hoặc của các trường khác. 

Khi làm đề cũng không nên quá vội vàng, mà nên bình tĩnh đọc kỹ câu hỏi trước khi khoanh đáp án" - An khuyên.

NGỌC BIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên