02/11/2023 15:19 GMT+7

Học thông qua chơi gắn kết trẻ với người thân

Từ năm 2019 đến nay, đã có 60.000 giáo viên và 370.000 phụ huynh, học sinh cả nước tiếp cận với dự án lồng ghép học thông qua chơi vào giáo dục tiểu học.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành (Quảng Trị) hào hứng khoe thành quả sau những buổi học thông qua chơi - Ảnh: P.THẢO

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành (Quảng Trị) hào hứng khoe thành quả sau những buổi học thông qua chơi - Ảnh: P.THẢO

Học thông qua chơi giúp trẻ học vui, nhẹ nhàng hơn

Nhiều học sinh chia sẻ từ lúc được học theo hình thức học thông qua chơi luôn cảm thấy vui, thoải mái trong giờ học, cả những lúc cùng chơi và học với cha mẹ, ông bà ở nhà, thấy gắn kết hơn với những người xung quanh.

Anh Nguyễn Phúc Thọ - phụ huynh học sinh tại TP.HCM - cho biết hướng tiếp cận giáo dục này giúp trẻ luôn hứng thú trong quá trình học, có cơ hội trải nghiệm các vấn đề thực tế một cách gần gũi nhất, từ đó phát triển các kỹ năng của bản thân.

Song song đó, anh Thọ cũng cho rằng phụ huynh có cơ hội quan sát, hiểu rõ hơn về con thông qua các hoạt động của dự án.

Anh Võ Thanh Vinh - một phụ huynh khác tại TP.HCM - chia sẻ: "Hiện nay con trẻ bị cuốn hút vào các thiết bị công nghệ, dần mất đi cơ hội giao tiếp trong gia đình.

Khi áp dụng học thông qua chơi, chúng tôi vừa được tham gia giảng dạy vừa có cơ hội giao tiếp với con nhiều hơn, ấm áp hơn".

Với mô hình giáo dục học thông qua chơi, học sinh được khuyến khích nêu góc nhìn, tự do sáng tạo - Ảnh: P.THẢO

Với mô hình giáo dục học thông qua chơi, học sinh được khuyến khích nêu góc nhìn, tự do sáng tạo - Ảnh: P.THẢO

Chúng tôi thực hiện dự án iPLAY thông qua sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, tạo cơ hội cho nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở nhiều nơi có thể tiếp cận với "Học thông qua chơi". Các khóa học trực tuyến hoàn toàn miễn phí, góp phần đảm bảo tính bền vững của dự án.
Bà Karolina Rutkowska (giám đốc chương trình quốc gia VVOB tại Việt Nam)

Càng ý nghĩa với vùng sâu, vùng xa

Dưới góc nhìn người làm giáo dục ở khu vực còn nhiều khó khăn, ông Lương Quốc Sùng -Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Xuyên, Hà Giang - nói mô hình học thông qua chơi giúp học sinh tương tác nhiều hơn, hứng thú học hơn và giáo viên cũng cảm nhận rõ tính hiệu quả qua từng bài giảng.

Giai đoạn đầu, theo ông Sùng, nhiều giáo viên khá áp lực vì sợ "cháy giáo án". Chưa kể những giáo viên lớn tuổi ngại đổi mới, chưa thật sự hiểu tinh thần của dự án.

Tuy nhiên, sau đó các giáo viên đều hứng thú với hướng tiếp cận giáo dục này. Nhiều người chủ động mời lãnh đạo sở, phòng dự giờ lớp học thay vì tránh né như trước.

Dẫu vậy, ông Sùng cho rằng cần sự hợp tác tốt hơn từ phụ huynh để dự án hiệu quả hơn. Chẳng hạn như với khu vực phát triển, phụ huynh cần giúp con vận động nhiều hơn để cơ thể khỏe mạnh, giảm tỉ lệ trẻ béo phì.

"Với vùng sâu, vùng xa, cha mẹ cần cho con cơ hội giao tiếp tiếng Việt nhiều hơn để con trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ một cách nhất quán", ông Sùng nói.

Các học sinh đang cùng tham gia học thông qua chơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên - Ảnh: P.THẢO

Các học sinh đang cùng tham gia học thông qua chơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên - Ảnh: P.THẢO

Giáo dục vì sự phát triển bền vững

Thông qua sự hợp tác của VVOB cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án tiếp cận giáo dục với năm đặc điểm: vui vẻ, có ý nghĩa, tạo sự tham gia tích cực, cơ hội thử nghiệm và tăng tương tác xã hội, mong muốn góp phần phát triển toàn diện kiến thức, phẩm chất và năng lực của học sinh Việt Nam để theo kịp tốc độ toàn cầu hóa.

VVOB là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập tại Bỉ năm 1982, tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Với phương châm “giáo dục vì sự phát triển”, VVOB hướng đến góp phần cải thiện chất lượng giáo dục bền vững tại các quốc gia đang phát triển.

VVOB hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc tiểu học: Môn học mới thiếu trầm trọng giáo viênChương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc tiểu học: Môn học mới thiếu trầm trọng giáo viên

TTO - Môn tiếng Anh và tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai từ năm học 2022 - 2023. Nhưng đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn thiếu trầm trọng giáo viên của hai môn học này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên