24/02/2018 13:11 GMT+7

Học sinh TP.HCM trăn trở vì bạn không biết quét nhà, nấu cơm

MAI HOA
MAI HOA

TTO – "Tuy đã học lớp 8-9 nhưng nhiều bạn không biết làm những việc nhà cơ bản như quét nhà lau nhà, nấu cơm… Đó là điều con trăn trở. Con nghĩ rằng các bạn học sinh vừa phải học giỏi, vừa phải biết tự lập sau này".

Học sinh TP.HCM trăn trở vì bạn không biết quét nhà, nấu cơm - Ảnh 1.

Em Đoàn Lê Sơn phát biểu mở màn buổi gặp gỡ. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là ý kiến của em Đoàn Lê Sơn, học sinh lớp 9 THCS Hồng Bàng, Q.5 đặt ra tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và thiếu nhi TP, diễn ra sáng 24-2.

Buổi gặp gỡ diễn ra rất sôi nổi, các em thiếu nhi liên tục giơ tay xin phát biểu, chỉ trong khoảng 45 phút đã có 30 em phát biểu. Các ý kiến đều được Chủ tịch UBND TP, giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa Thể thao trả lời.

Đừng dạy microsoft 2003, Pascal nữa…

Ý kiến của em Đoàn Lê Sơn "mở hàng" cho loạt phát biểu sôi nổi. Sơn cho biết trong tiết sinh hoạt dưới cờ, các thầy cô hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Nhưng học sinh quá đông hơn 3.000 thì việc hướng dẫn chưa thực sự hiệu quả.

"Tuy đã học lớp 8-9 nhưng nhiều bạn không biết làm những việc nhà như quét nhà lau nhà, nấu cơm… Đó là điều con trăn trở. Con nghĩ rằng các bạn vừa phải học giỏi, vừa phải biết tự lập sau này", Sơn nói.

Học sinh TP.HCM trăn trở vì bạn không biết quét nhà, nấu cơm - Ảnh 2.

Tiết mục văn nghệ tái hiện câu chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sơn đề nghị đưa tiết học kỹ năng sống vào trong chương trình học, trở thành chính khóa. Khi đó số lượng học sinh ít hơn thì hiệu quả hơn, không chỉ thầy cô mà ngay cả các bạn trong lớp biết cũng có thể chỉ lại cho các bạn khác.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn cho biết việc sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa đã được TP quan tâm từ lâu, nhưng đúng là cũng còn nơi này nơi khác chưa thực sự hiệu quả. Ông cũng nói thê, việc đào tạo nghề trong nhà trường đều là để giúp các em có những kỹ năng cuộc sống, đó là các nghề gần gũi như trồng rau nuôi cá nuôi heo ở vùng ngoại thành, chụp hình, nấu ăn…

Nhiều ý kiến thẳng thắn góp ý việc dạy và học trong nhà trường. Một em học sinh đề nghị: Về môn tin học, lớp 8 sẽ học ngôn ngữ lập trình pascal, hiện đã lỗi thời ít người sử dụng, đề nghị có thể đưa vào các chương trình lập trình mới.

Đề nghị điều chỉnh giờ làm giờ học

Một em học sinh nam đề nghị TP điều chỉnh giờ làm việc và giờ học. Theo em, nên điều chỉnh giờ bắt đầu công việc trễ hơn chút, từ 8-8g30 hàng ngày, để được ngủ nhiều hơn. "Nhờ ngủ nhiều hơn mà làm việc minh mẫn hơn, năng suất hơn và cũng rút ngắn thời gian nghỉ trưa lại. Vì giờ nghỉ trưa người ta thường hay ngủ trưa làm đầu óc ì ạch và làm việc chiều không hiệu quả được", em học sinh này nói.

Em Linh Hiếu, học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp) thì đề nghị xem lại chuyện học nghề trong trường cấp hai. Hiếu kể, khi hỏi các anh chị lớp trên thì đều nói mục đích học nghề là để được cộng điểm tuyển sinh vào lớp 10, là không đúng với tinh thần mà Bộ Giáo dục đào tạo đề ra.

"Con mong lãnh đạo TP có thể xem xét bỏ chương trình này được không. Nếu không thì có thể thay thế, cải tiến cho chương trình sinh động, phong phú hơn, có thể thay các buổi học trên lớp bằng việc tham quan ở các xưởng nghề, xí nghiệp để hiểu rõ hơn về nghề mình đang học?", Hiếu nói.

Em cũng cho biết hiện nay khi dạy trong trường, nhiều nơi thậm chí còn dùng phần mềm microsoft 2003 để dạy rất là lạc hậu, trong khi hiện nay bên ngoài khi làm việc người ta đã sử dụng đến Microsoft 2010, 2016 rồi…

Em Bảo Nghi, học sinh lớp 7 THCS Hà Huy Tập Q.Bình Thạnh thì góp ý nội dung dạy về giáo dục giới tính, tuổi dậy thì. Em cho rằng nên dạy những vấn đề thiết thực như giữ gìn vệ sinh cơ thể khi đến tuổi dậy thì, cách tự vệ…

Em Nguyễn Lý Nhã Thi, học sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 thì góp ý nên có trang facebook riêng cho học sinh, bởi hiện nay facebook đã rất phổ biến, em cũng có tài khoản và thường lên mạng để nói chuyện với bạn bè về chuyện học tập..

Học sinh TP.HCM trăn trở vì bạn không biết quét nhà, nấu cơm - Ảnh 4.

Em Trần Văn Kiệt: Áp lực là cần thiết, nhưng... Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nói chuyện với phụ huynh: đừng tạo áp lực cho con cái

Em Trần Văn Kiệt, học sinh lớp 9 trường Lê Quý Đôn, Q.3 thì chia sẻ, nhiều phụ huynh đi làm từ sáng tới tối không có thời gian trao đổi với con cái. Kiệt chia sẻ, với một học sinh cuối cấp, áp lực cũng là điều cần thiết để các em cố gắng, nhưng nhiều phụ huynh thiếu chia sẻ, gây áp lực quá nhiều khiến con cái rất căng thẳng.

"Con hi vọng nhà trường có thể trao đổi riêng với phụ huynh để họ hiểu hơn về áp lực của con em mình", Kiệt nói.

Học sinh TP.HCM trăn trở vì bạn không biết quét nhà, nấu cơm - Ảnh 5.

Em Dương Ngọc Quỳnh Như mong phụ huynh hiểu, chia sẻ việc con cái tham gia hoạt động đội. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Em Dương Ngọc Quỳnh Như, học sinh trường THCS Nguyễn Hiền Q.12 cũng chia sẻ, bản thân em rất yêu thích hoạt động đội, nhưng nhiều phụ huynh chưa hiểu, cho rằng đây là những trò vô bổ tốn thời gian. "Em hi vọng là nhà trường sẽ có những buổi trao đổi với các bậc phụ huynh để họ hiểu rõ hơn, để các bạn thích tham gia hoạt động đội được thể hiện chính mình".

Vấn đề này, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ, ông đã chứng kiến những gia đình đi ăn sáng, thay vì nói chuyện trao đổi với nhau thì mạnh ai nấy "quẹt" điện thoại.

Lắng nghe con trẻ nhiều hơn cũng là điều mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gửi gắm. Ông đánh giá cao những ý kiến của các bạn thiếu nhi tại buổi gặp gỡ. Nhưng đồng thời cũng cho rằng, có nhiều ý kiến có thể trao đổi và giải quyết ngay từ ở trong nhà trường, từ quận huyện chứ không cần phải để lên tới cấp thành phố.

Học sinh TP.HCM trăn trở vì bạn không biết quét nhà, nấu cơm - Ảnh 6.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với thiếu nhi TP. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là vấn đề nhà vệ sinh trong trường học không đảm bảo. Là vấn đề đèn đường không sáng, vấn đề xả rác… Bí thư chủ tịch quận huyện nên gặp gỡ các trường trên địa bàn để giải quyết phản ánh của các em.

Về ý kiến của một số em đề nghị chương trình học phải quan tâm hơn đến các "môn phụ", chứ không chỉ chăm chú vào các môn Toán, tiếng Anh, các môn tự nhiên khác, các vị lãnh đạo TP cho rằng đây là những ý kiến rất xác đáng.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Toán Lý Hóa rất cần nhưng không phải là tất cả. Học sinh phải có nền tảng xã hội tốt. Học làm người, học làm nghề. Học để có khả năng sáng tạo đóng góp cho quê hương đất nước.

Học sinh TP.HCM trăn trở vì bạn không biết quét nhà, nấu cơm - Ảnh 7.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong: Ở Havard, người ta không phân biệt môn chính phụ. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thì đề nghị các em hết sức quan tâm đến các môn học về xã hội, văn hóa, đặc biệt là môn lịch sử.

"Ở Đại học Havard – nơi đào tạo ra 8 tổng thống Mỹ không phân biệt môn nào là chính môn nào phụ. Các nhà quản lý giỏi, lãnh đạo tài ba đều có kiến thức rất sâu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Nên chú trọng các môn Toán, Anh, CNTT là đúng rồi, nhưng cũng đừng quên nền tảng căn bản tác động rất lớn đến phát triển con người chúng ta là các môn xã hội nhân văn", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Gặp gỡ thiếu nhi vào dịp đầu năm mới là hoạt động thường xuyên của lãnh đạo TP.HCM trong nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP chia sẻ, dù nhỏ tuổi nhưng sự quan tâm của các em dành cho TP, cho giáo dục, cho gia trường, nhà đình, bạn bè...

Những điều giản dị nhưng sát với thực tiễn, thể hiện óc quan sát rất có trách nhiệm, giàu lòng nhân ái.

"Tất cả ý kiến các em đã được tiếp thu chân thành, nghiêm túc, cầu thị, từ đó tạo ra môi trường sống, học tập sinh hoạt chất lượng hơn", bà Quyết Tâm nói.

Bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn cho biết, hàng năm sau buổi gặp gỡ này, từ ý kiến của các em thiếu nhi, Thành đoàn gửi văn bản đến các cơ quan liên quan về việc giải quyết các ý kiến này.

Cuộc gặp gỡ năm nay có sự tham dự của khoảng 170 đại biểu là các em thiếu nhi, đội viên, cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP, chỉ huy đội giỏi, con em gia đình công nhân trực tiếp sản xuất, con em gia đình nông dân, các gương tài năng trẻ các lĩnh vực, các em thiếu nhi khuyết tật…

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên