17/03/2019 16:14 GMT+7

Học sinh thủ đô đội mưa đi nghe tư vấn

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Chiều 17-3, dù trời mưa, nhiều học sinh vẫn đội mưa đến nghe tư vấn và trải nghiệm các hoạt động của các trường tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội.

Học sinh thủ đô đội mưa đi nghe tư vấn - Ảnh 1.

Nhiều học sinh vẫn đội mưa đến các gian tư vấn vào buổi chiều - Ảnh: DANH TRỌNG

Đáp lại nhiệt tình của các em học sinh, hàng trăm sinh viên các trường ĐH tiếp tục các hoạt động dưới trời mưa như tổ chức cuộc thi trí tuệ, trình diễn sản phẩm công nghệ và giao lưu với các em học sinh.

Tại phiên tư vấn chiều, không chỉ có học sinh mà khá nhiều bậc phụ huynh đã nghe tư vấn và trao đổi trực tiếp những lo lắng, băn khoăn với các thầy cô.

Vừa học vừa được doanh nghiệp trả lương

Đó là chia sẻ của GS Đinh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại - khi thí sinh quan tâm đến ngành quản trị dịch vụ du lịch.

Theo GS Sơn, đây là công việc liên quan đến tổ chức các tour du lịch và hiện đang được đào tạo tại nhiều trường.

Riêng Trường ĐH Thương mại đã ký một loạt hợp đồng với các tập đoàn lớn liên quan đến phát triển đào tạo ngành này. Sinh viên vào học sẽ được đào tạo 50% tại trường và 50% đào tạo tại doanh nghiệp. Trong đó, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp thì sinh viên sẽ được doanh nghiệp trả lương.

Học sinh thủ đô đội mưa đi nghe tư vấn - Ảnh 2.

Dù trời mưa và lạnh, nhưng nhiều thí sinh vẫn đội mưa đến tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ảnh: DANH TRỌNG

Quân đội: thí sinh trúng tuyển được chọn ngành hay phải theo sự phân công?

Đây là câu hỏi mà nhiều thí sinh có nguyện vọng vào các trường quân đội đặc biệt quan tâm.

Đáp lại băn khoăn này, trung tá Đỗ Thành Tâm - thư ký Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng - cho biết trong quân đội có hai nhóm trường.

Trong đó một nhóm như Học viện Khoa học quân sự, thí sinh được quyền chọn ngành khi đăng ký xét tuyển như ngành trinh sát kỹ thuật, ngành quan hệ quốc tế, các ngành ngôn ngữ, hay như Học viện Quân y chỉ đào tạo duy nhất ngành bác sĩ đa khoa...

Còn lại, một nhóm trường chỉ tuyển sinh theo tổng số chỉ tiêu, thí sinh vào trường sẽ trải qua 6 tháng huấn luyện quân sự, sau đó sẽ căn cứ theo nhu cầu sử dụng cụ thể để phân công thí sinh vào các ngành phù hợp. Thí sinh trúng tuyển sẽ theo sự phân công đào tạo của nhà trường.

Yêu lịch sử nhưng lo không tìm được việc

"Em muốn theo học ngành lịch sử để sau này ra trường sẽ nghiên cứu sâu về lịch sử, nhưng băn khoăn về công việc sau khi ra trường?". Câu hỏi này được PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ "rất vui" vì "tôi là PGS.TS về lịch sử, nhưng "nhiều năm đi tư vấn rất hiếm thí sinh hỏi về ngành lịch sử".

Theo ông Tuấn, những năm gần đây lịch sử không phải là ngành "hot" nhưng đây là ngành ổn định.

Mỗi năm Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn tuyển 60 chỉ tiêu cho ngành lịch sử và thí sinh trúng tuyển đều là những người rất thích và đam mê ngành này. Trong các khoa của trường, khoa lịch sử là khoa có số lượng giảng viên đông nhất và số lượng GS, TS cũng nhiều nhất trường.

Công việc của sinh viên tốt nghiệp rất đa dạng. Ngoài tiếp tục theo con đường nghiên cứu lịch sử, việc làm rộng mở ở các công việc khác nhau như quản lý văn hóa, làm báo, viết văn...

Thực tế hiện nay ngành khoa học công nghệ phát triển nên học sinh có xu hướng lựa chọn những ngành này, còn với khoa học xã hội thì các ngành mang tính ứng dụng phát triển được ưu tiên hơn so với ngành thuộc khoa học cơ bản như lịch sử.

Tuy nhiên, bù lại Nhà nước đang rất quan tâm đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản.

"Nếu em trúng tuyển ngành lịch sử năm nay thì em sẽ nằm trong lứa sinh viên đầu tiên được đào tạo theo chương trình hỗ trợ với ngành khoa học xã hội theo những chính sách học bổng đặc biệt, có nhiều cơ hội làm việc với các GS nổi tiếng, có thể tham gia các nhóm nghiên cứu từ rất sớm.

Riêng cơ hội việc làm với ngành này khá ổn định. Ví dụ với chuyên ngành khảo cổ học, mỗi năm trường chỉ đào tạo 5-7 chi tiêu, trong khi nhu cầu nhân lực từ các sở văn hóa - thể thao - du lịch, các bảo tàng... rất nhiều, nhiều nơi đến "xin" nhưng trường cũng không đáp ứng đủ", ông thông tin.

Muốn thành MC nổi tiếng, học ở đâu?

* Thí sinh: Em muốn theo học báo chí và trở thành MC chuyên nghiệp. Muốn trở thành MC giỏi thì em nên học trường nào?

- GS Đinh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại: Thực tế MC giỏi chủ yếu đến từ năng khiếu, chứ không phải cứ học báo chí mới trở thành MC truyền hình. Có những MC nổi tiếng như MC Thụy Vân vốn là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương. Nhiều MC nổi tiếng khác tốt nghiệp từ nhiều trường ĐH không đào tạo ngành báo chí.

- PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội: Thầy có thể nêu thêm dẫn chứng gần gũi. MC Thảo Vân, MC Lê Anh - hai MC nổi tiếng trên truyền hình - hiện là cán bộ, giảng viên của ĐH Quốc gia Hà Nội hoàn toàn đều không phải xuất thân từ học báo chí. Vì vậy, nếu đam mê công việc này, ngoài việc học trong trường, các em cần rèn luyện và phát huy được sở trường thực sự của mình đối với công việc.

Học sinh thủ đô đội mưa đi nghe tư vấn - Ảnh 4.

Nhiều học sinh đội mưa xếp hàng tham gia các gian tư vấn vào buổi chiều - Ảnh: MAI THƯƠNG

Học sinh thủ đô đội mưa đi nghe tư vấn - Ảnh 5.

Học sinh hào hứng tham gia các gian tư vấn vào buổi chiều - Ảnh: MAI THƯƠNG

Ngành nào Ngành nào 'hot', nhiều ưu đãi? Học lực trung bình chọn ngành nào?

TTO - Trong phiên tư vấn buổi sáng 17-3 tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại ĐH Bách Khoa (Hà Nội), rất nhiều câu hỏi sát sườn nhưng cũng hóc búa đặt ra với các thầy cô trong ban tư vấn.

Học sinh thủ đô đội mưa đi nghe tư vấn - Ảnh 7.
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên