25/03/2018 12:20 GMT+7

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường

K.NAM - C.QUỐC - TR.HUỲNH
K.NAM - C.QUỐC - TR.HUỲNH

TTO - Gần 4.000 học sinh khối lớp 12 đã tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 tại Trường Cao đẳng Kiên Giang, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sáng 25-3.

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 1.

Các thầy cô giải đáp thắc mắc cho học sinh Kiên Giang sang 25 - 12 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chương trình do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT cùng Trường Cao đẳng Kiên Giang tổ chức, với sự đồng hành của VinGroup.

Ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định đây là hoạt động vô cùng bổ ích và cần thiết hướng tới các em học sinh lớp 12.

"Tôi kỳ vọng chương trình sẽ giải đáp cặn kẽ mọi thắc mắc của các em học sinh về những quy định của kỳ thi ĐH, CĐ năm 2018. Cũng như trang bị cho các em những hiểu biết nhất định về nhu cầu lao động của các lĩnh vực trong xã hội.

Riêng tỉnh Kiên Giang, hiện tại nhu cầu sử dụng lao động trên các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, kỹ thuật công nghệ, môi trường, chế biến thuỷ hải sản… đang rất cao" - ông Huỳnh nói.

Đặc biệt năm nay, ngay sau chương trình ở TP Rạch Giá, lần đầu tiên chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc ngày 26-3. Dự kiến khoảng 1.000 học sinh các trường THPT ở "Đảo Ngọc" sẽ tham dự chương trình.

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Huỳnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - khẳng định, chương trình tư vấn tuyển sinh là hoạt động bổ ích, thiết thực cho học sinh - Ảnh: CHÍ QUỐC

Lo học phí và việc làm khi ra trường

Tại hội trường tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật công nghệ, nông lâm…, ngoài chuyện điểm xét tuyển, thì mức học phí và cơ hội tìm việc sau khi ra trường được nhiều bạn học sinh quan tâm nhất.

Giải đáp thắc mắc về cơ hội tìm việc đối với nhóm ngành quản trị du lịch, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn…, ThS Nguyễn Thị Hoàng Quyên, phó hiệu trưởng Trường CĐ Kiên Giang, khẳng định gần như 100% sinh viên nhóm ngành này có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cụ thể, với chương trình đào tạo 2 năm rưỡi, thì sinh viên chỉ học tại trường 2 năm đầu, 6 tháng cuối sinh viên sẽ thực tập tại các resort cao cấp ở đảo Phú Quốc, và được trả lương trong quá trình thực tập. Nếu học tốt, thì các cơ sở dịch vụ du lịch ở đây là nhận vào làm luôn.

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 3.

ThS Nguyễn Thị Hoàng Quyên, phó hiệu trưởng Trường CĐ Kiên Giang, khẳng định, nếu học ngành du lịch, thì cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ là 100% - Ảnh: K.Nam

Với các nhóm ngành thuộc các trường ‘top’ đầu như: Bách khoa, Khoa học tư nhiên, Sư phạm kỹ thuật, Nông lâm, Khoa học xã hội và nhân văn… tại TP.HCM, ThS Lương Đình Thành, chuyên viên phòng đào tạo ĐH Bách khoa, lưu ý 2 việc: một là điểm chuẩn, hai là học phí với các ngành đào tạo chất lượng cao.

Cụ thể, về điểm tuyển, năm nay sẽ ít áp dụng tiêu chí phụ do điểm thi làm tròn tới hai con số thập phân. Và do năm 2017, điểm thi bình quân quá cao, nên năm  nay đề thi sẽ khó hơn, điểm chuẩn cũng thấp xuống. Nếu tính bình quân, để vào các ngành tương đối "hot", thì thí sinh cần "thủ sẵn" khoảng 21-22 điểm là vừa.

Thí sinh cũng nên lưu ý mức học phí, với các trường công lập được ngân sách hỗ trợ, thì học phí vào khoảng 8-10 triệu đồng/năm học. Còn các ngành đào tạo chất lượng cao, thì học phí dao động từ 30-40 triệu đồng/năm học, tuỳ vào chương trình đào tạo toàn bộ bằng tiếng Anh hay xen lẫn Anh-Việt.

Có một điểm thí sinh cần đặc biệt lưu ý là có rất nhiều ngành, hiện chỉ còn hình thức đào tạo chất lượng cao, không đào tạo đại trà. Tuy học phí có cao so với điều kiện của nhiều gia đình, nhưng bù lại cơ hội việc làm là cực kỳ cao sau khi ra trường. Thậm chí có trường còn có cả 1 bộ phận chuyên tìm việc cho sinh viên sau khi ra trường.

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 4.

TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) phát tờ rơi giới thiệu về trường tới tận tay học sinh Kiên Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

Quan tâm ngành…. hiếm

Tương tự khối kinh tế, kỹ thuật, nông lâm, khu vực tư vấn khối khoa học xã hội, luật, công an, quân đội nhiều học sinh cũng băn khoăn về chương trình học và cơ hội việc làm sau khi ra trường, đặc biệt là những câu hỏi quanh một số ngành học mà có rất ít thí sinh quan tâm trong những lần tư vấn những năm trước.

Em Phạm Hồng Sơn, học sinh lớp 12 một trường THPT tại Kiên Giang đặt câu hỏi với TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): "Em muốn học ngành lịch sử, xin thầy cho em biết về ngành học này và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Em xem tờ rơi của trường thì thấy có chương trình cử nhân tài năng, chương trình này ra sao?"

Đáp lại, TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ: "Tôi đi tư vấn nhiều, câu hỏi về lịch sử rất ít, em là trường hợp hiếm. Cách đây 6 năm khi đi tư vấn cũng có em ở Kiên Giang hỏi như vậy. Hiện em ấy đã học xong và đã có việc làm tại TP.HCM. Hy vọng em là người tiếp nối".

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 5.

Mức học phí được khá nhiều học sinh quan tâm - Ảnh: K.Nam

Đi sâu vào câu hỏi, TS Phạm Tấn Hạ cho rằng từng chuyên ngành của ngành Lịch sử sẽ có những hướng đi khác nhau, khi ra trường có thể làm ngành tuyên giáo, văn hóa, thậm chí làm phóng viên.

"Tuy nhiên có thành công hay không không phụ thuộc vào em rất nhiều. Em có thể chọn hướng đi cho mình khi vào chuyên ngành như nghiên cứu sâu vào lịch sử Đảng để dạy ở cao đẳng, trung cấp…", TS Phạm Tấn Hạ gợi ý.

Về lớp cử nhân tài năng, TS Hạ cho biết khi trúng tuyển trường sẽ kiểm tra thêm phần tiếng Anh và Lịch sử để chọn ra những sinh viên "tài năng". Các sinh viên này sẽ học nhiều hơn sinh viên bình thường 20 tín chỉ. Đó những những tín chỉ chuyên sâu, sinh viên học lớp này sẽ được cấp học bổng, khi có chương trình trao đổi sinh viên thì các sinh viên lớp tài năng sẽ được chọn đầu tiên…

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 6.

Gần 4.000 học sinh từ các trường THPT thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Kiên Giang tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2018 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Một học sinh khác đứng lên hỏi ban tư vấn: "Em thích học tâm lý học, ngành này học những gì và cơ hội việc làm ra sao?".

Trước khi trả lời, TS Phạm Tấn Hạ hỏi lại "vì sao em chọn ngành tâm lý" thì được giải thích là "vì em thích, em mê ngành này".

TS Hạ tiếp lời: "Mình thích, mình đam mê là một chuyện, và để thành công là chuyện khác. Ngành tâm lý có đặc thù, thứ nhất là sự quan sát (với người đối diện, với xung quanh) của em tốt hay không, em cần có khả năng "đọc" người khác, nó cần đòi hỏi độ tinh tế. Em thử trắc nghiệm người ở gần em, họ không nói gì hết, em có hiểu chuyện gì với họ không. Thứ hai là ngành này phải chịu áp lực cao, một ca tư vấn không phải gặp người ta là xong mà có khi họ theo em cả tháng. Tất cả những cái đó đòi hỏi nhiều, tuy nhiên em có niềm đam mê ban đầu thì tốt". 

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 7.

Một số học sinh ở xa như học sinh Trường THPT Kiên Lương, thầy cô phải chuẩn bị bánh mì cho các em bởi các em phải đi từ rất sớm để kịp giờ tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 25-3 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Muốn học luật thì cần tố chất gì?

Một học sinh hỏi: Em muốn học ngành luật, không biết cần tố chất gì để phù hợp học ngành này và cơ hội việc làm ra sao, học phí thế nào?

Thạc sĩ Lê Văn Hiển (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Luật TP.HCM): Ngành này tại TP.HCM có nhiều cơ sở đào tạo, là ngành đa dạng về nghề nghiệp. Khi ra trường em có thể làm ở cơ quan nhà nước như ở các sở tư pháp, tài nguyên môi trường, UBND các cấp, Đoàn Đại biểu Quốc hội, hoặc làm ở bộ phận pháp chế và dân sự của các doanh nghiệp; làm luật sư.... Nói chung tùy theo lĩnh vực nghề nghiệp mà cần có yếu tố phù hợp.

Nếu em năng động có thể làm luật sư tư vấn hoặc tranh thụng tại phiên tòa, hoặc em là người tỉ mỉ, soạn thảo tốt thì làm việc trong cơ quan nhà nước….

Hỏi tố chất nào để là sinh viên của ngành này thì khó, nhưng viết lách tốt, biết ăn nói, trình độ ngoại ngữ tốt là rất cần thiết đối với sinh viên ngành luật.

Về học phí của trường từ 2017 cao hơn các trường công lập khác, cụ thể là 17 triệu đồng/năm học.

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 8.

Ngành quân đội được đông đảo học sinh Kiên Giang quan tâm tại chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp diễn ra sang 25-3 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Học lục quân thì được phân công đi đâu?

Một học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên hỏi: Em học lục quân thì được phân công đi đâu, có thể làm những gì?

- Đại úy Trần Văn Mạnh (phụ trách tuyển sinh Trường Sỷ quan Công binh):  Cả nước có hai trường Lục quân 1 và 2. Trường Lục quân 2  tuyển từ Thừa Thiên Huế vào Nam. Sau khi ra trường, Bộ Quốc phòng sẽ phân công về các quân khu. Như em ở Kiên Giang, sẽ được phân công về các đơn vị quân đội thuộc Quân khu 9.

Một học sinh khác hỏi muốn học trường quân y thì ra trường làm ở đâu?

- Đại úy Trần Văn Mạnh: Các điểm chung nhất của trường quân đội là ra trường đều được Bộ Quốc phòng phân công công tác, tùy từng trường, từng lĩnh vực. Riêng Quân y thì phân công bất cứ đơn vị nào trên cả nước.

Các em phải làm hai bộ hồ sơ: Một do Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành (chỉ đăng ký nguyện vọng 1). Bộ hồ sơ thứ hai do ban tuyển sinh Bộ Quốc phòng ban hành, các em có thể đến Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện để xin, làm hồ sơ.

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 9.

Các bạn học sinh bên xe tự chế

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 10.

Học sinh Kiên Giang hớn hở tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ tổ chức sang 25 - 3 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Học sinh Kiên Giang lo lắng việc làm sau khi ra trường - Ảnh 11.
K.NAM - C.QUỐC - TR.HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên