Học bổng, nhìn ở góc độ thị trường cạnh tranh

BẢO BẢO 02/04/2012 23:04 GMT+7

TTCT - Ngày tôi trúng tuyển chương trình học bổng du học, cha mẹ hơn cả vui mừng vì ngoài niềm tự hào, tôi được một khoản đầu tư lớn của Nhà nước cho việc hoàn thành ước mơ “thay đổi cuộc đời” sau khi đã sử dụng tốt nguồn “vốn đầu tư” gia đình hoàn tất mốc đại học.

Tôi nghĩ người ký quyết định tài trợ học bổng cho tôi cũng kỳ vọng khi trở về tôi sẽ đóng góp lớn hơn khoản đầu tư này.

Phóng to

Hậu án 322 - những nỗi buồn có thật

Như một người trong cuộc, tôi xin kể câu chuyện của mình và những người bạn để mong đồng tiền từ ngân sách bỏ ra được hiệu quả hơn.

“Tại sao đi mà không muốn về?”, “Tại sao về rồi lại nộp tiền để xin ra khỏi chương trình?”, “Tại sao ở lại và chưa tỏa sáng?”... Những câu hỏi này thường trực đến với chúng tôi - những người được cấp học bổng du học - đôi khi có chút gì đó trách móc. Chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh, nhưng có điểm chung là chán ngán.

Bạn tôi xin gia đình trả lại tiền học bổng cho quỹ vì không tìm được tiếng nói chung trong một thời gian dài cô ấy được giao việc. Cô ấy không có sự chọn lựa môi trường và đơn vị nhận cô ấy cũng không có nhu cầu tuyển một người như cô ấy. Người bạn khác thì tìm nhà tài trợ mới, trả lại tiền học bổng vì được giao một vị trí chỉ cần sử dụng những kiến thức cũ anh ấy đã có trước khi đi du học.

“Điều chỉnh” và “thỏa hiệp”

Câu chuyện mang tính hệ quả trên xuất phát bởi cách làm sai từ đầu vào. Nhiều quỹ học bổng ở VN rất vất vả để xây dựng quy chế tài chính và quy chế tuyển sinh, nhưng sau đó vẫn không tìm được chủ nhân xứng đáng cho các suất học bổng. Chẳng hạn chương trình mà tôi tham gia, thời gian đầu việc “đào tạo đủ số lượng nhân tài cần thiết” không đạt nên đã được điều chỉnh quy chế để nhiều người dễ tiếp cận. Sau một thời gian ngắn, số lượng được chọn xét gia tăng và điều này đã tạo ra những hấp dẫn cần thiết cho chương trình.

Tuy nhiên, áp lực phải gia tăng liên tục số lượng du học sinh đã khiến ban tổ chức bắt đầu thỏa hiệp với một số trường hợp và phải chia nhỏ các suất học bổng thành nhiều suất hơn. Nhiều người được đào tạo hơn, chi phí đào tạo nhỏ hơn đồng nghĩa với việc chất lượng đào tạo đã bắt đầu suy giảm từ đầu vào và cả phương thức đào tạo.

Tôi tự làm một nghiên cứu nho nhỏ so sánh giữa các thế hệ nhận học bổng cùng với mình, và giật mình khi tên một số trường mà các bạn tốt nghiệp chỉ nằm ở nhóm thường thường bậc trung hoặc không có xếp hạng. Nhiều bạn từ Mỹ, Úc, Singapore trở về xác nhận với tôi rằng “nếu bạn muốn đóng tiền để lấy bằng, kiểu gì cũng tìm ra được một trường cấp cho bạn một cái bằng dù bạn rớt đại học ở VN”.

Có nhiều bạn nhờ học bổng mà phát triển và đóng góp tốt cho xã hội. Nhưng có nhiều bạn vẫn còn loanh quanh tìm đường “tỏa sáng”.

Từ “xin” sang “lựa chọn”

Khác với nhiều năm trước đây, ngày nay các bạn trẻ dễ dàng lên Internet tìm nguồn học bổng từ chính các trường đại học, các tổ chức, các quỹ thuộc tổ chức phi chính phủ hay từ nhiều nhà tài trợ độc lập khác. Sinh viên giỏi có thể tìm được hai hoặc ba học bổng khác nhau để chọn lựa. Nhiều sinh viên chuyển từ thế “đi xin” sang “lựa chọn”. Các nơi trao học bổng phải chủ động làm tiếp thị và thay đổi điều kiện bởi họ cũng phải đi tìm những sinh viên thật sự tài giỏi cho trường mình.

Trong một chương trình tư vấn du học gần đây của một đại học trong Harvard, đại diện trường đã đảm bảo với cử tọa rằng: “Nếu bạn được nhận vào đại học này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm được nguồn học bổng cho bạn”. Với một trường đại học uy tín, có được một người thành đạt là học sinh của trường, uy tín trường tăng lên, có nghĩa là họ đang tạo ra một cơ hội để tìm thêm một nhà tài trợ học bổng mới cho trường.

Đây cũng là sự khác nhau về động lực tìm kiếm cơ bản giữa một quỹ học bổng của trường sở tại và của một số nơi còn lại.

Suy cho cùng, học bổng là một khoản đầu tư “mạo hiểm”. Vì vậy, việc tuyển nhân tài cần so sánh với các học bổng khác đang mời gọi nhân tài thật sự. Không còn là cơ chế xin cho mà là thị trường cạnh tranh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận