28/04/2024 11:53 GMT+7

Hóa thạch hé lộ sự đáng sợ của 'chúa tể đại dương' thời tiền sử

'Chúa tể đại dương' thời tiền sử dài tới 10m, hình dạng cơ thể pha trộn giữa siêu cá mập megalodon và loài cá mập trắng lớn hiện vẫn đang sinh sống ở nhiều đại dương.

Hóa thạch cá mập Ptychodus được tìm thấy ở Mexico - Ảnh: Romain Vullo

Hóa thạch cá mập Ptychodus được tìm thấy ở Mexico - Ảnh: Romain Vullo

Các mẫu hóa thạch gần như hoàn chỉnh của loài cá mập Ptychodus vừa được tìm thấy tại Mexico đã cung cấp cho giới cổ sinh vật học quốc tế những thông tin chưa từng được biết đến về một loài cá ăn thịt khổng lồ đã từng là chúa tể tại các đại dương từ hàng chục triệu năm trước.

Nghiên cứu mới nhất của tiến sĩ Romain Vullo thuộc Trường đại học Rennes, Pháp, cho biết sau hàng chục năm tìm kiếm, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy mẫu hóa thạch hoàn chỉnh của Ptychodus - một chi cá mập nghiền vỏ sống trong thời kỳ cuối Kỷ Phấn Trắng cách đây 70 - 100 triệu năm.

Theo tiến sĩ Vullo, 3 mẫu hóa thạch vừa được tìm thấy tại khu vực Vallecillo thuộc bang Nuevo Leon, Đông Bắc Mexico lưu giữ gần như hoàn chỉnh kết cấu bộ xương của Ptychodus, qua đó tiết lộ tương đối chi tiết về hình dạng cơ thể, thông tin giải phẫu học, tập tính cũng như vị trí trong cây phả hệ tiến hóa của loài sinh vật tiền sử này.

Kết quả phân tích chi tiết cho thấy đây là loài cá mập có chiều dài tới 10m, hình dạng cơ thể pha trộn giữa megalodon - loài cá mập khổng lồ có chiều dài 20m, nặng tới 100 tấn đã tuyệt chủng 20 triệu năm trước, và loài cá mập trắng lớn hiện vẫn đang sinh sống ở nhiều đại dương.

Theo kết quả nghiên cứu, ngoài hình dạng và tỉ lệ cơ thể hình thoi nhằm giảm thiểu lực cản nước, một số đặc điểm khác bao gồm kích thước, hình dạng và vị trí của các vây, cũng như cột sống dày của Ptychodus cho thấy đây là loài cá mập có tốc độ bơi rất nhanh và đặc biệt linh hoạt trong các động tác thay đổi hướng di chuyển.

Bên cạnh đó, sau khi phân tích kết cấu hàm cũng như hình dạng, cách sắp xếp bộ răng của Ptychodus, các nhà khoa học khẳng định thực đơn yêu thích của loài cá mập có màu xám này là các động vật có vỏ cứng như rùa biển, vích cũng như các loại cá có lớp vảy cứng và sắc.

Liên quan lý do tuyệt chủng của Ptychodus, giáo sư Patrick L Jambura, chuyên gia về hóa thạch cá tại Đại học Vienna, Áo cho biết nhiều khả năng Ptychodus bị diệt vong trong quá trình cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm thức ăn với các loài bò sát khổng lồ sống dưới nước sống trong cùng Kỷ Phấn Trắng.

Theo giáo sư Jambura, sự diệt vong của Ptychodus cũng nhắc nhở cho thế giới ngày nay rằng 1/3 số cá mập hiện sinh sống tại các đại dương đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì những nguyên nhân tương tự, do nạn săn bắt trái phép, cũng như phải tranh giành không gian sinh tồn với con người.

Phát hiện gene giúp cá mập tiến hóa, có thể "đi bộ" trên mặt đấtPhát hiện gene giúp cá mập tiến hóa, có thể 'đi bộ' trên mặt đất

Chúng ta nghĩ cá là những vận động viên bơi lội lão luyện, nhưng thực tế chúng đã tiến hóa khả năng 'đi bộ' ít nhất 5 lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên