18/09/2023 13:30 GMT+7

Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 2: Con muốn bán vé số và có bạn gái ở lớp 6

Phúc lên lớp 6 được hơn hai tháng thì chị Dung nghe con nói thích một bạn gái. Hơi sốc nhưng chị quyết định giữ bình tĩnh để nghĩ cách chia sẻ với con.

Tuổi trẻ nên được tiếp xúc với nhiều người và thế giới tự nhiên như cây cối, chim muông - Ảnh: T.T.D.

Tuổi trẻ nên được tiếp xúc với nhiều người và thế giới tự nhiên như cây cối, chim muông - Ảnh: T.T.D.

"Con không muốn học quá nhiều. Con không thích học giỏi vì nếu có thích con cũng không thể giỏi được. Con nghĩ học như vậy đủ rồi. Sau này con đi bán vé số cũng được mà". Đó là những phát ngôn như đinh đóng cột của Duy Phúc, con trai chị Phương Dung, giảng viên một trường ĐH lớn ở TP.HCM.

Nghề nào dù là bán vé số hay dọn rác cũng tốt nếu người ta kiếm sống bằng sức lao động chính đáng. Nhưng khi muốn làm gì, con cần biết công việc đó thế nào. Có công việc cần trí óc, cần phải học hành để có kiến thức, có công việc lao động chân tay thì cần sức khỏe, sự chăm chỉ. Và nghề nào cũng cần người có trách nhiệm.
Chị Phương Dung

Có bạn gái khi lớp 6

Phúc lên lớp 6 được hơn hai tháng thì chị Dung nghe con nói thích một bạn gái. Hơi sốc nhưng chị quyết định giữ bình tĩnh để nghĩ cách chia sẻ với con.

Gợi chuyện để con thoải mái kể về mối quan hệ đó, chị cũng kể câu chuyện mình trước đây, khéo léo trao đổi những điều con nên và chưa nên làm. Nhưng chốt lại, chị ủng hộ tình bạn của con.

Cô bạn là lớp phó học tập giỏi nhất lớp Phúc, thường xuyên được dán ảnh trên bảng danh dự của trường. Khen cô gái nhưng chị Dung cũng nói với con rằng tình cảm chỉ duy trì lâu dài nếu có sự tôn trọng, đồng cảm, thậm chí có chung sở thích, mục đích trong học tập và cuộc sống.

"Bạn ấy học giỏi, trong khi con học dở. Có thể lúc đầu bạn thích con, chơi với con vì thấy con dễ thương, tốt bụng. Nhưng lâu dần mà thấy con không có chí hướng, mẹ lo là bạn sẽ chán con. Nếu con thích bạn ấy như thế thì con phải cố gắng để học tốt hơn", chị Dung tâm sự. Phúc ngồi suy tư hồi lâu rồi gật gù: "Mẹ nói cũng có lý".

Cuối năm lớp 6, không những đạt học sinh giỏi, Phúc còn được xếp hạng thứ 5 trong lớp. Nhưng lên lớp 7, Phúc lại tụt hạng khi... chia tay bạn gái.

"Mối tình học trò" không sâu sắc để cậu bé buồn khổ nhiều nhưng lại khiến cậu bị mất tự tin. Cậu cho rằng bạn gái không thích mình nữa vì mình kém cỏi. Càng nghĩ thế, Phúc càng học đuối đi. Và từ hạng 5 tụt xuống thứ 28, Phúc chán học.

Trẻ em sẽ phát triển tốt hơn về tâm lý lẫn thể chất khi tham gia các trò chơi, môn thể thao tập thể - Ảnh: T.T.D.

Trẻ em sẽ phát triển tốt hơn về tâm lý lẫn thể chất khi tham gia các trò chơi, môn thể thao tập thể - Ảnh: T.T.D.

Trải nghiệm mỏi chân

Chị Dung kể: "Tôi phát hiện ra con trai mình không tự tin vào bản thân khi nghe cháu tâm sự với bạn rằng "Mình dở tệ, sau này chắc mình đi bán vé số thôi. Mà đi bán vé số thì cần gì học nhiều"".

Trò chuyện với con, chị nghe con xác nhận lại một lần nữa. Rất bình tĩnh, bà mẹ trẻ đáp lại: "Mẹ không ép con học đâu, con không thích học tiếp thì thôi heng".

Tối hôm ấy, chị Dung dẫn con đi bộ khắp khu cư xá nơi mình ở, luồn qua một số con đường lân cận... Vừa đi, chị vừa chỉ cho con thấy những em bé, người già bán vé số rong. Đi được một hồi thì Phúc than mỏi chân quá! Chị Dung thản nhiên nói: "Ráng đi con, đi bán vé số phải đi bộ từ nơi này sang nơi khác mới bán được".

Đi thêm một đoạn nữa, Phúc ngồi thụp xuống: "Con đi hết nổi rồi, về thôi mẹ ơi!". Người mẹ vẫn thủng thẳng nói: "Ôi, các bạn bán vé số đi bộ gấp 10 lần con hôm nay, các bạn đi suốt từ sáng đến tối ấy chứ".

Về đến nhà, Phúc thủ thỉ: "Thôi mẹ ạ, con không đi bán vé số nữa đâu, mỏi chân lắm. Con sẽ học tiếp". Không thích học nên Phúc còn có nhiều lần muốn "chuyển nghề" nữa. Chị Dung không phản đối hay cho rằng con viển vông, lần nào chị cũng ghi nhận bằng một cái gật đầu rồi bảo "Vậy con thử đi".

Có lần, Phúc nói sẽ làm nghề lấy rác như chú ở trong khu. Khác với phản ứng của chồng, chị Dung bình tĩnh đồng ý. Hôm sau, chị lại dắt con đi quan sát công việc một buổi của chú thu dọn rác trong khu. Sau đó, không thấy Phúc nhắc lại việc này nữa. Thay vào đó, cậu đề xuất làm bánh mì bán cho các bạn.

"Mẹ ủng hộ con. Con cứ làm bánh mì, mẹ sẽ phụ", chị nói.

Từ hôm đó, Phúc dậy sớm, đạp xe ra đầu hẻm mua bánh mì rồi về nhà chiên trứng, chiên xúc xích... Chị Dung sẽ cắt dưa leo, cà chua... phụ con trai. Có hôm Phúc bán được 10 ổ bánh mì và rất vui vì các bạn đều khen bánh ngon.

Phúc phấn khởi nói: "Sau này con sẽ làm đầu bếp. Mà đầu bếp thì đâu cần học nhiều làm gì, học đại học thì lại càng không cần. Học hết lớp 7 được rồi".

Chị nói với Phúc, từ việc làm được mấy ổ bánh mì bán cho các bạn đến lúc trở thành đầu bếp là một hành trình dài. Ít nhất phải học hết lớp 9 rồi vào trường nghề để được đào tạo bài bản mới thành được đầu bếp. Nhưng để thử quyết tâm của mình, Phúc nên tiếp tục sự nghiệp bán bánh mì thêm một thời gian nữa xem có đủ tình yêu với "làm bếp" không.

"Sự nghiệp" bán bánh mì của Phúc kéo dài được hai tuần. Cậu tuyên bố "giải nghệ" vì mệt quá mà các bạn không khen nữa, còn phàn nàn chuyện này chuyện kia.

Lúc này, chị Dung mới nói với con: "Nghề nào dù là bán vé số hay dọn rác cũng tốt nếu người ta kiếm sống bằng sức lao động chính đáng. Nhưng khi muốn làm gì, con cần biết công việc đó thế nào.

Có công việc cần trí óc, cần phải học hành để có kiến thức, có công việc lao động chân tay thì cần sức khỏe, sự chăm chỉ. Và nghề nào cũng cần người có trách nhiệm. Nếu con muốn làm nhưng con chưa hiểu công việc đó thế nào thì con khó có thể là người có trách nhiệm với công việc và với bản thân".

Từ các việc mà Phúc quan sát, thử nghiệm, chị cũng phân tích cho con thấy sự khác nhau giữa công việc lao động chân tay và trí óc. Để có thể làm được nhiều việc có ích cho bản thân, gia đình, xã hội thì cần học, tận dụng cơ hội được học tập để có kiến thức, kỹ năng tốt hơn.

Chị giúp con lập kế hoạch cho bản thân với những mục tiêu từ gần đến xa. Nhận thấy Phúc chỉ lười học nhưng có tư duy tốt các môn khoa hoc tự nhiên, chị khích lệ con theo hướng chú trọng học các môn học này.

Cùng với việc tìm thầy cho con, khích lệ con chơi với những người bạn có ý chí học tập, chị cũng chỉ cho con sự hữu ích của kiến thức khoa học tự nhiên trong những vấn đề cuộc sống ở xung quanh, giúp con tìm những tài liệu hay hoặc tận dụng những cơ hội cùng con trải nghiệm trong các môi trường làm việc khác nhau.

Giấc mơ của Phúc chuyển sang công nghệ thông tin với sự say mê lớn dần. Cậu bé đã có mục tiêu rõ ràng hơn, học tốt các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ.

Có lần Phúc kể gặp lại "bạn gái" thời cấp II với sự tự tin. Cậu nói vui với mẹ: "Nếu không có những lần mẹ giúp trải nghiệm, có khi con đã không thể có sự tự tin như thế khi gặp lại bạn".

"Cuối tháng 6-2023, Phúc lấy bằng kỹ sư IT ở Canada", chị Dung khoe thành quả của mình.

Nghĩ về hành trình kể từ ngày dắt con đi "thực tế" việc bán vé số, chị nói thực ra chị có thể ngăn cản con, cấm con làm những việc mà chị thấy không nên chọn. Nhưng mục đích của chị không chỉ là việc bắt Phúc quay lại với học hành mà chị muốn Phúc có một hành trình trải nghiệm để tự suy nghĩ và lựa chọn hướng đi cho mình.

"Chìa khóa" để đồng hành cùng con

Bất cứ đứa trẻ nào cũng cần có sự đồng hành của cha mẹ để lớn lên thành người. Đối với những đứa trẻ không tự tin thì các bậc làm cha làm mẹ phải trải qua một hành trình không đơn giản.

"Chìa khóa" của hành trình ấy chính là việc làm bạn với con, chấp nhận con với tất cả những ưu khuyết điểm vốn có của con. Tiếp theo đó là sự linh hoạt trong quá trình dạy con. Khi chúng ta tác động vào nhận thức của con theo cách này mà thấy không hiệu quả thì cần thay đổi cách khác. Muốn làm được như vậy, phụ huynh cần phải thường xuyên tương tác với con, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng con...

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh

---------------------

Trẻ tự ti thường rất ngại bước ra khỏi "vỏ ốc" của mình. Có thể đó là những việc rất bình thường đối với những đứa trẻ bình thường, nhưng với trẻ tự ti thì rất khó khăn...

Kỳ tới: Mẹ của những đứa trẻ tự ti

Hành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 1: Mẹ vẫn bên con đến cùngHành trình yêu thương vô bờ của mẹ - Kỳ 1: Mẹ vẫn bên con đến cùng

Đó là hành trình đầy yêu thương và kiên trì của những người mẹ với các con không may mắn bị tự kỷ hay sớm ngỗ ngược, khó dạy. Cùng tình yêu thương con vô bờ bến, họ vừa là mẹ, là bạn và cũng là cô giáo đầu tiên giúp con trên hành trình dài nên người.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên