17/04/2023 07:05 GMT+7

Giun đầu gai gây mù mắt, liệt chi... có trong thủy hải sản sống

Có người bị giun đầu gai gây bệnh tại hệ thần kinh trung ương khiến liệt nửa người, có người bị giun đi từ bìu lên bụng… chỉ vì thích các món khoái khẩu từ hải sản chưa nấu chín.

Giun đầu gai gây mù mắt, liệt chi... có trong thủy hải sản sống - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh HÀ LINH

Giun đầu gai ký sinh trong người từ 10-12 năm, không chỉ tạo ra các khối u di chuyển ở da, não, gan, phổi… mà còn gây nhiều bệnh lý ở thần kinh trung ương, ở hệ tiêu hóa, tiết niệu. Khi ở hệ thần kinh, tỉ lệ tử vong do giun đầu gai từ 8-25%, 1/3 số ca sống sót có di chứng kéo dài.

Nhiễm bệnh do ăn thủy sản chưa nấu chín

Bệnh nhân P.T.T.H., 42 tuổi, ở Hà Tĩnh, bị đau và liệt nửa người, được y tế cơ sở chẩn đoán xuất huyết não và chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội theo dõi xuất huyết não. 

Chụp MRI có hình ảnh khối u não mà không thấy xuất huyết. Bệnh viện gửi hội chẩn GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội, và được chẩn đoán nhiễm giun đầu gai Gnathostoma.

Bệnh nhân được điều trị đặc hiệu 1 liệu trình, sau 1 tháng đi lại gần bình thường, tổn thương não giảm hẳn, tiếp tục điều trị 2 liệu trình nữa, sau 3 tháng hết tổn thương ở não, đi lại và làm việc bình thường, nhưng để lại di chứng giật nhẹ.

Giun đầu gai gây mù mắt, liệt chi... có trong thủy hải sản sống - Ảnh 2.

Hình ảnh bệnh nhân u não trước điều trị

Một bệnh nhân khác cũng bị liệt nửa người, qua chụp MRI phát hiện một nửa bán cầu não có rất nhiều khối u. Sau khi thăm khám, GS Đề xác định bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai ký sinh ở trong não, chính giun này gây nên những khối u bên trong và dẫn tới bị liệt. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết thường xuyên ăn thủy hải sản.

Hoặc một bệnh nhân nam từ Cốc Lếu, Lào Cai về bệnh viện Hà Nội điều trị sưng tay kèm theo ngứa suốt 3 năm không đỡ, sau khi phát hiện giun đầu gai và cho điều trị đặc hiệu thì khỏi.

Nhiều bệnh nhân khác cũng gặp các triệu chứng sưng chân, sưng tay, điều trị tại các bệnh viện nhiều năm không đỡ nhưng sau này phát hiện nhiễm giun đầu gai...

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cũng từng tiếp nhận một nam thanh niên ở Đan Phượng, Hà Nội bị nhiễm giun đầu gai ký sinh ở bìu, sau đó lại di chuyển lên thành bụng. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ, dùng thuốc đến ngày thứ 8 thì tổn thương vùng thành bụng bên phải khu trú lại và tự bắt được ấu trùng giun đầu gai. 

Khai thác tiền sử, bệnh nhân này cho biết anh có thói quen ăn thịt ếch nướng.

Không chỉ ở nông thôn, mà ngay cả thành thị nguy cơ nhiễm giun đầu gai luôn hiện hữu. Nghiên cứu cho thấy trong lươn ở Hà Nội có đến 11% là nhiễm giun đầu gai Gnathostoma. Trong cá ở Hà Nội thì có 4,6% nhiễm loại ký sinh trùng này…", GS Đề nhấn mạnh.

Viêm ruột, mù mắt, liệt chi và tử vong

Ông Đề cho biết khi ấu trùng giun đầu gai xâm nhập vào cơ thể, chúng không nằm cố định ở một chỗ mà di chuyển đến các bộ phận khác. Có thể ở dưới da, có thể lên não, vào tim, gan… Do vậy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Các triệu chứng phụ thuộc vào từng vùng cơ thể mà ấu trùng di chuyển vào trong đó. Có thể cùng lúc một hay nhiều vùng liên quan đến.

Tại da và mô mềm: Người bệnh nổi mề đay mạn tính; nổi u cục có kích thước to nhỏ không đều, phù ấn không lõm, có tính di chuyển (hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da); có thể đau tại u cục hoặc sưng đau cơ; áp xe dưới da do ấu trùng ký sinh gây bội nhiễm...

- Tại hệ hô hấp: Giun gây đông đặc phổi hoặc xẹp phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch và khí màng phổi, người bệnh ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu.

- Hệ tiêu hóa: Ấu trùng thường ký sinh ở gan, người bệnh đau ở hạ sườn phải, vùng thượng vị, có khối ở vùng hạ sườn phải. Ở dạ dày gây đau dạ dày. Ấu trùng có thể lạc đến xoang bụng tạo thành các khối u ở bụng, người bệnh có dấu hiệu giống như viêm ruột thừa, viêm túi mật hoặc giả khối tổn thương ở ruột.

- Tại các giác quan: Với thị giác gây viêm kết mạc, viêm mống mắt, xuất huyết nội nhãn, tăng nhãn áp, sẹo hoặc tổn thương võng mạc khiến mắt bị giảm thị lực, mù, đau mắt hoặc sợ ánh sáng. Với thính giác gây giảm sức nghe hoặc ù tai.

Đặc biệt nguy hiểm khi giun gây bệnh tại hệ thần kinh trung ương: viêm tủy rễ thần kinh (hay gặp nhất), viêm não - tủy - rễ thần kinh, viêm não - màng não. Tình trạng này có thể gây ra tương tự hoặc xuất huyết dưới màng nhện. Đau liên quan đến thần kinh, tiếp theo sau đó có thể liệt hoặc giảm cảm giác một vài ngày.

Phát hiện bệnh bằng cách: sinh thiết soi trực tiếp tìm ấu trùng giun đầu gai ở các vết loét; bạch cầu ái toan tăng cao; thử phản ứng huyết thanh ELISA chẩn đoán Gnathostoma có kết quả dương tính. Điều trị nội khoa bằng thuốc đặc hiệu, đôi khi kết hợp phẫu thuật, chích ổ áp xe và lấy ấu trùng giun ra khỏi cơ thể.

Để phòng bệnh giun đầu gai cần: sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không uống nước lã; không ăn các thức ăn thủy sản, hải sản như lươn, cá, lưỡng cư (ếch, nhái), bò sát... chưa nấu chín kỹ hay ở trạng thái còn tái. Phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.

Làm thế nào để biết bị nhiễm giun đũa chó mèo?Làm thế nào để biết bị nhiễm giun đũa chó mèo?

Hơn năm nay tôi thường bị ngứa và nổi sẩn ở da đầu, cổ, vai... Do tôi có nuôi 2 con chó và trực tiếp chăm sóc hơn 10 năm nên tôi sợ bị nhiễm giun sán chó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên