14/11/2018 12:43 GMT+7

Giảng viên, sinh viên ở đâu sau mua bán đại học?

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)

TTO - Chỉ trong vòng 5 năm có đến gần 15 vụ mua bán đại học. Vai trò và quyền lợi của giảng viên, sinh viên trong các vụ mua bán, sáp nhập đó như thế nào?

Giảng viên, sinh viên ở đâu sau mua bán đại học? - Ảnh 1.

Các cổ đông bỏ phiếu bầu HĐQT mới tại đại hội cổ đông bất thường của Trường đại học Hoa Sen ngày 2-8-2014 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cả nước hiện có 65 trường đại học (ĐH) ngoài công lập (chiếm 27,7% tổng số trường) với số sinh viên hơn 240.000 (chiếm gần 14% tổng số sinh viên), trong đó có 27 trường ở phía Nam.

Nếu như giai đoạn 2000-2012 có "dấu ấn" là quá nhiều trường được thành lập thì gần đây, "thương vụ mua - bán" các trường ĐH ngoài công lập diễn ra khá sôi động, khi chỉ trong vòng 5 năm có đến gần 15 vụ chuyển nhượng trường, cũng tập trung chủ yếu ở phía Nam.

Điều đáng chú ý là những vụ chuyển nhượng này đã đưa đến việc các tập đoàn kinh tế tham gia sở hữu và quản lý các trường ĐH, trở thành xu thế lớn hiện nay.

Bên cạnh những trường đã thuộc các tập đoàn kinh tế từ ngày đầu thành lập như Trường ĐH FPT (Tập đoàn FPT), Trường ĐH quốc tế Miền Đông (Công ty Becamex), Trường ĐH Tân Tạo (Tập đoàn Tân Tạo), nhiều trường ĐH đã thuộc sở hữu các tập đoàn, tổng công ty sau chuyển nhượng (Trường ĐH Hùng Vương về Tổng công ty Kinh Bắc; Trường ĐH Yersin về Thành Thành Công; Trường ĐH Thành Tây về Tập đoàn Phenikaa (đơn vị sở hữu thương hiệu Vicostone); Trường ĐH Hồng Bàng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Định, Hoa Sen về Tập đoàn Nguyễn Hoàng; Trường ĐH Văn Hiến về Tập đoàn Hùng Hậu; Trường ĐH Quang Trung về Tập đoàn Hoàn Cầu, Trường ĐH Phú Xuân về Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ...).

Tất nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng trở nên rầm rộ hơn là hệ quả của việc thành lập một trường ĐH mới tốn kém hơn và thủ tục rắc rối hơn rất nhiều.

Nghị định 46 năm 2017 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục quy định rõ để mở một trường ĐH tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).

Vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản, đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường ĐH tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỉ đồng.

Thế nhưng, có lẽ đây không phải là yếu tố chính để các tập đoàn kinh tế tham gia sở hữu và quản lý trường ĐH. Chưa có một khảo sát toàn diện, nhưng đánh giá chung cho thấy khi các tập đoàn kinh tế tham gia sở hữu, quản lý trường ĐH, hoạt động nhà trường tốt hơn, thu hút tuyển sinh được nhiều hơn.

Đây là tín hiệu tốt cho hướng phát triển các trường ĐH ngoài công lập. Đáng chú ý là những trường này phần lớn đều "thuê" các hiệu trưởng và các nhà quản lý có kinh nghiệm về điều hành trường, chứ không phải là các nhà quản lý kinh tế thuần túy.

Điều 12 dự thảo Luật giáo dục ĐH (dự kiến được Quốc hội thông qua trong tháng 11 này) sẽ tạo nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư có tiềm lực vào các trường ĐH, chưa kể ở điều 14 còn cho phép thành lập doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong trường ĐH. Đây là cơ hội vàng cho các tập đoàn kinh tế lớn vào giáo dục ĐH.

Bên cạnh đó, thị trường tuyển sinh của hệ thống các trường ĐH ngoài công lập còn rất lớn khi mà theo quy hoạch chiến lược phát triển giáo dục ĐH, số sinh viên ngoài công lập sẽ chiếm đến 40% tổng số sinh viên (hiện nay chỉ mới được gần 14%).

Có thể nói đầu tư phát triển hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập sắp tới là cuộc chơi của các tập đoàn lớn. Nhưng những thương vụ mua bán trường ĐH 5 năm qua cũng chỉ dừng ở mức sắp xếp lại chủ sở hữu. Dự thảo Luật giáo dục ĐH (điều 12) cũng khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường ĐH thành các ĐH lớn.

Vậy các chủ sở hữu đơn lẻ của các trường ĐH tư thục sẽ tồn tại và phát triển ra sao trước "cơn sóng thâu tóm" này? Các tập đoàn có sáp nhập các trường ĐH sở hữu thành một ĐH lớn mạnh hơn không? Vai trò và quyền lợi của giảng viên, sinh viên - những người tạo nên giá trị của nhà trường - trong các vụ mua bán, sáp nhập đó như thế nào?

Trả lời những câu hỏi này sẽ hình dung được một phần bức tranh phát triển các trường ĐH ngoài công lập trong thời gian tới.

Nở rộ mua bán đại học​ Nở rộ mua bán đại học​

TTO - Hàng loạt tập đoàn, công ty liên tiếp mua lại nhiều trường đại học thời gian gần đây. Tuy pháp luật không cấm nhưng có nhiều ý kiến trái chiều về thực tế này.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên