30/10/2011 03:50 GMT+7

Giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Đó là kế hoạch triển khai công tác năm học mới được Bộ Giáo dục - đào tạo công bố ngày 29-10 tại hội nghị “Sơ kết một năm rưỡi triển khai chỉ thị 296 về đổi mới quản lý giáo dục ĐH và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường ĐH, CĐ”.

78GYGlNg.jpgPhóng to

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Sở GD-ĐT TP.HCM năm 2011. Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 tiếp tục triển khai theo giải pháp “ba chung”, nhưng sẽ có điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng khối thi, bổ sung chính sách đối với học sinh giỏi quốc gia. - Ảnh: Như hùng

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, mùa tuyển sinh 2012, các chỉ tiêu hệ đào tạo không chính quy (như tại chức) sẽ bị siết chặt, cắt giảm, các chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trong các trường CĐ, ĐH cũng sẽ bị giảm dần để các trường này dốc sức đầu tư vào đào tạo hệ ĐH chính quy thật sự có chất lượng.

Giám sát chỉ tiêu các trường “học mượn”, “học nhờ”

Đào tạo thạc sĩ: không đảm bảo, đình chỉ ngay

Năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh rà soát, kiểm tra các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ. “Theo quy định mới của bộ, trường được cấp phép đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ khi bảo đảm số giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên tham gia giảng dạy ít nhất 70% chương trình đào tạo và có ít nhất năm giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành. Các trường không đạt được điều kiện tối thiểu này chắc chắn sẽ bị đình chỉ tuyển sinh trình độ thạc sĩ ngay lập tức”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Các trường thành lập trước năm 2010 nhưng chưa xây được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập, mà vẫn phải “học mượn”, “học nhờ” tại địa điểm khác cũng sẽ bị giám sát chặt chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, một thành tựu trong lĩnh vực phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ về công tác đào tạo là trong công tác tuyển sinh vừa làm vừa học các trường đã được chịu trách nhiệm toàn diện tất cả các khâu như ra đề thi, tổ chức thi - chấm thi, phúc khảo, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo cần hoàn thiện nhanh những văn bản quy định về hệ đào tạo này, có giải pháp siết chặt hơn nữa công tác tuyển sinh, tránh tạo ra những bức xúc, dư luận không hay trong quan niệm xã hội cũng như trong kế hoạch tuyển dụng. “Thực tế, số lượng sinh viên theo học hệ này chiếm đến 50% tổng số sinh viên.

Trong khi tuyển sinh ĐH chính quy thì tổ chức kỳ thi “ba chung” hoành tráng, tốn kém, còn hệ tại chức thì cứ để các trường lặng lẽ làm, khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng thật sự của nó. Bộ nên tìm cách giải bài toán để cân đối chất lượng đầu vào của hai hệ đào tạo này, có cơ sở để khẳng định giá trị hai văn bằng là như nhau” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Công tác kiểm định chưa làm được bao nhiêu

Theo Bộ GD-ĐT, tại nhiều trường ĐH đã thành lập được các đơn vị chuyên trách làm công tác bảo đảm chất lượng và nhiều trường khác hoàn thành các báo cáo tự đánh giá.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn cho rằng công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH chưa làm được bao nhiêu: “Chính bộ đã dự kiến trong ba năm từ 2010 phải cho ra đời được ba đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, nhưng gần hết năm 2011 vẫn chưa hình thành được đơn vị nào. Có ý kiến cho rằng học xong mới đánh giá được chất lượng, nhưng làm thế thì người học quá thiệt thòi. Người học gửi gắm nguyện vọng của mình vào một trường mà không biết chất lượng trường đó ra sao thì thật không công bằng. Cơ quan kiểm định độc lập sẽ giúp người học đánh giá thực chất giá trị của chương trình đào tạo, công bố công khai trước khi người học bước chân vào trường”.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, mục tiêu của Chính phủ khi ban hành chỉ thị 269 về đổi mới quản lý giáo dục ĐH 2010-2015 chính là ngăn không cho việc cứ để tăng quy mô mà không có “kênh” nào giám sát được chất lượng giáo dục.

“Cử tri quan tâm giám sát các trường ĐH mới được thành lập thế nào, số lượng ra sao. Thực tế, số lượng trường mới mở đang có xu hướng giảm dần chứ không đến mức “mở ồ ạt” như dư luận ý kiến. Xu hướng thành lập trường mới đang giảm từ trung bình 20 trường/năm những năm 2006-2007 xuống còn khoảng 11 trường/năm giai đoạn 2008-2011”, Phó thủ tướng cho biết.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên