17/03/2024 12:53 GMT+7

Giấc mơ an cư sao mà dài thế

Trong một buổi gặp mặt của một số doanh nghiệp có làm hoặc mong muốn làm dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, đa số ý kiến cho rằng với cơ chế, cách làm hiện nay sẽ khó có thêm nhiều nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vợ chồng người bạn tôi hai năm nay vừa "canh me", vừa kỳ vọng giá căn hộ chung cư sẽ giảm mạnh khi thị trường bất động sản "đóng băng", kinh tế khó khăn.

Với thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng, chắt chiu chi phí sinh hoạt, con cái ăn học, nếu có căn hộ tầm trên dưới 1 tỉ đồng sẽ cố gắng vay mượn thêm để mua. Nhưng khó...

Trái với kỳ vọng, giá chung cư liên tục tăng cao chóng mặt, giấc mơ nhà của họ xa vời. Giá căn hộ tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng gần 40% so với năm 2019, theo nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Giá căn hộ ở TP.HCM cũng không thua kém.

Trong khi trung bình tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người giai đoạn 2019 - 2023 của nước ta chỉ khoảng 6%. Thu nhập người lao động đuổi không kịp giá căn hộ, mong ước an cư lạc nghiệp của nhiều người cũng bị dập tắt.

Bạn tôi chỉ còn trông chờ vào "chiếc phao" nhà ở xã hội để nghĩ giấc mơ nhà. Nhưng thực tế căn hộ nhà ở xã hội còn khan hiếm nguồn cung hơn. Mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và gói tín dụng 120.000 tỉ đồng kỳ thực thắp lên tia hy vọng. Nhưng xem ra khó mãn nguyện với sự chuyển biến ì ạch hiện nay.

Đúng như Thủ tướng nói "đặt mình vào vị trí người chưa có nhà ở để hành động" và cũng đã đến lúc cần làm rõ liệu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa? Nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì?

Trong một buổi gặp mặt của một số doanh nghiệp có làm hoặc mong muốn làm dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, đa số ý kiến cho rằng với cơ chế, cách làm hiện nay sẽ khó có thêm nhiều nhà ở xã hội.

Nếu có cũng sẽ khó có căn hộ "giá nhà ở xã hội". Việc chỉ trông chờ vào sự tạo lập quỹ đất từ doanh nghiệp, Nhà nước đưa ra một số ưu đãi nhưng đi cùng là hàng loạt điều kiện, thủ tục kèm theo sẽ càng làm chương trình an sinh này chỉ là mong muốn trên giấy.

Đã đến lúc xác định lại vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội. Kinh nghiệm các nước đi trước hàng trăm, hàng chục năm cũng vậy.

Chỉ có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước mới có khả năng tạo lập được cả ba trụ cột là quỹ đất, nguồn vốn và cơ chế thủ tục để làm nhà ở xã hội thành công. Doanh nghiệp cũng chỉ đóng vai trò đồng hành, hưởng ứng.

Khi Nhà nước là chủ đạo sẽ xác lập lại loại hình căn hộ nhà ở xã hội chủ yếu là cho thuê, thay vì đa phần doanh nghiệp làm và bán như hiện nay.

Dù nỗ lực và mục tiêu đặt ra của các địa phương lớn, nhưng cũng nên nhìn nhận không thể nào có thể tạo một nguồn cung nhà ở giá rẻ đáp ứng nhu cầu rất lớn của người lao động như hiện nay.

Mục tiêu 1 triệu căn nhưng quỹ đất công chưa mạnh dạn bỏ ra làm nhà ở xã hội. Kỳ vọng hàng loạt dự án căn hộ giá rẻ nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa mạnh mẽ tham gia.

Khuyến khích, ưu đãi vốn nhưng đến cuối năm 2023 mới chỉ giải ngân chưa đầy 150 tỉ/120.000 tỉ đồng của gói tín dụng ưu đãi.

Chưa kể thủ tục làm nhà ở xã hội còn chất chồng, nhiêu khê hơn làm nhà ở thương mại. Thế mới biết, cái khó của nhà ở xã hội chồng chất, mà cứ vậy thì giấc mơ an cư của hàng triệu hộ gia đình vẫn chỉ là giấc mơ. Chẳng lẽ cứ để người dân phải mơ mãi...!

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu gói nhà ở xã hội có lãi suất mua thấp hơn vay thương mại từ 3-5%Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu gói nhà ở xã hội có lãi suất mua thấp hơn vay thương mại từ 3-5%

Đó là chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi kết luận hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên