15/07/2018 14:05 GMT+7

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn

GIANG PHẠM (từ Nga)
GIANG PHẠM (từ Nga)

TTO - '42 giờ trên tàu hỏa cùng với những cổ động viên bóng đá cùng nhiệt. Đó là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời, bạn trẻ à!', một cổ động viên Thụy Điển tại World Cup 2018 nói với tôi.

Bác Anders, cổ động viên Thuỵ Điển giải thích cho tôi lí do tại sao bác ta lại chọn đi tàu từ Moscow đến Sochi để xem trận đấu giữa Đức và Thuỵ Điển khi chúng tôi gặp nhau tại Nizhny Novgorod.

Quãng đường từ Moscow đến Sochi dài gần 1.700km, tương đương từ Hà Nội đến Sài Gòn. Không có nhiều người đi một hành trình dài như thế này, nhất là các cổ động viên châu Âu vốn quá quen thuộc với các hãng máy bay giá rẻ, nơi cung cấp vé bay giữa hai quốc gia thậm chí chỉ bằng 1/10 so với vé tàu và còn nhanh hơn.

Nhưng ở Nga, quốc gia rộng lớn nhất thế giới, di chuyển bằng tàu hoả được xem là phương án tiết kiệm nhất và tiện lợi nhất, rẻ hơn nhiều so với máy bay và thoải mái hơn so với xe buýt hay xe hơi tự lái.

Hơn thế nữa, nước chủ nhà World Cup đã quá hào phóng khi cung cấp vé tàu… miễn phí cho các cổ động viên di chuyển giữa các thành phố có trận đấu. Dù không thể đáp ứng với lượng cổ động viên khổng lồ, những chuyến tàu miễn phí từ ban tổ chức đã phần nào giảm gánh nặng cho 4 sân bay thường xuyên quá tải ở Moscow, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cổ động viên trong hành trình thưởng thức World Cup của mình.

Đi tàu ở nước Nga xem bóng đá có thể là thử thách. Như với Harshad, anh chỉ đi tàu một chiều từ Moscow đến Sochi cho "biết mùi" đi tàu xa rồi bay về Saint Petersburg. Nhưng đi tàu cũng có thể là một thú vui, như với bác Simon khi bác chọn đi tàu vì bác "thấy được nhiều hơn". Nhưng dù gì đi nữa, chuyến tàu cùng với những CĐV bóng đá cuồng nhiệt sẽ luôn là một kỉ niệm khó quên với những ai lựa chọn nó ở nước Nga mùa hè này.

Với rất nhiều cổ động viên đến nước Nga mùa World Cup này, hành trình xuôi ngược nước Nga bằng tàu hoả là một trải nghiệm đáng nhớ.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 1.

Ở nước Nga mùa này, tất cả đều hướng vào World Cup, ngành đường sắt không là ngoại lệ. Với số lượng khoảng 2,8 triệu cổ động viên tham dự các trận đấu tại World Cup kì này, đường sắt nước Nga đã đưa thêm 75 đoàn tàu vào hoạt động, cung cấp 734 chuyến tàu miễn phí với tổng cộng 450,000 chỗ ngồi cho cổ động viên trên 31 tuyến đường từ 12-6 đến 17-7.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 2.

Để có được vé tàu khứ hồi miễn phí, cổ động viên cần vé xem trận đấu tại thành phố mình muốn đến, Fan ID và… một chút may mắn vì số lượng chỗ ngồi hạn chế. Cổ động viên trước khi lên tàu phải xuất trình vé tàu, vé xem bóng đá, Fan ID và hộ chiếu mới được lên tàu. Với những ai chưa có vé tàu thì phải thường xuyên kiểm tra trên website của ban tổ chức hoặc ra ga tàu liên hệ trong trường hợp có người huỷ vé hoặc có tàu bổ sung.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 3.

Các chuyến tàu dài ở Nga chỉ có toa nằm. Nhiều người chọn đi tàu để tiết kiệm tiền khách sạn, đỡ mệt so với đi xe buýt. Những giấc ngủ dài trên tàu còn giúp cổ động viên phục hồi sức khoẻ sau khi đã hết mình cổ vũ đội nhà. Tàu ở Nga chạy khá êm nên tôi không gặp nhiều khó khăn để chìm vào giấc ngủ.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 4.

Không ai biết người ngủ chung cabin của mình là ai cho đến khi lên tàu. Trên chuyến tàu từ Moscow đi Sochi, tôi và người bạn Việt Nam của mình ở chung với hai anh bạn người Mông Cổ, đều tên Bok (nên chúng tôi gọi Bok lớn và Bok nhỏ cho dễ phân biệt). Khoang tàu 4 người chẳng mấy chốc kết thân với nhau. Thỉnh thoảng lại có một vài người ghé qua cabin khác để nói chuyện. Có anh bạn Harshad người Ấn hay ghé cabin của chúng tôi. Mọi người nói chuyện rôm rả, giới thiệu về đất nước của nhau, chia sẻ câu chuyện du lịch, dù cho đội bóng mình ủng hộ có thể là đối thủ. Hai anh Bok có mang theo chai…vodka sản xuất tại Mông Cổ, hiệu…Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) liền lấy ra mời mọi người. Harshad tranh thủ nhờ Thọ, bạn tôi chụp lại tấm hình kỉ niệm.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 5.

Toa nhà hàng là điểm lui tới thường xuyên của các cổ động viên, nhất là trên những chuyến tàu dài ngày. Đi đến toa nhà hàng được xem là để thư giãn gân cốt, vừa gặp gỡ mọi người, vừa ngắm cảnh vừa uống li bia giải khát dù giá cả không mềm tí nào. Người Nga rất biết cách kiếm tiền, trên chuyến tàu miễn phí họ bán thức ăn đồ uống với giá cao hơn các chuyến tàu thông thường. Mặc dù vậy, không khí ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 6.

Do thức ăn trong toa nhà hàng cao hơn nhiều giá bình thường nên các trạm dừng ít ỏi là cơ hội “cứu đói” cho các cổ động viên. Các quầy hàng tại ga luôn chật kín cổ động viên xếp hàng mua nước uống, mì gói, bánh mì, đồ hộp… và các nhu yếu phẩm khác. Trạm dừng còn là thời gian để mọi người tận hưởng chút khí trời và hút vài điếu thuốc cho đỡ thèm.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 7.

Đi tàu còn là lựa chọn của các cổ động viên thích ngắm cảnh. Cổ động viên nước ngoài có dịp quan sát nước Nga qua ô cửa sổ trong thời gian đi tàu. Với những chuyến tàu dài như Ekaterinburg - Saint Petersburg hay Moscow - Sochi, người ta phải trầm trồ khi thấy nước Nga thay đổi như thế nào từ Đông sang Tây hay từ Bắc xuống Nam. Như chuyến tàu tôi đi từ Moscow đến Sochi chẳng hạn, đó là chuyến đi từ Moscow mát mẻ chỉ khoảng 15,16 độ C xuống Sochi, thành phố nghỉ hè của Nga với nhiệt độ lên đến… 40 độ C! Đặc biệt, khi tàu vào địa phận Sochi, tàu sẽ chạy dọc theo biển Đen suốt hơn 2h đồng hồ. Khung cảnh từ cửa sổ lúc đó một màu xanh thích mắt.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 8.

Với các fan ghiền bóng đá, các trận đấu tại World Cup là điều không thể bỏ qua. Trong thời gian đi tàu, mọi người vẫn tranh thủ cập nhật các trận đấu đang diễn ra. Điện thoại và iPad được tận dụng hết công suất mỗi khi… có sóng 4G để xem bóng đá trực tiếp, dù khi đi tàu tín hiệu rất chập chờn. Chúng tôi đi qua cabin của một nhóm cổ động viên Tajikistan để cùng xem trận đấu vòng 2 giữa Nhật Bản và Bỉ. Mọi thiết bị đều mở trận đấu, iPad hay điện thoại nào có sóng thì xem cái đấy.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 9.

Khi cổ động viên đến nơi, việc đầu tiên họ làm là… gửi hành lý. Ở các ga tàu của Nga luôn có phòng chứa hành lý với giá 200-250 rúp/ngày. Đa phần cổ động viên sẽ gửi hành lý tại đây, đi phương tiện công cộng ra sân vận động xem bóng đá, quay lại lấy hành lý và lên tàu trở về Moscow hay Saint Petersburg, nơi có nhiều chỗ ở và là những thành phố du lịch chính.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 10.

Helen (bên phải) cùng đồng nghiệp. Cả 3 đều đang làm việc tại trường đại học ở thành phố Rostov on Don, tranh thủ kì nghỉ hè cả 3 đăng kí làm tình nguyện viên của Đường sắt nước Nga phục vụ kì World Cup này. Nhiệm vụ của họ là làm phiên dịch viên giữa các cổ động viên và nhân viên trên tàu cũng như hỗ trợ ngôn ngữ cho hành khách. Helen phiên dịch tiếng Anh, một người nói tiếng Đức còn người còn lại là tiếng Tây Ban Nha. Họ dành toàn bộ thời gian một tháng diễn ra World Cup ở trên tàu, liên tục di chuyển giữa Moscow và Sochi. Thường cả 3 chỉ có khoảng vài tiếng nghỉ ngơi tại điểm dừng cuối cùng trước khi tàu xuất phát trở lại. Tại kì World Cup này, hơn 2.300 nhân viên đường sắt đã được tập huấn về công tác phục vụ CĐV bóng đá trên tàu, 20% trong số đó được tập huấn chuyên sâu về tiếng Anh.

Dọc ngang nước Nga mùa World Cup bóng lăn - Ảnh 11.

Tôi lặng người ngắm hoàng hôn lúc nửa đêm trước khi rời ga Moscow. Tự dưng nổi hứng hát thầm bản nhạc 500 Miles: “If you miss the train I’m on, you will know that I have gone. You can hear the whistle blows a hundred mile…”

Tính cách Anh và "It’s Coming Home" Tính cách Anh và 'It’s Coming Home'

TTO - 'It is a sad song…' (Nó là một bài hát buồn). Đó là lời giải thích từ một cổ động viên Anh cuồng nhiệt nói về bài hát.

GIANG PHẠM (từ Nga)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên